Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã cảnh báo về “chính sách sổ nợ” của Trung Quốc lợi dụng các khoản cho vay để nắm lợi thế chính trị đối với những quốc gia có “thể trạng kinh tế” yếu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Sân bay xây dựng tại Sri Lanka với nguồn kinh phí vay của Trung Quốc. Ảnh: EPA
Trường Harvard Kennedy về phân tích chính trị đã soạn thảo báo cáo với nội dung trọng tâm là về vấn đề trên dành cho Bộ Ngoại giao Mỹ để đánh giá về tác động từ chiến lược của Bắc Kinh tới ảnh hưởng của Washington trong khu vực.
Báo cáo này đã nêu rõ 16 “mục tiêu” trong chiến lược của Trung Quốc gia tăng hàng trăm tỉ USD cho vay. Các khoản cho vay này của Trung Quốc chủ yếu đổ vào những quốc gia nhiều khả năng không thể trả nợ.
Các học giả Mỹ đã nêu rõ tên những quốc gia đáng lo ngại trong “chính sách sổ nợ” của Trung Quốc. Trong đó số Pakistan và Sri Lanka đang gồng gánh nợ và đã phải chấp nhận nhường lại căn cứ quân sự hoặc cảng chiến lược. Bên cạnh đó còn có Papua New Guinea và Thái Lan.
Theo báo cáo này, phương pháp của Trung Quốc khá “chặt chẽ”, bắt đầu từ đầu tư cơ sở hạ tầng dưới mác ý tưởng “Vành đai, Con đường” sau đó đề xuất khoản nợ lâu dài với thời hạn ưu đãi và điều này khá cuốn hút đối với những quốc gia có nền kinh tế chưa mạnh.
Theo báo Guardian (Anh), những dự án xây dựng này thường vượt quá chi phí khiến các quốc gia gặp thêm nhiều khó khăn trong trả nợ.
Và điều đáng chú ý là khi các quốc gia nợ cho thấy họ đang gặp vướng mắc, Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn tinh thần để “nương tay” nhưng đổi lại là Bắc Kinh nhận về thêm ảnh hưởng chính trị và chiến lược.
Đơn cử như năm 2017, Sri Lanka đã chấp thuận để Trung Quốc nắm giữ 70% cổ phần của cảng Hambantota trong 99 năm bất chấp người dân địa phương phản đối. Khởi nguồn câu chuyện bắt đầu từ năm 2008 khi Sri Lanka khởi công cảng biển chiến lược Hambantota với hơn 300 triệu USD vay từ Trung Quốc nhưng trong thời gian qua Sri Lanka lại gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ.
Ngoài ra, còn một vấn đề “âm ỉ” khác là các khoản cho vay của Bắc Kinh thường kèm theo điều kiện công ty Trung Quốc sẽ là đơn vị thi công dự án tại quốc gia vay nợ. Điều này kéo theo nghi ngờ về tính cạnh tranh công bằng bên cạnh đó là lực lượng lao động Trung Quốc ồ ạt đổ về những quốc gia vay nợ, không tạo thêm được cơ hội việc làm cho người dân địa phương.