Monday, November 25, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 31/05/2018

Bản tin Biển Đông ngày 31/05/2018

Bản tin Biển Đông ngày 31/05/2018.

Cố vấn An ninh quốc gia Philippines: Chính quyền Duterte không từ bỏ Phán quyết Trọng tài về Biển Đông

Ngày 30/5, Inquirer đưa tin, ông Hermogenes Esperon Jr., Cố vấn An ninh quốc gia Philippines tuyên bố chính quyền Tổng thống Duterte không từ bỏ Phán quyết tháng 7/2016 của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông. Ông Esperon cho biết Philippines sẽ “tận dụng đầy đủ lợi thế của Phán quyết, thậm chí kể cả khi Trung Quốc từ chối công nhận Phán quyết, để làm cơ sở thực thi chủ quyền và quyền tài phán đối với các cấu trúc nằm trong lãnh hải của Philippines”. Việc Chính phủ Philippines tạm gác Phán quyết sang một bên là nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực thông qua các hoạt động ngoại giao.

Các Thượng nghị sĩ Mỹ tìm kiếm hành động mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 30/5, trang Free Beacon đưa tin, ngày 24/5, vài ngày trước khi Mỹ đưa các tàu chiến thực hiện tự do hàng hải ở vùng nước thuộc quần đảo Hoàng Sa, các Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio, Cory Gardner, Ed Markey đã gửi một lá thư đến Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho rằng phản ứng của chính quyền Mỹ đối với các yêu sách biển bất hợp pháp của Trung Quốc là chưa phù hợp, làm gia tăng nguy cơ xung đột. Ba Thượng nghị sĩ cho rằng việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông bao gồm hoạt động triển khai các loại vũ khí trên các tiền đồn nhân tạo ở Trường Sa, giúp Trung Quốc nâng cao khả năng gia tăng sức mạnh ở Thái Bình Dương; các tên lửa được triển khai trên những đảo này không mang tính phòng thủ và sẽ gia tăng hỏa lực tấn công của Trung Quốc, đem đến cho Trung Quốc sức mạnh cưỡng chế mới trong tranh chấp khu vực.

Trong bức thư, ba Thượng nghị sĩ đề nghị Chính phủ cần hành động mạnh hơn để buộc Trung Quốc chấp nhận Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài; đồng thời Chính phủ cần làm việc thêm với Quốc hội để ủng hộ mạnh mẽ hơn về quân sự cho các nước ở khu vực đang lo ngại về sự gây hấn của Trung Quốc. Các nghị sĩ cũng đề xuất biện pháp Bộ Quốc phòng Mỹ đạt thỏa thuận ba bên với Nhật Bản và Úc để phối hợp hỗ trợ an ninh biển và phát triển nguồn lực. Bên cạnh đó, các Thượng nghị sĩ cũng đề xuất việc thành lập một Lực lượng đặc nhiệm hàng hải Thái Bình Dương để triển khai thường xuyên tàu mặt nước từ các nhóm đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có cam kết bảo vệ một môi trường Biển Đông tự do và rộng mở.

Trung Quốc và Mỹ: 3 con đường có thể dẫn đến chiến tranh ở Biển Đông

Ngày 30/5, The National Interest đăng bài viết của Robert Farley, Giảng viên của Trường Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson với tiêu đề “Trung Quốc và Mỹ: 3 con đường có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh ở Biển Đông”. Theo đó, dù cả Trung Quốc và Mỹ đều có những cam kết ở khu vực Biển Đông, không bên nào muốn xảy ra chiến tranh nhưng những diễn biến trong hai tuần qua cho thấy nhiều sự phức tạp trong vấn đề này. Robert Farley cho rằng có 3 con đường mà căng thẳng ở Biển Đông có thể dẫn đến xung đột. Thứ nhất là việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các đảo mà các nhà quan sát gọi là “Vạn lý trường thành bằng cát” nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền, trong khi Mỹ giữ quan điểm thực hiện tự do hàng hải tại Biển Đông. Thứ hai là việc Trung Quốc và Mỹ đã suýt xảy ra va chạm liên quan đến các máy bay chiến đấu trên bầu trời Biển Đông. Nếu Trung Quốc tuyên bố thiết lập một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Thứ ba là nguy cơ leo thang khi nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc cần đẩy mạnh phát triển các loại tàu ngầm để đe dọa một cách nghiêm túc đối với việc Mỹ tiếp cận các nước ven biển của Trung Quốc. Nói tóm lại, tác giả bài viết cho rằng chiến tranh khó xảy ra, nhưng không phải là không thể. Nếu Tập Cận Bình cảm thấy không thể lùi bước hoặc sống sót về mặt chính trị, mọi thứ có thể biến chuyển một cách nhanh chóng không thể lường trước được.

RELATED ARTICLES

Tin mới