Ấn Độ có mối quan hệ đồng minh lâu đời với Nga nhưng đang chịu áp lực phải thay đổi, nhất là khi hai bên bất đồng trong nhiều vấn đề.
Thích mua vũ khí Mỹ
Chủ tịch Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn (USISPF) Mukesh Aghi cho rằng cần ghi nhận xu thế Ấn Độ ngả sang mua nhiều vũ khí của Mỹ.
Một báo cáo của Ủy ban Quân lực Quốc hội Mỹ mới đây cho biết trong 3 năm qua, New Delhi đã ký 13 hợp đồng vũ khí với các doanh nghiệp Mỹ trị giá tổng cộng 4,3 tỷ USD, trong lúc chỉ có 12 hợp đồng với Nga trị giá 1,2 tỷ USD.
Tình hình này khác hẳn so với cách đây một thập niên, thời điểm Ấn Độ gần như không hề mua vũ khí của Mỹ.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Ấn Độ dù “ngả” sang Mỹ nhưng sẽ không “bỏ” Nga. Vấn đề là New Delhi phải tìm cách cân bằng, tức là chuyển hướng sang mua thêm nhiều vũ khí của Mỹ, nhưng vẫn duy trì quan hệ bạn hàng quân sự với Nga bởi Moscow không chỉ là nguồn cung cấp vũ khí có chất lượng, mà còn là đồng minh lâu năm.
Sau khi chính quyền Mỹ thông qua luật CAATSA (luật Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt) hồi tháng 7/2017 với cái cớ để trả đũa việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, các đối tác tham gia các hợp đồng mua bán vũ khí “quy mô lớn” với Nga sẽ bị trừng phạt.
Hợp đồng mua 5 hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 trị giá 4,5 tỷ USD mà New Delhi đang tìm cách ký kết với Nga chắc chắn là đối tượng của luật này.
Về mặt chính thức, Washington tỏ ra cứng rắn trong việc áp dụng luật CAATSA. Tuy nhiên, trong chính giới Mỹ và Ấn Độ đang có nhiều vận động để giúp New Delhi được hưởng quy chế miễn trừ.
Ông Aghi cảnh báo nếu Mỹ khăng khăng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ, chẳng khác nào “gậy ông đập lưng ông” vì New Delhi sẽ phải “chịu các áp lực chính trị rất lớn”, đến mức sẽ không ký hợp đồng mua vũ khí lớn nào với Mỹ nữa, chưa kể đến việc quan hệ song phương Mỹ-Ấn sẽ bị tổn thất nặng nề.
Các quan chức cấp bộ của Ấn Độ và Mỹ cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc về chủ đề này. Theo tờ Thời báo Ấn Độ, Washington bảo đảm với New Delhi rằng các trừng phạt sẽ chỉ nhắm vào Nga chứ không phải Ấn Độ.
Binh sĩ Nga và Ấn Độ trong cuộc tập trận chung Indra |
Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh ngày 21/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới Nga và có cuộc gặp không chính thức với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo báo chí Ấn Độ, vấn đề ưu tiên hàng đầu của cuộc gặp này là tác động đối với nền kinh tế của Ấn Độ và Nga sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tình hình tại Afghanistan và Syria, nguy cơ khủng bố cũng như các vấn đề liên quan đến Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Khối BRICS, mà Ấn Độ và Nga là thành viên.
Mở rộng hợp tác về hạt nhân dân sự, hợp tác về tuyến đường giao thông quốc tế Bắc Nam (INSTC – từ Ấn Độ đến châu Âu qua Nga và khu vực Trung Á), đặc biệt là vấn đề mua bán vũ khí trong bối cảnh Mỹ ra luật trừng phạt các công ty có hợp đồng quân sự lớn với Nga, cũng là những nội dung chính của chương trình.
Theo giới phân tích, Ấn Độ có mối quan hệ đồng minh lâu đời với Nga, nhưng mối quan hệ truyền thống này hiện đứng trước áp lực phải thay đổi, do các thực tế địa-chính trị đang biến đổi nhanh chóng.
Không hài lòng về nhau
Theo giới phân tích, vấn đề hàng đầu đối với Ấn Độ là Nga ngày càng có xu hướng xích lại gần với Pakistan, quốc gia láng giềng và cũng là đối thủ của New Delhi.
Trong quá khứ, Moscow thường hậu thuẫn Ấn Độ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua việc bỏ phiếu phủ quyết các nghị quyết liên quan đến vấn đề Kashmir, vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.
Tuy nhiên, vào tháng 12/2017, Nga đã lần đầu tiên ủng hộ một đường ranh giới tại Kashmir bằng việc tham gia Tuyên bố chung Islamabad. Tuyên bố này được thông qua tại một hội nghị quốc tế diễn ra ở thủ đô Pakistan với sự tham gia của 5 quốc gia khác là Afghanistan, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan.
Tuyên bố chung nhấn mạnh: “Để bảo đảm hòa bình và ổn định trên thế giới cũng như trong khu vực, vấn đề Jammu và Kashmir cần phải được Pakistan và Ấn Độ giải quyết thể theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an”.
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khurram Dastgir Khan mới đây xác nhận Pakistan muốn mua nhiều loại vũ khí của Nga |
Bên cạnh đó, việc Nga ngày càng “thân thiết” với Trung Quốc cũng khiến Ấn Độ cảm thấy “chạnh lòng”. Trong chuyến công du New Delhi tháng 12/2017, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thậm chí còn công khai hối thúc Ấn Độ tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.
Về lập trường đối kháng của New Delhi đối với Hành lang Kinh tế Trung Quốc- Pakistan (một bộ phận chính của dự án “Vành đai và Con đường” tại Nam Á) do các vấn đề chủ quyền, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh Ấn Độ không nên để các cơ hội hợp tác trong dự án này phụ thuộc vào việc giải quyết một số “bất đồng về chính trị”.
Trong khi đó, Trung Quốc đang là một trong những “bận tâm” hàng đầu của Ấn Độ. Tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ đang đứng trước tình trạng bị Trung Quốc lấn sâu vào các khu vực ảnh hưởng truyền thống. Tại Nam Á, Trung Quốc siết chặt quan hệ với Pakistan và đe dọa vùng biên giới phía tây bắc của Ấn Độ.
Ngược lại, Nga cũng tỏ ra không hài lòng trước những bước đi gần đây của Ấn Độ. Ví dụ như việc Ngoại trưởng Nga đã tỏ ra “bất bình” khi Ấn Độ tham gia “Bộ Tứ” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ đứng đầu (cùng với Nhật Bản và Australia).
Tàu chiến Mỹ tham gia tập trận hải quân Malabar cùng Ấn Độ, Australia và Nhật Bản |
Theo ông Lavrov, không thể để cho “kiến trúc an ninh khu vực lâu dài tại châu Á-Thái Bình Dương” bị phụ thuộc vào quyết định của một khối như vậy.
Giới phân tích cho rằng những thay đổi mang tính nền tảng của môi trường chính trị quốc tế đang khiến Ấn Độ và Nga, hai quốc gia vốn gắn bó lâu đời, xa nhau hơn.
New Delhi được cho là cần xem xét lại quan hệ truyền thống lâu đời với Moscow, vốn chủ yếu dựa trên hợp tác quốc phòng, trong khi đó mặt kinh tế lại bị coi nhẹ. Nếu chỉ dựa trên các tình cảm vốn có, Ấn Độ và Nga sẽ không thể đối mặt với “các thách thức mới” của đời sống chính trị thế giới đang trong giai đoạn thay đổi sâu sắc.