Wednesday, November 20, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnÂm mưu vẽ lại 'đường lưỡi bò' của TQ là phi lý,...

Âm mưu vẽ lại ‘đường lưỡi bò’ của TQ là phi lý, nguy hiểm

Đó là nhận định của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về đề xuất của một số nhà khoa học Trung Quốc vẽ lại “đường lưỡi bò” bằng cách nối liền mạch 9 nét đứt thành một đường ranh giới mới.

Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng cho biết dự án do Chính phủ Trung Quốc tài trợ, nhằm mục tiêu nghiên cứu khoa học, củng cố tuyên bố chủ quyền để chuẩn bị cho những thay đổi về chính sách trong tương lai.

* PGS.TS Vũ Thanh Ca (nguyên vụ trưởng Vụ HTQT & KHCN, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam):

Không thay đổi được bản chất phi lý

ca
PGS.TS Vũ Thanh Ca

Theo quy định của luật pháp quốc tế, một vùng biển không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền và chế độ pháp lý của một vùng biển được quyết định bởi chế độ pháp lý của vùng đất liền kề. 

 Nếu vùng đất đó là đảo hoặc đất liền, nó sẽ có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và một vùng thềm lục địa có chiều rộng không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở. 

Nếu vùng đất đó là đảo đá, nó sẽ chỉ có lãnh hải với chiều rộng không quá 12 hải lý. Ranh giới của các vùng biển được phân định bằng các đường thẳng nối liền các điểm có tọa độ xác định. 

Nguyên tắc cơ bản để phân định vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia liền kề là sử dụng đường trung tuyến, tức là đường thẳng nối liền các điểm có tọa độ xác định ở cách vùng đất của các quốc gia liền kề một khoảng hợp lý.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn không thỏa mãn bất cứ một tiêu chí nào của đường phân định vùng biển quốc gia. 

Thứ nhất, nó không phải là đường thẳng liền nét nối liền các điểm có tọa độ xác định. Thứ hai, nó cách đất liền hoặc đảo Hải Nam của Trung Quốc một khoảng cách lớn hơn 350 hải lý. Thứ ba, Chính phủ Trung Quốc không nêu rõ chế độ pháp lý của nó. 

Người ta không biết vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Với các lý do nêu trên, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế vào tháng 7-2016 đã tuyên bố không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là đảo đá nên chỉ có lãnh hải 12 hải lý. 

Nỗ lực của Trung Quốc thay đường đứt khúc bằng đường liền nét cũng không thay đổi được bản chất phi lý của “đường lưỡi bò” và do vậy là vô vọng.

TS Collin Koh (Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore):

Cần thông báo chính thức từ Trung Quốc

Tôi nghĩ dự án này tuy được tài trợ của Chính phủ Trung Quốc nhưng chưa phải là một dự án chính thức. Dù vậy, tôi không chắc rằng trong hoàn cảnh hiện tại Trung Quốc sẽ muốn thực hiện dự án này, vì nó phá hủy mọi thành quả họ đã đạt được đến nay. Nếu Chính phủ Trung Quốc thực sự muốn làm vậy, một số đồng minh của nước này trong ASEAN sẽ xa lánh, đồng thời tạo thêm nhiều sự can dự hơn của khu vực ở Biển Đông.

* Ông Lê Nghiêm (nguyên cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại):

Nhiều động thái nguy hiểm

lenghiem
Ông Lê Nghiêm (nguyên cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại)

Đề xuất vẽ lại “đường lưỡi bò” của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh muốn dùng các công trình nghiên cứu khoa học để làm rõ yêu sách “đường lưỡi bò” của mình trước các học giả và dư luận thế giới.

Trước đây, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc rất mập mờ, chưa rõ nó là vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế. Giới học giả cũng chưa rõ quy chế pháp lý và tọa độ của nó ra sao. 

Do đó, việc nối liền mạch “đường lưỡi bò” là bước đi đầu tiên để giải thích rõ yêu sách này cho công luận quốc tế. Sắp tới, chắc chắn Trung Quốc sẽ tiến hành các bước khác để củng cố yêu sách chủ quyền phi lý này.

Tuy nhiên, động thái vẽ lại “đường lưỡi bò” không nguy hiểm bằng những hành động khác mà Trung Quốc đang thực hiện trên thực địa. 

Đó là việc Trung Quốc muốn các nước liên quan cùng khai thác chung ở Biển Đông. Song song đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Trường Sa.

Đây là những hoạt động có hệ thống và thể hiện tham vọng chiếm bằng được Biển Đông của Trung Quốc. Do đó, chúng ta phải vô cùng cảnh giác trước những âm mưu này.

Yêu cầu tạm ngừng đánh bắt cá của Trung Quốc không có giá trị

Đó là khẳng định ngày 23-4 của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám trước việc Trung Quốc đơn phương thông báo tạm ngừng đánh cá từ ngày 1-5 đến 16-8 trên Biển Đông, bao gồm các vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao với vùng biển Phúc Kiến – Quảng Đông, kể cả vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đề nghị các tỉnh, thành phố động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển Việt Nam và hướng dẫn ngư dân tổ chức thành đoàn, đội khi đi đánh bắt để hỗ trợ nhau trên biển. (CHÍ TUỆ)

RELATED ARTICLES

Tin mới