Việc sử dụng phế phẩm từ cây tiêu được cho là rất nguy hiểm nhưng thương lái Trung Quốc vẫn mua về làm thuốc.
Theo Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, từ đầu tháng 4/2018, tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, có một số thương lái Trung Quốc thu mua rễ cây hồ tiêu để làm thuốc với giá 20.000 đồng/kg tươi và 80.000 đồng/kg khô. Hiện đã có 14 nông dân bán cho thương lái.
Việc sử dụng phế phẩm từ cây tiêu được cho là rất nguy hiểm vì trong thân, gốc và rễ tiêu nông dân bỏ đi đều có thể tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân trồng tiêu cần tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật.
Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết: “Việc xử lý rễ tiêu cần làm đúng quy định về kiểm dịch thực vật, không nên đưa rễ tiêu từ vùng này sang vùng khác dễ lây lan dịch bệnh.
Trong rễ tiêu sử dụng hóa chất nhiều, tích lũy trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu được sử dụng trong một sản phẩm nào đó phục vụ cho nhu cầu của con người”.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã ra thông báo đề nghị các địa phương vận động nông dân không bán phế phẩm hồ tiêu cho thương lái. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị mua rễ cây hồ tiêu.
Những bài học về việc thương lái Trung Quốc thu mua nhiều mặt hàng ở Việt Nam đã diễn ra nhiều năm nay. Như hồi giữa năm 2017, khi giá cao su đột ngột rớt xuống còn 34 triệu đồng/tấn khiến nhà vườn choáng váng thì các thương lái Trung Quốc mua gom mạnh gỗ cao su khiến nguồn cung trở nên khan hiếm, đã đẩy giá lên cao ngất ngưởng. Phôi gỗ cao su đã tăng lên xấp xỉ 9 triệu đồng/m3.
Ông Lê Văn Hùng, một người chuyên khai thác gỗ rừng trồng cung cấp cho các lò sấy ở huyện Trảng Bom, cho biết, nhiều chủ vườn cao su đã cho thanh lý những vườn cây năng suất kém.
“Mỗi cây cao su có giá 1 triệu đồng, bán 1 hécta chủ vườn có trong tay 1 tỷ đồng. Nhiều vườn cao su tôi thấy chủ vườn chặt ngọn trồng tiêu dưới gốc, có lẽ do không hiệu quả nên khi giá gỗ cao cũng cho cưa cây bán”, ông Hùng nói.
Trong một thông tin liên quan, cũng vào hồi tháng 4/2017, nghành gỗ Việt Nam gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu do bị thương lái, doanh nghiệp Trung Quốc tranh mua và có dấu hiệu gian lận để lách thuế.
Giá gỗ nguyên liệu trong nước tăng cao do doanh nghiệp Trung Quốc tranh mua. |
Ông Trần Đức Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phúc Nguyên Khang (chuyên thu mua gỗ cao su nguyên liệu cung cấp cho các DN làm hàng xuất khẩu), cho biết đang gặp nhiều khó khăn do nguồn cung thiếu hụt và phải cạnh tranh gay gắt với thương nhân Trung Quốc.
Nhiều DN Trung Quốc đã vào tận Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… thu mua gỗ cao su, đẩy giá mặt hàng này từ 4,7-5 triệu đồng/m3 lên trên 7 triệu đồng/m3 khiến DN trong nước không cạnh tranh được.
“Với một số hợp đồng đã ký, công ty phải chịu lỗ, mua nguyên liệu giá cao để cung ứng cho đối tác, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh. Một số thương nhân Trung Quốc còn núp bóng cơ sở thu mua trong nước, trực tiếp mở xưởng cưa xẻ gỗ rồi xuất về nước họ”, ông Quý lo ngại.
Không chỉ giá nguyên liệu gỗ bị đẩy lên cao, thương nhân Trung Quốc còn có dấu hiệu khai báo gian lận về kích thước gỗ để hưởng mức thuế thấp, gây thất thu ngân sách và cạnh tranh không lành mạnh.
Theo ông Lê Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Đức Thành cho biết, trong khi DN trong nước không đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu thì chính sách thuế hiện nay lại tạo cơ hội cho thương nhân, DN Trung Quốc khai báo gỗ nguyên liệu không đúng quy cách để hưởng mức thuế ưu đãi, gây thất thu ngân sách.