Sunday, January 5, 2025
Trang chủĐàm luậnKhe hở pháp lý trong bản đồ Biển Đông 1951

Khe hở pháp lý trong bản đồ Biển Đông 1951

Truyền thông Trung Quốc mới đưa tin, các nhà khoa học nước này đã phát hiện một bản đồ lịch sử phân định ranh giới hành chính và quốc gia của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đó có nghĩa là gì khi Trung Quốc đang tích lũy bằng chứng để củng cố quyền lãnh thổ của mình cho tuyên bố về “Đường 9 đoạn” ở Biển Đông. 

Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales ở Canberra, Học viện Quốc phòng Australia, đã có những nhận định như sau: Trong luật pháp quốc tế, một bản đồ không thể được dùng để khẳng định chủ quyền về lãnh thổ, trừ phi nó được gắn với một hiệp ước. Bản đồ 1951 “mới phát hiện” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, nó không phải do Chính phủ Trung Quốc ban hành mà chỉ được Câu lạc bộ Guanghua and Geosciences đưa ra. Phát hiện này không trao cho Trung Quốc quyền có được chủ quyền ở đó. 

Theo Luật pháp quốc tế, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phải dựa trên sự chiếm đóng và quản trị liên tục. Hoàn toàn không có bằng chứng cho thấy cộng đồng quốc tế chấp nhận bản đồ này. Rất đơn giản, những đặc điểm mà các nhà khoa học Trung Quốc nay tuyên bố hoặc là bị các cường quốc thực dân chiếm đóng hoặc là bị bỏ không (và có khả năng không thể sinh sống được) tại thời điểm đó.

Theo luật pháp quốc tế, vùng đất phải cao hơn mặt biển và Philippines, Việt Nam, Malaysia đều được hưởng một Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ đường cơ sở ven biển. 

Nếu Trung Quốc chính thức thông qua bản đồ này thì sẽ tuyên bố chủ quyền đối với các vùng nước và nguồn tài nguyên bao trùm lên các khu vực mà các quốc gia ven biển có quyền tài phán chủ quyền. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình hiện tại vì Tòa Trọng tài đã nghe những khiếu kiện của Philippines chống Trung Quốc và đã ra phán quyết về vấn đề này. 

Nếu Chính phủ Trung Quốc chấp nhận bản đồ này, sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu thực chất giữa hải quân, cảnh sát biển và ngư dân Trung Quốc với những nước ven biển khu vực khi tiếp cận các nguồn tài nguyên trên biển. Đó sẽ là bước khởi đầu cho sự kích động và thụt lùi. 

Nếu Trung Quốc tuyên bố một đường ranh giới hình chữ U liền kề mới thì sẽ tự đưa mình vào một cuộc xung đột với những cường quốc hàng hải chính thường xuyên có có tàu thuyền và máy bay qua khu vực này.

Chúng ta biết từ các nghiên cứu lịch sử rằng bản đồ năm 1947 do nước Cộng hòa Trung Hoa (ROC) vẽ ra, trước khi buộc phải đưa đến Đài Loan, về cơ bản lấy từ các bản vẽ tạm thời của hải quân Anh giai đoạn đó vì ROC không có phương tiện để tiến hành các cuộc khảo sát. Các nhà vẽ bản đồ của ROC đã sao chép các đặc trưng trên bản đồ của hải quân Anh, kể cả những lỗi mà sau này được hải quân Anh chữa lại, và tìm cách chuyển các tên tiếng Anh sang tiếng Trung. 

Các quan chức ROC không quen với các thuật ngữ về hàng hải và đã gặp nhiều khó khăn khi chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Trung. Chẳng hạn, bãi James Shoal ban đầu được dịch như một dải cát và nay được gọi phổ biến là rạn san hô. Trên cơ sở đó, Trung Quốc tuyên bố bãi James Shoal là vùng đất xa nhất của nước này ở Biển Đông. Thực tế, bãi James Shoal nằm ngập dưới nước hơn 20m. Tóm lại, có khả năng là một bản đồ được vẽ vào năm 1951 tiếp tục có những lỗi tương tự như vậy.

Một bản đồ không có vị thế cụ thể trong luật pháp quốc tế để hỗ trợ cho một tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc cần cung cấp bằng chứng chiếm đóng và duy trì quyền quản lý liên tục đối với những thực thể đất đó (các đảo và bãi đá). Khẳng định rằng cộng đồng quốc tế chấp nhận bản đồ này là không đúng thực tế. Pháp tiếp tục chiếm giữ các đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa cho tới tận năm 1954. Vào thời điểm đó, Việt Nam và Malaysia chưa phải là một đất nước độc lập.

Đường hải giới 11 đoạn ban đầu của ROC đã được chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) giảm xuống còn 9 đoạn và rồi trong những năm gần đây mở rộng lên 10 đoạn bao gồm cả Vùng lãnh thổ Đài Loan. Nói cách khác, những đường ranh giới này có thể thay đổi để phù hợp với các mục tiêu chính trị của Bắc Kinh. 

