Friday, November 22, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCampuchia liệu có thể là trung gian hòa giải tranh chấp Biển...

Campuchia liệu có thể là trung gian hòa giải tranh chấp Biển Đông

Campuchia tuyên bố muốn làm trung gian hòa giải tranh chấp Biển Đông, nhưng những hành động và phát biểu của Phnom Penh vẫn khiến các quốc gia khác nghi ngờ về khả năng gánh vác vai trò này.

Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong tuần trước nói rằng Campuchia sẽ tiếp tục theo đuổi vị trí là trung gian hòa giải trong tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

“Campuchia muốn làm trung gian để giảm bớt không khí căng thẳng giữa ASEAN và Trung Quốc, vì chúng tôi lo ngại rằng sẽ không đạt được giải pháp nếu không đối thoại với nhau”, VOA dẫn lời ông Hor Namhong, nói.

Vai trò nặng gánh

Đối với những người theo dõi chặt chẽ diễn biến tại Biển Đông và Đông Nam Á, thì lời đề nghị làm trung gian hòa giải của Campuchia, nước không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, khá lạ lùng. 

Trung gian hòa giải là một vai trò khá nặng gánh, kể cả đối với các quốc gia có tiềm lực hơn như Indonesia, nước đã tiến hành các cuộc hội thảo không chính thức về vấn đề này từ những năm 1990. Nhà phân tích chính trị Sok Touch, tại Đại học Khemarak, Campuchia cho rằng Phnom Penh có ảnh hưởng chính trị nhỏ trong khu vực. So với Indonesia, Campuchia dường như không phải là ứng viên mạnh mẽ cho vai trò này.

Hơn nữa, theo Prashanth Parameswaran, cây bút chuyên về Đông Nam Á của Diplomat, việc ASEAN và Trung Quốc không đạt được tiến bộ ngoại giao trong tranh chấp ở Biển Đông chưa bao giờ là vì nguyên nhân “thiếu đối thoại với nhau”, như lời của Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia. Vấn đề thực sự, được giới quan sát công nhận, là Trung Quốc còn trì hoãn trên lộ trình để đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông. COC sẽ hạn chế hành vi của Trung Quốc tại thời điểm nước này đang ráo riết thực hiện chiến lược thay đổi thực địa, trong đó có việc bồi đắp và cải tạo trên các bãi đá ở Biển Đông. Trong khi đó, đa phần các nước ASEAN đều bày tỏ mong muốn sớm đạt được COC.

Parameswaran cho rằng Trung Quốc còn có một số động thái để chia rẽ ASEAN, làm suy yếu sự đoàn kết của khối trong việc tiến tới các giải pháp mang tính xây dựng. Bắc Kinh sử dụng các dự án kinh tế để “tấn công quyến rũ” một số nước trong khu vực, khiến họ phân tâm khỏi tranh chấp Biển Đông, nhằm khiến ASEAN khó đạt được đồng thuận về vấn đề này.

Theo Parameswaran, Bộ trưởng Hor Namhong hẳn phải hiểu rõ điều này hơn ai hết. Ông là người chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2012, khi Campuchia là chủ tịch ASEAN. Tại sự kiện này, Campuchia tuyên bố rằng các nước đã nhất trí không “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, tương tự như lập trường của Trung Quốc là việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông chỉ nên diễn ra song phương, giữa các bên đòi chủ quyền. Tuy nhiên, Philippines bác bỏ điều đó. Điều này khiến ASEAN không thể đạt được đồng thuận và lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung trong 45 năm.

Các tuyên bố sau đó của Campuchia cũng khó có thể làm các nước ASEAN yên lòng. Thủ tướng Hun Sen hồi tháng ba phát biểu rằng tranh chấp Biển Đông chỉ là vấn đề giữa các bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn và Trung Quốc, chứ không ảnh hưởng đến toàn bộ khối ASEAN. Bình luận của ông Hun Sen được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Campuchia với Trung Quốc ngày càng được thắt chặt. Bắc Kinh là bên viện trợ quốc phòng và đầu tư kinh tế lớn cho Campuchia. Giới phân tích cho rằng, mối quan hệ gần gũi giữa hai nước có thể khiến ASEAN khó thống nhất về vấn đề Biển Đông.

Chứng minh bằng hành động

Với những điều kể trên, khó có thể tưởng tượng Campuchia có khả năng đảm đương vai trò là trung gian hòa giải trong tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, nếu muốn đóng góp cho việc này,  Phnom Penh có thể thực hiện một vài bước đi nhỏ, theo Parameswaran. Đầu tiên, Campuchia có thể tham gia nhiều hơn cùng các đối tác ASEAN, công khai thừa nhận thực tế rằng vấn đề Biển Đông có tác động đến toàn khu vực, và do đó đòi hỏi khu vực phải có phản ứng về vấn đề này.

Thứ hai, nước này có thể chứng minh bằng hành động với các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế rằng quan hệ của Phnom Penh với Bắc Kinh không ảnh hưởng đến sự đoàn kết của ASEAN. Ví dụ, các quan chức Campuchia nên kêu gọi thúc đẩy để sớm đạt được COC, và sử dụng một số cuộc họp của họ với Trung Quốc để làm như vậy.

Thay vì tiến tới vị trí quá tham vọng là trung gian hòa giải, nếu thực hiện những bước đi này, Phnom Penh sẽ tiến xa hơn trong việc khôi phục uy tín và thuyết phục các nhà quan sát rằng nước này đang tích cực xúc tiến giải quyết tranh chấp Biển Đông.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới