Chỉ vài giờ sau Trung Quốc phô trương lực lượng hải quân lớn nhất trong lịch sử tại Biển Đông hôm 12/4, Bắc Kinh bất ngờ ‘xấc xượng’ tuyên bố sau này sẽ tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 6 ngày tại eo biển Đài Loan, theo Business Insider.
Bắc Kinh đã thực hiện các cuộc tập trận mang tính khoa trương, tiếp theo là với một vài chuyến bay gần đây của máy bay ném bom xung quanh hòn đảo tự trị này.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo nổi tiếng ‘diều hâu’ của chính quyền Trung Quốc, Bắc Kinh cảm thấy bắt buộc phải tiến hành các cuộc tập trận nhằm “kiểm tra sự độc lập của Đài Loan”, và bởi vì “Mỹ đang ngăn cản Trung Quốc về các vấn đề Đài Loan”.
Đó chính là nhận thức sai lầm của Bắc Kinh về 2 yếu tố, bao gồm uy tín chính trị của Đài Loan và mối quan giữa Đài Bắc và Washington đã trở nên gần gũi như thế nào. Nhận thức sai lầm đó đã chi phối các quan hệ qua eo biển Đài Loan trong những tháng gần đây, làm gia tăng đáng kể rủi ro xung đột quân sự.
Nhưng điều mà Bắc Kinh không thừa nhận là rất nhiều hành động của họ đã thúc đẩy các phản ứng đáp trả của Đài Loan và Washington.
Kể từ khi thành lập Nước cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai nổi loạn, cần được đưa trở lại là một phần của đại lục. Thời điểm thuận lợi trong gian đoạn 2008 – 2016, dưới thời Tổng thống Mã Anh Cửu, người thường xuyên ngụ ý rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, mặc dù theo một cách mập mờ, chờ quyết định. Xét cho cùng, Trung Hoa quốc dân Đảng, do ông Mã lãnh đạo, đã duy trì theo truyền thống phiên bản “Một Trung Quốc” riêng của mình, mặc dù một trong số đó, họ là những người kế thừa hợp pháp của để chế Trung Hoa chứ không phải Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tuy nhiên với sự nhậm chức của Tổng thống Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân Tiến (DPP) ủng hộ dân chủ vào tháng 5/2016, Bắc Kinh đã bày tỏ sự thất vọng gia tăng với những gì mà họ nhìn nhận là Đài Loan đang lặng lẽ nhích từng bước, hướng tới độc lập.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần bác bỏ gay gắt đề xuất hòa giải của bà Thái, do bà tiếp tục từ chối công nhận “Nhận thức chung 1992”, một khái niệm thừa nhận sự tồn tại của “một Trung Quốc” duy nhất, nhưng cho phép mỗi bên giải thích theo cách riêng của mình.
Thủy thủ hải quân Đài Loan, tại Cao Hùng, Đài Loan. (Ảnh: Chiang Ying-ying/AP)
Sự ngờ vực của Bắc Kinh với chính quyền bà Thái Anh Văn
Gần đây nhất, tại phiên họp của Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3/2018, ông Tập ‘xỉ vả’ “những hành động và thủ đoạn’ của Đài Loan khi nói rằng những hành động như vậy “sẽ bị nhân dân Trung Quốc lên án và lịch sử trừng phạt”.
Trong mắt Trung Quốc, mối liên hệ của bà Thái với Đảng Dân tiến, tất yếu khiến cho những động cơ của bà Thái trở nên đáng ngờ. Bắc Kinh đã không quên và không tha thứ cho công việc của bà Thái vào cuối những năm 1990 khi bà là một trong những người soạn thảo “Đặc thù Lưỡng quốc luận” của tổng thống đương thời Lý Đăng Huy về việc xây dựng quan hệ xuyên eo biển, ngụ ý 2 quốc gia riêng biệt và có chủ quyền ở 2 bên bờ eo biển.
Bà Thái cũng bị tấn công về cá nhân khi một quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc chỉ trích bà là “cực đoan” và “đa cảm” bởi bà chưa lập gia đình. Mặc dù bài viết của ông này đã nhanh chóng được gỡ bỏ, và bị lên án thẳng thừng tại Trung Quốc, nhưng thực tế là bài báo, từng xuất hiện trên trang nhất của tờ International Herald Leade, một tờ báo liên kết với hãng thông tấn Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc, đã nói những lời cay độc, thâm sâu chống lại bà Thái.
Bà Thái Anh Văn hôm 17/5/2018. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)
Nhưng sự không tin tưởng về bà Thái không phải là nguyên nhân chính, hình thành nên tư tưởng của Đại lục chống Đài Loan. Bắc Kinh nhìn thấy 2 xu hướng khác, thậm chí còn tai họa hơn, đang phát triển trong chính trường Đài Loan.
Đầu tiên là quyết định của bà Thái vào tháng 9/2017, bổ nhiệm ông Lại Thanh Đức (William Lai) cho vị trí Thủ tướng. Ông Lại là cựu thị trưởng Đài Nam, nằm ở phía Nam, được xem là một thành viên chủ chốt Đảng Dân tiến. Cuối tháng 9, trong một phiên họp công khai của cơ quan lập pháp, ông Lại Thanh Đức không úp mở ủng hộ Đài Loan độc lập, và tự nhận là một “công chức chính trị cho sự độc lập của Đài Loan”. Đối mặt với những chỉ trích của Bắc Kinh sau đó, bà Thái Anh Văn phản hồi rằng ông Lại biết rõ “những giới hạn” và ông Lại là “người trung thực” ngoài ra bà không có “ý kiến đặc biệt nào khác”. Những phát biểu của bà Thái không đủ mạnh để xoa dịu Bắc Kinh.
Thủ tướng Đài Loan, ông Lại Thanh Đức (William Lai) Ảnh: Reuters
Thứ hai là sự tham gia của 2 cựu tổng thống vào những lực lượng trong một nỗ lực cấp cơ sở, để thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Đài Loan. Ông Lý của Trung Hoa quốc dân đảng, và ông Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian) của đảng Dân tiến, đang tìm kiếm một cuộc bỏ phiếu vào ngày 6/5/2019. Họ rõ ràng lựa chọn ngày này để biểu thị ngày ông Trịnh Nam Dung (Deng Nan-jung) tự thiêu, nhằm ủng hộ tự do ngôn luận trong một sự kiện có tên “100% tự do ngôn luận”, 30 năm về trước.
Quan ngại của Bắc Kinh về quan hệ Mỹ – Đài Loan
Bắc Kinh cũng lo lắng về những động lực của chính quyền ông Trump nhằm cải thiện quan hệ Mỹ – Đài Loan. Tháng 12/2017 Tổng thống Trump ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2018, cho phép Lầu Năm Góc gửi tàu chiến tới Đài Loan. Mặc dù đạo luật không yêu cầu Washington làm như vậy, nhưng nó mở ra khả năng đó.
Bắc Kinh đáp trả với lập luận rằng đạo luật đã vi phạm chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ, theo đó Washington chỉ công nhận Bắc Kinh là chính phủ của Trung Quốc. Trong một sự kiện tại Washington, một nhà ngoại giao Trung Quốc thậm chí đã đi xa hơn với phát biểu hung hăng rằng: “ngày mà tàu hải quân Mỹ đến Cao Hùng là ngày mà Quân Giải phóng Nhân dân thống nhất Đài Loan bằng vũ lực”.
Ngày 16/3, Tổng thống Trump cũng ký Đạo luật Du lịch Đài Loan, khuyến khích “thăm quan giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan ở mọi cấp độ”. Bốn ngày sau đó, phó Trợ lý Ngoại trưởng Alex N. Wong đến Đài Loan gặp bà Thái, lưu ý rằng mối quan hệ Mỹ – Đài Loan “chưa bao giờ mạnh mẽ hơn”.
Trong khi đó, quyết định của Tổng thống Trump bổ nhiệm cựu Đại sứ Liên Hợp Quốc John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia đã khiến Bắc Kinh tức giận bời vì ông John Bolton trước đây đã cho rằng cần thiết phải xem xét lại chính sách “Một Trung Quốc”. Có tin đồn rằng ông John sẽ tới dự khai mạc Viện Nghiên cứu Mỹ mới mở tại cơ sở Đài Loan vào tháng 6 tới.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. (Ảnh: AFP)
Một vấn đề nhạy cảm khác, Tổng thống Trump đã ủy quyền cho Bộ Ngoại giao cho phép các công ty quốc phòng Mỹ bán linh kiện cho Đài Loan cho chương trình tàu ngầm phòng vệ quốc phòng bản địa. Hơn nữa, chính quyền ông Trump đã công bố Chiến lược An ninh Quốc phòng và Chiến lược Quốc phòng trong đó coi Trung Quốc là ‘đối thủ’ và là cường quốc “xét lại”.
Do đó, Bắc Kinh tỏ ra nghi ngờ Washington đang cải thiện quan hệ với Đài Loan nhằm thúc đẩy chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, được xây dựng để hợp tác với các đồng minh và đối tác, chống lại sự ép buộc của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong khu vực.