Thursday, November 28, 2024
Trang chủĐàm luậnPhilippines, Australia, Mỹ phản ứng dữ dội khi TQ triển khai tên...

Philippines, Australia, Mỹ phản ứng dữ dội khi TQ triển khai tên lửa đến Trường Sa

Theo Reuters, Global Times, Inquirer, GMA News, SBSNews (4/5)và Mạng tin tức Mỹ CNBC dẫn nguồn thạo tin tình báo Mỹ ngày 2/5 cho biết Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống tên lửa hành trình chống hạm và đất đối không tại Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn trong vòng 30 ngày qua. 

Greg Poling, một chuyên gia Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trụ sở ở Washington nhận xét diễn biến mới này rất quan trọng vì đây là lần đầu tiên các tên lửa xuất hiện ở Trường Sa, dù là tên lửa đất đối không hay chống hạm. Theo ông, việc triển khai này được dự đoán từ trước, khi Trung Quốc xây dựng các cơ sở tên lửa tại các bãi đá trên hồi năm ngoái và đã triển khai những hệ thống tên lửa tương tự trên đảo Phú Lâm

Nguy cơ 

Theo CNBC, các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B cho phép Trung Quốc tấn công các tàu trong bán kính 295 hải lý. Trong khi đó, các tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B có thể tấn công máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong bán kính 160 hải lý.

Trung Quốc chưa hề đề cập đến việc triển khai tên lửa nhưng từng nói rằng các cơ sở quân sự của nước này ở Quần đảo Trường Sa hoàn toàn là vì lý do phòng thủ. 
Tháng trước, Đô đốc Philip Davidson, được đề cử đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết Căn cứ tác chiến tiền phương của Trung Quốc ở Biển Đông có vẻ đã hoàn chỉnh. Ông nói: “Điều duy nhất còn thiếu là các lực lượng được triển khai. Trung Quốc sẽ có thể mở rộng ảnh hưởng hàng ngàn dặm về phía Nam và bành trướng sức mạnh sâu vào châu Đại Dương”.

Theo ông Davidson, Trung Quốc có thể sử dụng các căn cứ để thách thức sự hiện diện trong khu vực của Mỹ và dễ dàng áp đảo các lực lượng quân sự của bất kỳ phe tuyên bố chủ quyền nào khác ở Biển Đông. Ông nói: “Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống trừ chiến tranh với Mỹ”. 

Đầu tháng 3/2018, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Quân sự hoá chính là yếu tố gây bất ổn định nhất ở khu vực… Một số thế lực bên ngoài đang không tuân theo sự yên bình mà đang cố gắng gây ra rắc rối ở vùng biển bằng cách phô trương sức mạnh thông qua các phi cơ chiến đấu và tàu quân sự”. 
Ông nhấn mạnh rằng dù có những tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tăng cường tiến trình thảo luận Bộ quy tắc ứng xử, mở rộng sự hợp tác giữa các nước cùng bờ biển và khuyến khích hoà bình và hợp tác ở Biển Đông. Thế nhưng, đến giữa tháng 4/2018, Trung Quốc lại xúc tiến một cuộc tập trận quy mô lớn nhất từ trước đến nay. 

Trung Quốc biện minh 

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, ngày 3/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Bắc Kinh coi quần đảo Nam Sa  (Trường Sa) trên biển Hoa Nam (Biển Đông) là một phần lãnh thổ nước này. Chính vì vậy, Trung Quốc có quyền triển khai các loại cơ sở vật chất cần thiết tại quần đảo này, bao gồm cả những cơ sở quân sự, nhằm duy trì an ninh và lợi ích quốc gia.
Việc triển khai này không nhằm vào bất cứ nước nào… Trung Quốc là nước giao dịch thương mại quan trọng và là nước gìn giữ vững chắc hòa bình và sự ổn định trong khu vực.”

Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Chen Xiangmiao, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu biển Hoa Nam, nói: sự hiện diện thường xuyên của Mỹ trên biển Hoa Nam, mà Mỹ nói là tự do hàng hải, cũng là một lý do nữa khiến Trung Quốc thấy cần thiết phải triển khai các cơ sở phòng thủ trong khu vực và đặt ra nghi vấn về việc Mỹ định nghĩa quân sự hóa như thế nào khi nước này hiểu sai ý đồ của Trung Quốc. Ông Zhang Junshe, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho rằng Mỹ không chỉ tăng cường đi lại trên biển Hoa Nam mà gần đây còn tiến hành tập trận. Điều này có thể được xem là hành động phô trương sức mạnh đối với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. 

Mỹ sẽ hành động? 

Theo Reuters, ngày 3/5, Nhà Trắng cho biết Mỹ bày tỏ quan ngại với Trung Quốc về những hoạt động quân sự hóa mới nhất của Bắc Kinh trên Biển Đông và cảnh báo sẽ có những hậu quả trước mắt và lâu dài. 

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói: “Chúng ta biết rõ việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Chúng ta đã trực tiếp nêu mối quan ngại với Trung Quốc về vấn đề này và sẽ có những hậu quả trong ngắn hạn và dài hạn”. 

Bà Sanders không cho biết cụ thể hậu quả là gì. 

Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với các vùng biển quốc tế.

Bà White cho biết Trung Quốc phải hiểu rằng “họ không thể, không nên thù địch, và hiểu rằng Thái Bình Dương là nơi mà khối lượng lớn thương mại đi qua. Và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi khi đảm bảo được tự do đi lại của các vùng biển quốc tế.” 

Một quan chức Mỹ giấu tên xác nhận tình báo Mỹ ghi nhận một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đưa một số hệ thống vũ khí đến quần đảo Trường Sa trong tháng qua, nhưng không nêu chi tiết. 

Cùng ngày 3/5, ông Eric Sayers, cựu cố vấn của Tư lệnh Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, gọi việc triển khai tên lửa là “sự leo thang nghiêm trọng”. Ông cho biết Mỹ có thể đưa ra một phản ứng ngay lập tức: hủy bỏ lời mời Bắc Kinh đến cuộc tập trận hải quân đa phương RIMPAC tại Hawaii trong tháng 7 tới. 

Ông Sayers, hiện là trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington, nói: “Khi Trung Quốc thấy rằng nước này hầu như không phải trả giá cho những hành động kiểu như họ đã làm trong năm 2015 và 2016, điều này càng khiến Bắc Kinh tiếp tục lấn tới. Trung Quốc coi việc tham gia tập trận là dấu hiệu cho thấy các cường quốc hàng hải thế giới chấp nhận nước này, nhưng Bắc Kinh không được phép quân sự hóa vùng biển mở này và không nên được tuyên dương là thành viên được hoan nghênh trong cộng đồng hàng hải.” 
Theo trang mạng Inquirer (Philippines), bất chấp việc Trung Quốc yêu cầu tránh xa Biển Đông, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim ngày 3/5 khẳng định rằng Washington sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải tại vùng biển tranh chấp này để “bảo vệ các quyền quốc tế quan trọng cho tất cả các quốc gia, trong đó có Philippines”. 
Phát biểu với các nhà báo tại Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Manila, ông Sung Kim đã kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền kiềm chế các hoạt động cải tạo và quân sự hóa ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự Mỹ trên vùng biển này. Đại sứ Sung Kim cho biết Mỹ quan ngại về các hành động đơn phương gần đây của Trung Quốc trong vùng biển này, những động thái này cho thấy “Trung Quốc đang xúc tiến quân sự hóa”.  Ông nói: “Chúng tôi lo lắng bất cứ khi nào một nước đòi hỏi  chủ quyền, trong đó có Trung Quốc, tiến hành hành động đơn phương gây hấn tiến tới quân sự hóa. Điều này dường như cho thấy Trung Quốc đang tiến tới quân sự hóa.”

Đại sứ Mỹ viện dẫn các cuộc tuần tra gần đây của các tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Theodore Roosevelt và các sứ mệnh huấn luyện khác của các vũ khí Mỹ là một phần trong các cách thức trấn an các đồng minh của Mỹ trong khu vực. 
Ông cho biết sự hiện diện của những khí tài này là để chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với liên minh Mỹ – Philippines và đối với khu vực rằng liên minh Mỹ – Philippines sẽ làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ quyền quốc tế, tự do hàng hải, tự do hàng không và tự do thương mại. 

Ông Kim nói: “Chúng tôi liên tục kêu gọi tất cả các nước đòi hỏi chủ quyền, trong đó có Trung Quốc, kiềm chế các hành động đơn phương gây hấn mà không phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.’’

Tuy nhiên, Tổng thống Rodrigo Duterte nhiều lần chỉ trích Mỹ vì không làm gì để ngăn chặn Trung Quốc xây dựng các căn cứ nhân tạo trên Biển Đông. 
Tháng trước, tờ Wall Street Journal đưa tin, trong 90 ngày trước đó, thiết bị gây nhiễu đã được triển khai tại Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, một động thái được xem là để củng cố các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc và là một bước đi tiến tới việc quân sự hóa các vùng biển tranh chấp gay gắt. 

Hồi tháng 1/2018, hai máy bay vận tải quân sự cũng được phát hiện trên Đá Vành Khăn, vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền nhưng được Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết trao cho Philippines. Vùng biển này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Dư luận Philippines: Trung Quốc thực hiện “cuộc xâm lược từ từ” ở Biển Đông 
Theo trang mạng GMA News ngày 4/5, Hạ nghị sĩ Philippines Carlos Isagani Zarate cho rằng việc Trung Quốc lắp đặt các hệ thống tên lửa hành trình ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông là “hành động xâm lược Philippines một cách từ từ”. 
Trong một thông cáo chí, ông Zarate nói: “Điều này rất đáng báo động, đáng bị lên án. Trên thực tế, điều này còn hơn cả quân sự hóa biển Tây Philippines. Trung Quốc cũng đang thực sự thực hiện cuộc xâm lược dần dần đối với Philippines”. Ông cho rằng các hành động của Trung Quốc đang “kích động một kỷ nguyên chạy đua vũ trang và biến động trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương” mà không có lấy “một tiếng phản đối từ phía Chính phủ Philippines”.

Ông Zarate hối thúc chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte chí ít cũng phải có công hàm phản đối ngoại giao. Ông còn cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng quan điểm mềm mỏng của chính quyền Manila hòng quân sự hóa các đảo nhân tạo của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp này. 

Hạ nghị sĩ Gary Alejano cũng cho rằng hành động gây hấn liên tiếp của Trung Quốc làm dấy lên mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Philippines. 

Australia lo ngại Trung Quốc tăng cường quân sự ở Biển Đông 

Theo hãng tin SBSNews, Chính phủ của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull lo ngại trước thông tin Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống tên lửa hành trình chống hạm và đất đối không tại 3 tiền đồn của nước này ở Biển Đông. 
Phát biểu tại thành phố Gold Coast, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho rằng nếu tin tức truyền thông nêu trên là chính xác thì Chính phủ Australia sẽ rất lo ngại. 
Bà Bishop nói: “Động thái này đi ngược lại nguyện vọng do chính Trung Quốc khẳng định, đó là Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa những thực thể này. Với tư cách là một ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc tất nhiên có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới”. 
Theo Thủ tướng Australia, bất cứ hành động nào nhằm đơn phương quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông đều sẽ đi ngược lại trách nhiệm này.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới