“Không thể chấp nhận tư tưởng đã phóng lao rồi thì không thu lại được. Việc tăng vốn phải đi kèm với những tính toán về hiệu quả dự án”.
UBND TP Hà Nội sẽ được hướng dẫn thực hiện việc điều chỉnh nguồn vốn của Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.
Theo đó, mức vốn điều chỉnh tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678 tỷ đồng, tăng 16.123 tỷ đồng.
UBND TP Hà Nội phải hoàn thiện nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu đã cung cấp.
Trên cơ sở dự thảo Báo cáo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị, Chính phủ sẽ họp thông qua nội dung báo cáo.
PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp (Đại học Xây dựng), tính toán, số vốn điều chỉnh tăng của tuyến đường sắt đô thị số 2 bằng khoảng 80% so với tổng mức đầu tư ban đầu của dự án. Trước đó, tuyến đường sắt đô thị số 1 của Hà Nội cũng đã phải điều chỉnh vốn hơn 100%.
“Điều đó chứng tỏ người lập dự án ban đầu đã làm sai sự thật rất nhiều. Có lẽ người ta đã rút kinh nghiệm từ sự điều chỉnh vốn của tuyến thứ 1 nên giờ giờ tuyến số 2 có mức điều chỉnh vốn thấp hơn.
Việc điều chỉnh vốn ở đây là bắt buộc bởi nếu muốn xây dựng phải nhìn thật giá của dự án. Trước đây, người ta cứ nêu ra một mức giá để các cơ quan Nhà nước duyệt cho dễ dàng, sau đó họ làm và thiếu thì phải bù. Kiểu làm ăn như thế rất mệt, chẳng khác gì trò trẻ con, còn họ thì được lời”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám chỉ rõ.
Tuy nhiên, vị chuyên gia băn khoăn, lần điều chỉnh vốn này đã thật giá hay chưa? Để làm rõ câu hỏi này, ông đề nghị cần phải có sự vào cuộc của kiểm toán để đánh giá, rà soát, khi đã duyệt rồi thì phải ra điều kiện ràng buộc.
Chẳng hạn, khi chốt mức giá này là giá thật thì Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội – chủ đầu tư dự án phải làm sao cho dự án khả thi.
Đặc biệt, những người đã lập dự án ban đầu, tính toán mức giá sai lệch lớn như vậy phải bị kỷ luật nghiêm minh.
“Làm như vậy, hoặc là anh không trung thực, hoặc là anh không có đủ trình độ, hoặc do cả hai lý do. Vì thế, anh phải nghỉ để người khác có năng lực làm.
Phải loại những người đó ra khỏi ban quản lý dự án, đó cũng là bài học cho những người khác phải thực hiện nghiêm túc, không thể cứ nhờn với pháp luật.
Mặt khác, ban quản lý dự án phải rút ra bài học và phải truy trách nhiệm đối với cả những người đã đề bạt, đề cử người làm sai. Những người đó không thể vô can, không thể không chịu trách nhiệm với quyết định của mình”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, liên quan đến việc điều chỉnh vốn tuyến đường sắt số 2, việc chỉ đạo các bước đi nói trên là phù hợp và cho thấy không có chuyện phóng lao ra rồi thì không thu lại được – tư tưởng vốn tồn tại ở nhiều dự án công trước đây.
Ông Thịnh khẳng định, việc điều chỉnh vốn của một số dự án là bình thường vì có dự án được lập thiết kế, dự toán cách đây trên chục năm, giá cả, xử lý về mặt kỹ thuật so với bây giờ cũng khác, do đó khi triển khai xây dựng dự án có thể nảy sinh những vấn đề khác với trước đây. Khi ấy phải duyệt lại cả về mặt thiết kế lẫn dự toán xây dựng dự án cho phù hợp.
Dù vậy, đối với dự án tuyến đường sắt số 2 của Hà Nội, ông Thịnh đánh giá mức đội vốn rất khủng, do đó, phải xem xét hết sức cẩn trọng.
“Các bộ, ngành bằng trách nhiệm và năng lực chuyên môn của mình phải xem xét, kiểm tra cả về mặt chất lượng dự án và các vấn đề khác như việc điều chỉnh thiết kế, phương pháp thi công của các ga, tuyến đường đó có hợp lý không? Kiểm tra các yêu cầu về mặt đơn giá, dự toán của các công đoạn, từ đó xem việc tăng vốn dự án có phù hợp hay không?
Sau khi đã tiến hành kiểm tra, xem xét thì các cơ quan có trách nhiệm phải thẩm định và chịu trách nhiệm về vấn đề mình đưa ra và tăng đến đâu.
Như vậy, các bộ, ngành có liên quan phải kiểm tra lại các cơ sở dữ liệu và các vấn đề liên quan đến việc hình thành giá trị dự án đó để khi đi vào triển khai không có sự sai lệch lớn.
Việc này các bộ ngành phải tiến hành khẩn trương nhưng cẩn trọng, đúng tính chất khoa học, yêu cầu của dự án đã đưa ra và yêu cầu về mặt chức năng, nhiệm vụ của dự án.
Ngoài việc tăng vốn, phải tính đến lưu lượng người sử dụng thế nào, chi phí ra sao, bao lâu thì thu hồi vốn. Việc xây dựng dự án kết nối những khu vực nào với trung tâm, giải quyết giao thông nội đô ra sao… Tất cả phải tính toán thật kỹ càng.
Quan trọng nhất là phải tính hiệu quả dự án đến đâu, giải quyết được những vấn đề gì trong tương lai để xem việc bỏ ra một số tiền lớn như thế có xứng đáng không”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Vị chuyên gia chỉ ra một thực tế rằng, hầu hết các dự án đầu tư công ở Việt Nam đều bị đội vốn và “bài” chung của các dự án này là đã ném lao ra rồi thì không thu lại được, đã bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng thì không thể vứt đi mà không suy nghĩ.
“Vì lẽ đó, yêu cầu đặt ra là phải tính toán vốn đầu tư thật sát, đúng để khi thực thi dự án có thể thay đổi nhưng trong phạm vi có thể chấp nhận được.
Phạm vi này trong xây dựng cơ bản thông thường là thay đổi dưới 5% giá trị dự toán. Còn trên 5% giá trị dự toán, kể cả từng phần việc đến toàn bộ dự án, phải xin cấp thẩm quyền phê duyệt lại thiết kế, dự toán, chứ không phải cứ thích đội lên bao nhiêu thì đội”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo dài 11,5 km, trong đó 8,5 km đường đi ngầm và 3 km đi trên cao.
Hệ thống nhà ga gồm 3 ga trên cao, 7 ga ngầm. Tuyến bắt đầu từ khu đô thị mới Ciputra đi theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài – Trần Hưng Đạo.