Trung Quốc đã thấy những đề xuất của nước này được nêu ra và vai trò của Bắc Kinh được cả 2 lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đề cao.
Khi ông Kim Jong-un đến Singapore để dự hội nghị Thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đi bằng máy bay của Air China. Trang nhất của tờ Rodong Sinmum đã đăng hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un bước ra khỏi chiếc máy bay sơn cờ Trung Quốc hiện rõ sau lưng ông. Điều đó như một lời nhắc nhở rằng, dù không có quan chức Trung Quốc nào tham gia vào cuộc gặp Thượng đỉnh này, Bắc Kinh vẫn như một cái bóng rất lớn đằng sau Triều Tiên.
Khi ông Trump lần đầu tiên đồng ý gặp ông Kim Jong-un hồi tháng 3 khiến cả thế giới bất ngờ, Trung Quốc dường như cũng “sốc” vì bị “gạt ra rìa”. Thế nhưng sau đó, ông Kim Jong-un đã 2 lần thăm Trung Quốc để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và 2 nước đã có hàng loạt cuộc trao đổi giữa các quan chức cấp cao. Nhờ đó, dù Trung Quốc có lo ngại điều gì đi chăng nữa thì dường như điều đó cũng đã được giải tỏa.
Vai trò của Trung Quốc được đề cao
Thực tế, trong cuộc họp báo sau hội nghị Thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dành thời gian để ca ngợi “một người rất đặc biệt, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình” vì vai trò của ông trong việc hiện thực hóa cuộc gặp Mỹ-Triều.
Tổng thống Trump khẳng định, Chủ tịch Tập Cận Bình là “một người tuyệt vời và là một người bạn” của ông, “một nhà lãnh đạo thực sự vĩ đại” của nhân dân Trung Hoa, đồng thời bày tỏ lời cảm ơn Trung Quốc vì những nỗ lực để Mỹ – Triều có được thời khắc lịch sử này.
Ở phần sau của cuộc họp báo đó, ông Trump đã nói rõ rằng Mỹ “đang hợp tác với Trung Quốc” nhằm chi tiết hóa những cam kết trong Tuyên bố chung Mỹ – Triều ngày 12/6/2018 dù sẽ “ít hơn” so với hợp tác giữa Washington với Seoul và Tokyo.
Khi được hỏi một cách cụ thể về vai trò tiềm năng của Trung Quốc trong một Hiệp ước hòa bình trên giả thiết với Triều Tiên, ông Trump đã đưa ra một câu trả lời khá điển hình.
“Tôi cũng muốn có họ tham gia” – ông nói. “Dù còn câu hỏi về việc chúng ta có cần phải làm thế không hay chúng ta có quyền làm thế không. Tôi không quan tâm. Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt vời nếu có Trung Quốc tham gia và tất nhiên là cà Hàn Quốc nữa”.
Kết quả như ý cho Trung Quốc
Như một số quan chức Trung Quốc đã nhanh chóng chỉ ra sau những diễn biến mới nhất của Thượng đỉnh Mỹ Triều, 2 đề xuất chính của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên đã được tiếp thu (dù quan trọng là cả Mỹ và Triều Tiên đều không xác nhận rằng động thái đó là nhằm đáp lại những đề xuất lâu nay của Trung Quốc).
Trước hết, đó là sáng kiến “cùng ngưng” của Trung Quốc, nghĩa là Triều Tiên ngừng chương trình tên lửa và hạt nhân trong khi Mỹ – Hàn ngừng tập trận chung.
Về phía Triều Tiên, hồi tháng 4, Bình Nhưỡng đã thông báo hoãn thử hạt nhân và tên lửa, thậm chí phá hủy các đường hầm tại bãi thử Punggye-ri trước sự chứng kiến của các phòng viên quốc tế.
Còn phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 12/6 bất ngờ thông báo sẽ ngừng “trò chơi chiến tranh” với Hàn Quốc mà không tham vấn trước với Seoul. Ông còn nói rằng các cuộc tập trận này là “không hợp lý”, “gây hấn” và “cực kỳ tốn kém”.
Như vậy là sáng kiến “cùng ngưng” của Trung Quốc đã được hiện thực hóa.
Thứ hai, Trung Quốc từ lâu đã đề xuất “lộ trình song song” cho đàm phán, nghĩa quá trình phi hạt nhân hóa sẽ đạt được tiến bộ đồng thời với các cuộc đối thoại về bình thường hóa quan hệ Mỹ – Triều và hướng tới ký kết Hiệp ước hòa bình chính thức.
Điều đó cũng đã được khởi động sau Tuyên bố chung Mỹ – Triều ngày 12/6/2018. Tuyên bố nêu rõ, Mỹ và Triều Tiên cam kết xây dựng “mối quan hệ mới” cũng như “cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên” và việc “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”.
Chính người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng nói trong cuộc họp báo ngày 12/6 rằng cả 2 đề xuất “cùng ngưng” và “lộ trình song song” đều đang được khởi động.
Bắc Kinh chờ một vai trò rõ nét hơn
Nhìn chung, Trung Quốc có rất nhiều điểm để hài lòng sau Thượng đỉnh Mỹ – Triều. Cuộc gặp này đã giảm căng thẳng mà không gây ra bất cứ thay đổi hiện trạng nào trên biển và Trung Quốc chắc chắn đang mong nước này sẽ được tham gia vào các cuộc đàm phán tiếp theo về thỏa thuận hòa bình như lời ông Trump nói.
Không ngạc nhiên khi thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về Thượng đỉnh Mỹ – Triều ca ngợi “sự quyết đoán chính trị” của cả 2 nhà lãnh đạo và cho rằng tình hình hiện nay “đúng với hy vọng” của Bắc Kinh.
Thông cáo cũng nêu rõ, Trung Quốc là láng giềng của Bán đảo Triều Tiên và một tác nhân quan trọng trong vấn đề Triều Tiên, đồng thời cam kết tiếp tục nỗ lực “hiện thực hóa việc phi hạt nhân và tạo một cơ chế hòa bình cho Bán đảo này”.
Câu hỏi lớn hiện nay là chính xác Trung Quốc sẽ có vai trò gì trong giai đoạn tiếp theo, một câu hỏi mà người phát ngôn Cảnh Sảng né tránh đi vào chi tiết.
Tuy nhiên, dư luận dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ đáp lại thiện chí của Triều Tiên bằng cách thúc đẩy nới lỏng các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Bình Nhưỡng. Khi được hỏi về khả năng đó, người phát ngôn Cảnh Sảng cho rằng cần phải có những thay đổi dựa trên hành động thực tế của Triều Tiên nếu và khi nước này tuân thủ các nghị quyết từ trước đến nay của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Về những bước tiếp theo, người phát ngôn Cảnh Sảng từ chối làm rõ liệu ông Kim Jong-un có sớm gặp các quan chức Trung Quốc sau Thượng đỉnh Mỹ – Triều hay không. Nhưng chắc chắn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ đến thăm Trung Quốc ngày 14/6 này để thảo luận về kết quả Thượng đỉnh cùng nhiều vấn đề khác