Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao TQ sẽ không tấn công quân sự Đài Loan?

Vì sao TQ sẽ không tấn công quân sự Đài Loan?

Giới chuyên gia quốc phòng nhận định, quân đội Trung Quốc sẽ còn gia tăng thêm áp lực đối với các lực lượng muốn giành độc lập tại Đài Loan thông qua các cuộc tập trận nhưng tấn công quân sự lại là chuyện khác.

Chiến đấu cơ J-11 và oanh tạc cơ H-6K của không quân Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập bao vây đảo Đài Loan.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nhận định trên được đưa ra sau khi quân đội Trung Quốc cho triển khai cuộc diễn tập “bao vây” đảo Đài Loan vào ngày 11/5. Đây cũng là sự kiện lần đầu tiên không quân Trung Quốc điều động các máy bay chiến đấu bay theo nhiều hướng khác nhau xung quanh đảo Đài Loan.

Ông Song Zhongping, cựu quan chức thuộc Quân đoàn Pháo binh số 2 tiền thân của Lực lượng Tên lửa chiến lược Trung Quốc cho rằng, để cảnh báo nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận chung với sự tham gia của cả lục quân, hải quân và không quân. Hành động này nhằm tăng cường sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Trung Quốc ở eo biển Đài Loan.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nhấn mạnh, Bắc Kinh muốn thể hiện “khả năng tấn công chính xác” ngay trong các cuộc tập trận với mục tiêu “dằn mặt” ý định giành độc lập của Đài Loan.

“Đài Loan không giống như vấn đề ở hai miền Triều Tiên khi mà Hàn Quốc và Triều Tiên ngang tầm và cùng tồn tại. Thông điệp không quân Trung Quốc muốn nhắn gửi là Đài Loan vẫn là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và một ngày nào đó, hòn đảo này sẽ thống nhất vào đại lục.

Việc gia tăng những chuyến bay bao vây đảo Đài Loan cũng nhằm cảnh báo các lực lượng muốn giành độc lập rằng, nếu họ gây rắc rối, Trung Quốc sẽ có thêm động thái cứng rắn để loại trừ”, SCMP dẫn lời chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, ông Zhou Cheming.

Trong đoạn video được không quân Trung Quốc công bố hôm 13/5, lực lượng này đã cho triển khai hàng loạt chiến đấu cơ như Su-35, máy bay ném bom chiến lược H-6K cùng máy bay cảnh báo sớm trên không tối tân KJ-2000 bay qua kênh Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines.

Sở chỉ huy lực lượng không quân Đài Loan cho biết đã điều động các chiến đấu cơ F-16 để theo dõi cuộc tập trận của không quân Trung Quốc. Giới chức Đài Loan còn nhấn mạnh sẽ cho triển khai các biện pháp để đảm bảo tính mạng và an toàn cho người dân trên đảo.

Về phần mình, Đại tá Shen Jinke, phát ngôn viên không quân Trung Quốc cho biết, tăng cường các cuộc diễn tập xung quanh đảo Đài Loan là hành động thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.

Theo ông Song, đoạn video được không quân Trung Quốc công bố cho thấy, các oanh tạc cơ H-6K đã mang theo tên lửa hành trình CJ-20. Đây là loại tên lửa có khả năng tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu trên đất liền hoặc trên biển từ khoảng cách hơn 2.000 km.

“Tên lửa CJ-20 hiện là một trong những phương án quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng nếu không may xảy ra chiến tranh nhằm loại bỏ các cơ sở quân sự chủ chốt của Đài Loan hoặc là các yếu nhân như nhà lãnh đạo Thái Anh Văn. Thậm chí, tên lửa hành trình của Trung Quốc còn có khả năng đe dọa căn cứ hải quân của Mỹ ở đảo Guam một khi Mỹ quyết định can thiệp vào cuộc chiến giữa Trung – Đài”, ông Song nói.

Còn theo ông Zhou, phiên bản trước của tên lửa CJ-10 có tầm bắn hơn 1.000 km đã được quân đội Trung Quốc thử nghiệm cách đây hơn 10 năm trong một cuộc diễn tập mô phỏng tấn công vào khu vực cửa sổ của một tầng trong tòa nhà được cho là nơi ở của nhà lãnh đạo Đài Loan lúc bấy giờ là ông Trần Thủy Biển.

Điều đáng nói, trong cuộc diễn tập bao vây đảo Đài Loan, không quân Trung Quốc thường tránh tiến vào vùng không phận phía trên Đài Loan bởi hành động này có thể làm bùng nổ ngay lập tức cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan.

“Bắc Kinh vẫn duy trì chính sách ‘cây gậy và củ cà rốt’ để đối phó với người dân Đài Loan cũng như các lực lượng ủng hộ độc lập ở Đài Loan. Tuy nhiên, các cuộc tập trận bao vây đảo diễn ra với tần xuất ngày càng nhiều đã phản ánh chính sách cứng rắn của Bắc Kinh đối với đảng Dân chủ Tiến bộ của bà Thái Anh Văn”, ông Song nhận định.

Trung Quốc đã cắt đứt liên lạc và trao đổi với Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức hồi tháng 5/2016.

Tuy nhiên, Bắc kinh vẫn triển khai chính sách “củ cà rốt” thông qua những biện pháp nới lỏng kinh tế, thắt chặt sự hội nhập kinh tế giữa Trung Quốc và Đài Loan. Cụ thể, các công nhân Đài Loan hiện được trả lương cao hơn, các mặt hàng Đài Loan được tiếp cận thị trường rộng rãi hơn và người dân Đài Loan cũng được đối xử công bằng khi sinh sống và làm việc ở đại lục.

Đây là lý do ông Zhou cho rằng, chiến tranh Trung – Đài không thể xảy ra bởi Bắc Kinh vẫn muốn Đài Bắc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trong năm ngoái, GDP của Đài Loan đạt gần 530 tỷ USD so với 510 tỷ USD của tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Trong khi, dân số Đài Loan là 23,5 triệu người còn tỉnh Phúc Kiến là 37 triệu người.

“Nhà lãnh đạo Tập Cận Binh biết rõ ưu thế của Đài Loan. Do đó, ông Tập sẽ không hủy diệt nền kinh tế dồi dào của hòn đảo này”, ông Zhou kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới