Căng thẳng và bạo lực gia tăng tại miền Đông Cameroon khi doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng khu vực chưa có quy định pháp luật rõ ràng để khai thác vàng.
Thợ đào vàng của doanh nghiệp Trung Quốc vận hành máy móc tại Longa Mali, Cameroon.
“Người Cameroon và người có nhiều mâu thuẫn liên miên” về việc đào vàng, Narma Ndoyama cho biết. Ông là nông dân tại Longa Mali, ngôi làng nhỏ trong khu vực mỏ.
Doanh nghiệp tai tiếng, mua rẻ đất của dân
Theo Foder, nhóm vận động bảo vệ môi trường và phát triển nông thôn, hồi đầu tháng 4, bốn công ty đã bị cấm khai thác tại đông Cameroon. Một trong số đó là doanh nghiệp Trung Quốc Lu & Lang tai tiếng. Công nhân tại Lu & Lang đã sát hại một người Cameroon do người dân này khai thác vàng trên đất được cho là của doanh nghiệp.
Ông Ndoyama kể rằng sau đó, “dân làng đã nổi dậy và ném đá công nhân Trung Quốc đó đến chết”.
Theo South China Morning Post, công ty Lu & Lang chỉ tạm ngừng khai thác trong một thời gian ngắn sau vụ việc và đã tiếp tục hoạt động trở lại.
Người Trung Quốc “giết con trai của tôi, nhưng họ chẳng bồi thường gì cho tôi”, Philippe Balla, cha của nạn nhân nói. “Họ cứ tiếp tục làm việc mà chẳng ai làm phiền đến họ”.
Theo Michel Pilo, già làng Mali, sự tức giận sục sôi trong cộng đồng dân địa phương do các công ty mua đất canh tác của họ với giá thấp.
“Họ tàn phá đất của chúng tôi”, ông nói rằng 1 thửa đất đáng giá 500.000 CFA franc (925 USD) lại chỉ được trả 80.000 CFA franc (150 USD).
Những người nông dân vẫn phải chấp nhận bán vì họ không còn lựa chọn nào khác. “Bạn không thể từ chối vì nếu từ chối không bán, đất của bạn sẽ vẫn bị đào lên mà bạn thì không được một đồng đền bù nào”, một quan chức địa phương cho biết.
Ndoyama là một trong số ít nông dân vẫn còn có đất canh tác. Ông coi sự xâm lấn của những công nhân mỏ Trung Quốc là mối đe dọa đối với cánh đồng bột sắn của ông.
“Họ đang tiến sát tới mảnh đất của tôi rồi. Họ vẫn chưa động vào nó, nhưng tôi e là sắp rồi”, ông Ndoyama nói. “Tôi đang đợi mảnh đất được đo đạc để khởi kiện, cứu cánh đồng của tôi”.
Dân địa phương liên tục kêu gọi chính quyền đặt ra ranh giới đất đai rõ ràng, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Nhiều công nhân mỏ Trung Quốc trong vùng từ chối nói về những lời phàn nàn của dân địa phương đối với họ.
Quy trình nhập nhằng
“Xả cơn tức giận chống lại người Trung Quốc thì dễ, nhưng ai đã đưa Trung Quốc vào đây?”, Gabriel Yadji, đại diện Bộ Khai thác mỏ khu vực phía đông đặt nghi vấn. “Chính người Cameroon đã khiến dân rơi vào tình cảnh này”.
Quá trình lấy giấy phép khai thác phức tạp chẳng khác gì mê cung dẫn đến việc chưa có doanh nghiệp khai thác vàng công nghiệp nào được cấp phép. Tất cả những hoạt động đào vàng đều diễn ra trên quy mô nhỏ.
Những cá nhân có được giấy phép, chủ yếu là người Cameroon, cho thuê hoặc bán giấy phép lại cho doanh nghiệp nước ngoài.
“Quy trình xin và cấp phép khai thác không minh bạch”, tổ chức Foder nói. Những nỗ lực của nhóm trong việc tiếp cận hồ sơ sổ sách liên quan đến giấy phép đã cấp đều vô ích.
Truyền thông địa phương cho biết giới tinh hoa của Cameroon, bao gồm các đại tướng, đại tá, nhà lập pháp, bộ trưởng và cháu Tổng thống Paul Biya, đều nắm trong tay giấy phép khai thác, nhưng không có cách nào để xác minh thông tin này.
Nghi ngờ tham nhũng không chỉ xoay quanh quy trình cấp giấy phép đào vàng.
“Quân đội bảo vệ người Trung Quốc tại mọi khu vực khai thác, gây tổn hại tới các cộng đồng xung quanh. Quân đội còn tham gia vào việc đe dọa người dân và làm ăn gian lận”, một nhà hoạt động xã hội cho biết.
Chưa có số liệu chính thức nào về tỷ lệ đất đang được khai thác tại miền Đông Cameroon. Nhiều người nhận định khu vực này dồi dào tài nguyên khoáng sản nhưng chậm phát triển trong tình cảnh nghèo khó.
Tuy chính phủ đã thiết lập cơ quan kiểm soát ngành khai thác quy mô nhỏ, nước này không có đủ nguồn lực để kiểm soát tất cả doanh nghiệp khai thác, một công nhân cho biết.
“Chúng tôi hài lòng khi những doanh nghiệp Trung Quốc tự khai báo sản lượng khai thác của họ”.
Luật pháp Cameroon quy định những thợ khai thác vàng cần nộp cho chính phủ 25% tổng sản lượng.
Vào năm 2017, chương trình hỗ trợ thợ mỏ thủ công Capam thu được 255 kg vàng về cho chính phủ từ các công nhân mỏ trên khắp cả nước. Giá trị sản lượng vàng của nước này là khoảng 41 triệu USD.