Sau rất nhiều tiếp xúc ngoại giao chưa từng có tiền lệ giữa Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc, Nhà Trắng, cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Donald Trump và Kim Jong-un sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày mai, 12/6. Triều Tiên đã ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đóng cửa một địa điểm thử hạt nhân và phóng thích 3 tù nhân người Mỹ.
Bất chấp diễn biến kịch tính trong những tháng qua, Mỹ vẫn cần điều gì đó để giảm bớt hoặc loại bỏ mối đe dọa đặt ra do khả năng ngày càng tăng của Triều Tiên gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo có thể vươn tới lục địa Mỹ. Xử lý mối đe dọa đó thông qua chiến tranh rõ ràng là không nên và không thể. Trong khi đó chính sách ngoại giao có thể thực hiện được bằng việc áp dụng các mối đe dọa, sự khích lệ và các biện pháp trừng phạt.
Trong vấn đề Triều Tiên, mục tiêu của Hàn Quốc chẳng phải là điều bí mật: giảm bớt mối đe dọa chiến tranh và bình thường hóa quan hệ trên bán đảo Triều Tiên. Còn Trung Quốc, tuy chẳng yêu thích gì chế độ Kim Jong-un, nhưng Bắc Kinh sẽ đem lại sự hỗ trợ đủ để duy trì mối quan hệ ngoại giao, tránh được triển vọng về một Triều Tiên đồng minh với Mỹ.
Còn những ý đồ, mục tiêu của Triều Tiên hiện tại là gì? Có hai điều đe dọa Bình Nhưỡng, một là, phí tổn về mặt kinh tế của các biện pháp trừng phạt; hai là, những nỗi lo sợ về một cuộc tấn công quân sự của Mỹ. Cả hai điều này đều có thể đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước Triều Tiên.
Trái ngược với quan điểm nêu trên, một phân tích khác coi hành vi của Triều Tiên mang tính chủ động hơn là đối phó. Có thể Kim Jong-un bắt đầu một sáng kiến ngoại giao vì tự tin chứ không phải vì để ứng phó với sự hăm dọa. Kim jong-un đánh giá các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã đạt được tiến bộ đủ để bỏ nhu cầu phải thử nghiệm thêm. Ông Kim bước vào các cuộc đàm phán với Mỹ với vị thế sức mạnh tương đối. Theo đó, Triều Tiên có rất ít hoặc không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Cả hai luận điểm nêu trên đều dẫn tới một kết luận rất khác nhau về việc chính sách ngoại giao có thể đạt được thành quả ở mức nào. Bởi các cuộc đàm phán là một công cụ của chính sách ngoại giao. Ở cuộc gặp này “công cụ” đó được sử dụng cho mục đích gì?. Truyền thống tự lực và nỗi ám ảnh về an ninh của Triều Tiên cho thấy, chính sách ngoại giao cần tìm cách giữ nguyên trạng, chứ không phải là biến đổi nó.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần phải trả lời một số câu hỏi quan trọng. Câu hỏi thứ nhất có liên quan đến phạm vi: Nó bao trùm những gì? Về nguyên tắc, chính sách ngoại giao đối với Triều Tiên chỉ nhắm mục tiêu vào các khả năng và nguyên liệu liên quan đến hạt nhân. Hoặc có thể đi xa hơn, tìm cách đạt được sự nhượng bộ về tên lửa đạn đạo tầm xa, các sức mạnh quân sự thông thường và thậm chí là nhân quyền…Điểm bất lợi là nó đưa ra nhiều lĩnh vực gây bất đồng, có thể làm chệch hướng các cuộc đàm phán. Vì phạm vi có thể cản trở việc giải quyết các mối quan ngại nổi trội nhất, nên nhiều đời chính quyền Mỹ trong Chiến tranh Lạnh đã lựa chọn phạm vi hẹp khi đề cập đến các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Liên Xô. Cùng lý do đó, Chính quyền Obama đã chọn cách tiếp cận chỉ bàn về hạt nhân đối với các cuộc đàm phán dẫn tới thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trong trường hợp của Triều Tiên, một nghị trình rộng hơn cũng có khả năng đưa ra nhiều lĩnh vực Mỹ và Hàn Quốc có thể xung đột.
Câu hỏi thứ hai là chiều sâu: Hai bên sẽ tìm kiếm thỏa hiệp ở mức nào, và đổi lại có thể đưa ra điều gì? Mặt được của tham vọng lớn hơn là có thể hoàn thành được nhiều điều hơn nếu đạt được một thỏa thuận. Mặt trái là, càng cố tìm kiếm các thỏa hiệp đáng kể thì càng có khả năng không có thỏa thuận nào. Đòi hỏi nhiều hơn thì đổi lại cũng phải sẵn sàng cho đi nhiều hơn.
Câu hỏi thứ ba là về cơ cấu: thỏa thuận này có nhịp độ thế nào và được phối hợp sắp xếp ra sao? Phần lớn các thỏa thuận đòi hỏi phải có một loạt hành động chung, với cả hai bên thực hiện các bước đi đồng thời. Có sự khác biệt căn bản giữa một thỏa thuận sâu rộng và một thỏa thuận tham vọng – một thỏa thuận lớn, hoặc một thỏa thuận về tình trạng cuối cùng – được thực hiện theo từng bước và một thỏa thuận có giới hạn hơn, trong đó các vấn đề về tình trạng cuối cùng được để lại cho các cuộc đàm phán riêng tiếp theo.
Câu hỏi cuối cùng liên quan đến hình thức: thỏa thuận này sẽ được đưa vào trong một hiệp ước, hay cái gì đó ít trang trọng hơn? Đây là sự cân nhắc cả về chính trị lẫn pháp lý. Các hiệp ước có tính lâu dài và bền vững lớn nhất, nhưng chúng cũng có xu hướng khó được chấp thuận nhất về mặt chính trị trong nước, đặc biệt là ở các nền dân chủ. Triều Tiên có lẽ ưa thích bất kỳ thỏa thuận nào dưới dạng một hiệp ước, vì chúng khó lật lại hơn, vì chắc chắn họ đã chú ý tới điều đó khi Chính quyền Trump bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn chưa từng được Thượng viện thông qua.
Về phía Triều Tiên, sau khi lĩnh hội được bài học của Ukraine, Iraq và Libya, bài học về từ bỏ hạt nhân gây ra sự can thiệp quân sự, hẳn sẽ từ chối yêu cầu sớm phi hạt nhân hóa hoàn toàn và các cuộc thanh sát mang tính thâm nhập. Mỹ hẳn sẽ tuyên bố rằng, bất cứ điều gì chưa đến mức đấy thì đều không chấp nhận được và rút khỏi đàm phán. Như vậy chính sách ngoại giao đã được sử dụng và không đi đến đâu, dẫn tới những lời kêu gọi về một giải pháp quân sự.
Sau khi kết thúc cuộc gặp lịch sử, sẽ là phi thực tế khi nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt và những lời đe dọa sẽ khiến Triều Tiên suy nghĩ lại các cam kết của họ về vũ khí hạt nhân, hoặc sự phản đối các cuộc thanh sát mang tính thâm nhập. Triều Tiên là một nước khép kín, cứng đầu, vốn đã duy trì sự ổn định chính trị, phát triển vũ khí hạt nhân và duy trì một quân đội thường trực lớn bất chấp sự yếu kém về kinh tế.
Nước này cũng có thể dựa vào sự giúp đỡ từ Trung Quốc và Nga. Kết quả là, Mỹ và Triều Tiên sẽ không nhất trí và thực hiện một cách tiếp cận tham vọng; nhiều nhất là họ có thể ký kết và đem lại điều gì đó tương đối hạn chế cho tương lai có thể đoán trước. Chẳng hạn, bước đầu Triều Tiên có thể duy trì việc ngừng thử nghiệm đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo và nhất trí không chuyển giao công nghệ hạt nhân cho các bên khác, trong khi đó Mỹ có thể nhất trí dỡ bỏ một vài biện pháp trừng phạt và trao cho Triều Tiên sự công nhận ngoại giao.
Xưa nay nếu ai đó cho đi quá nhiều cũng nguy hiểm như đòi hỏi quá nhiều. Cụ thể ở đây Washington cho đi quá nhiều mà nhận lại chẳng bao nhiêu thì có thể là “thành công thảm họa”. Chẳng hạn, Mỹ có thể dỡ bỏ trước một loạt biện pháp trừng phạt, kỳ vọng rằng những đòi hỏi liên quan đến vũ khí hạt nhân và tên lửa có thể được đáp ứng trong tương lai. Với Triều Tiên, có nhiều tiền lệ trong lịch sử cho thấy những hy vọng như vậy sẽ không kết thúc tốt đẹp.
Một mối nguy hiểm nữa là mở rộng các cuộc đàm phán và đề xuất Mỹ giảm bớt hiện diện quân sự trên diện rộng ở bán đảo Triều Tiên để đổi lấy sự tiến triển trong lĩnh vực hạt nhân. Trump đã giao nhiệm vụ cho Lầu Năm Góc thăm dò việc rút quân đúng như vậy. Động thái này nhất quán với quan điểm của ông rằng Mỹ chi trả quá nhiều cho các liên minh. Tuy nhiên, thực tế là Hàn Quốc đã bù một phần lớn phí tổn của việc binh lính Mỹ đóng quân tại đó. Hơn nữa, bất kỳ thỏa thuận nào giới hạn trong vấn đề hạt nhân sẽ chẳng làm được gì để giảm bớt mối đe dọa quân sự thông thường mà Triều Tiên đặt ra cho Hàn Quốc.
Theo đó, liên minh Mỹ-Hàn có thể bị đe dọa, một diễn biến sẽ làm dấy lên thêm những nghi vấn từ phía Nhật Bản và những nơi khác về sức bền bỉ của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Tất cả những điều này dẫn chúng ta quay trở lại Washington, D.C chứ không phải là Singapore. Vấn đề trọng tâm là liệu chính quyền Trump có sẵn sàng suy nghĩ lại về chính sách của Mỹ với Triều Tiên và theo đuổi các chiến lược có thể giúp ổn định tình hình thay vì giải quyết nó hay không. Kết quả đó ít lý tưởng hơn, nhưng các chính sách tốt không phải chỉ là những chính sách mà người ta mong đợi, điều quan trọng hơn phải là những chính sách khả thi.