Chỉ trong một thời gian ngắn, Tổng thống Donald Trump liên tục đổi giọng về khả năng Mỹ quay lại Hiệp định TPP (nay là CPTPP).
Ngày 17/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter: “Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc muốn chúng ta quay trở lại TPP, tôi không thích hiệp định này dành cho nước Mỹ.
Có quá nhiều điều khoản dự phòng và chẳng thể nào thoát ra được nếu thỏa thuận không mang lại hiệu quả. Các thỏa thuận song phương hiệu quả hơn nhiều, mang lại lợi ích lớn hơn nhiều, và tốt hơn nhiều cho công nhân của chúng tôi. Hãy xem WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) tệ như thế nào đối với Mỹ”.
Chỉ trích Hiệp định TPP, dường như ông Trump quên mất rằng mới tuần trước, hôm 12/4, ông còn yêu cầu quan chức Chính phủ Mỹ xem xét khả năng quay lại TPP trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang.
Rồi vào tháng 2/2018, dù chỉ trích Hiệp định TPP ban đầu là “một thỏa thuận rất tệ”, lấy đi số lượng việc làm đáng kể nhưng ông Trump vẫn tuyên bố: “Có khả năng chúng tôi sẽ gia nhập, nhưng họ phải đưa cho chúng tôi một thỏa thuận tốt hơn nhiều”.
Ông Trump rút Mỹ khỏi TPP ngay trong tuần đầu tiên làm Tổng thống và gọi đây là một thỏa thuận “kinh khủng”. Ông Trump cho rằng thỏa thuận này sẽ gây thiệt hại cho ngành sản xuất và việc làm của Mỹ. Thỏa thuận – được coi là một đối trọng đối với sự nổi lên về kinh tế của Trung Quốc trong khu vực – đã được đàm phán dưới thời Tổng thống Barack Obama nhưng chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Sau khi Mỹ rút đi, 11 quốc gia còn lại, chiếm 13% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, thống nhất đổi tên TPP thành hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với phạm vi cam kết rộng bao gồm cả các vấn đề thương mại và phi thương mại.
Ngày 23/1, tại Tokyo, Nhật Bản, các nước còn lại đã tuyên bố kết thúc đàm phán hình thành CPTPP mà không có Mỹ. Vào ngày 8/3, CPTPP được ký chính thức ở Chile.