Có ý kiến cho rằng bản đồ năm 1951 mới được phát hiện có thể được dùng làm cơ sở phân định ranh giới chính xác cho những tuyên bố lịch sử của Trung Quốc về chủ quyền ở khu vực này khi phải đối mặt với cả lịch sử và luật pháp quốc tế. Các nhà khoa học Trung Quốc dường như đang tìm cách thúc đẩy tuyên bố đối với các quyền lịch sử rằng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực đưa ra trong vụ kiện của Philippines chống Trung Quốc là không hợp lệ. Các quyền lịch sử được định nghĩa rõ ràng trong luật quốc tế bao gồm các khu vực hàng hải liền kề được chia sẻ thông thường giữa hai hay nhiều quốc gia; nó không bao gồm một tuyên bố trong phạm vi toàn bộ một vùng biển như Biển Đông. 

Sáng kiến hiện nay của các nhà khoa học Trung Quốc là để cung cấp độ chính xác cho Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) đường ranh giới 9 đoạn của Trung Quốc bằng cách liên kết các dấu gạch ngang và xác định chiều rộng của chúng, để từ đó tuyên bố toàn bộ các nguồn tài nguyên trong vùng nước và đáy biển kèm đường ranh giới mới này là một ví dụ cho chủ nghĩa siêu dân tộc Trung Quốc nếu không phải là chủ nghĩa Đại Hán.

Tuyên bố của Trung Quốc hoàn toàn bác bỏ các quyền của người dân bản địa ở những nước ngày nay là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia, những nước đã sở hữu vùng biển này từ rất lâu trước khi ngư dân và nhà thám hiểm Trung Quốc xuất hiện.

Như đã nói ở trên, Tòa Trọng tài nhận thấy đường ranh giới 9 đoạn của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Tòa cũng phán quyết rằng Trung Quốc không thể bao vây quần đảo Trường Sa bằng một đường cơ sở đó. Tuyên bố chủ quyền khu vực hàng hải phải bắt nguồn từ đất liền. Tòa đã phán quyết không hòn đảo nào trong quần đảo này có ý nghĩa pháp lý. Do đó, không có bất kỳ đảo hay bãi đá nào mà Trung Quốc tạo ra có thể yêu cầu EEZ 200 hải lý. Quy định hợp pháp này phủ nhận tuyên bố của các nhà khoa học Trung Quốc đối với tất cả các nguồn tài nguyên nằm trong đường 9 đoạn đó. 

Nỗ lực của các nhà khoa học Trung Quốc nhằm chứng minh một tuyên bố lịch sử bất hợp pháp có thể làm gián đoạn nghiêm trọng các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Trung Quốc với các nước thành viên ASEAN nhằm đạt Bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về mặt pháp lý của các bên ở Biển Đông. Sự không trung thực của các nhà khoa học Trung Quốc đó sẽ đánh vào quyền tự do hàng hải và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên mà các nước có tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á vốn được hưởng một cách hợp pháp.

Trang mạng Asia Times bình luận về bản đồ 1951 rằng phát hiện “chỉ mới được tìm thấy” thông qua một cuộc nghiên cứu tư liệu quốc gia này có thể là ý đồ mới nhằm củng cố, thậm chí là mở rộng những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong vùng Biển Đông, một cái cớ để Bắc Kinh chứng minh về mặt pháp lý tấm bản đồ có “Đường 9 đoạn” của nước này. “Đường chữ U” (hay “Đường lưỡi bò”) trong tấm bản đồ in năm 1951 được nối liền liên tục, thay vì đứt đoạn như trong tuyên bố gần đây của Trung Quốc.

Tuy “phát hiện” được cho là kết quả tìm tòi của các nghiên cứu độc lập nổi tiếng ở Trung Quốc, song học giả Richard Javad Heydarian, hiện đang làm việc tại Manila và hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cũng như Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) lại đặt câu hỏi liệu kết quả này có bị Chính phủ Trung Quốc tác động hay không, nhất là trong bối cảnh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, các viện hàn lâm tại quốc gia này thường bị kiểm soát khá chặt chẽ. 

Nghi vấn này được cho là rất có cơ sở bởi ngày 22/4 vừa qua tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã tiết lộ việc Trung Quốc đang thực hiện một sự án nghiên cứu hải dương, với mục tiêu vạch ra “đường ranh giới mới” trên Biển Đông với cái gọi là “Đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” nối liền. 

Thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm khôi phục hình ảnh của mình sau thất bại về mặt pháp lý trong vụ kiện tại Tòa Trọng tài vào năm 2016.

Asia Times bình luận: “Nếu Bắc Kinh thừa nhận các tuyên bố của giới học giả, căng thẳng âm ỉ với các nước tuyên bố chủ quyền nhỏ bé hơn ở Đông Nam Á, những nước phản đối gay gắt việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện về mặt quân sự và có những hoạt động bồi đắp quy mô lớn, sẽ lại bùng lên”. Điều rõ ràng hơn mà người ta có thể dự đoán được là Trung Quốc sẽ vẫn quyết tâm tìm cách đưa ra những bằng chứng và lý lẽ pháp lý “nửa mùa” để bao biện cho tham vọng của mình ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới