Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc luôn tìm mọi cách để tuyên truyền, củng cố, ngụy tạo chứng cứ pháp lý để tìm cách khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông. Lập luận pháp lý mà Trung Quốc đưa ra chủ yếu dựa trên một số khía cạnh như: Trung Quốc có “chủ quyền” lịch sử ở Biển Đông; Khu vực này thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, được xác định từ phần lãnh thổ Trung Quốc có “chủ quyền”; Ngư dân Trung Quốc phát hiện sớm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Hiệp ước Pháp – Thanh (26/6/1887) về phân định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc kỳ khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông…
“Đường Lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông
Trên thực tế, tất cả lập luận, chứng cứ của Trung Quốc đưa ra đều không có tính thuyết phục, đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế hiện hành. Thậm chí Trung Quốc còn tìm mọi cách để ngụy tạo chứng cứ pháp lý nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường nói họ có đầy đủ chứng cứ để chứng minh người Trung Quốc đã phát hiện và khai thác hai quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và “làm chủ” Biển Đông từ cách đây hơn 2.000 năm. Tuy nhiên, trên thực tế họ không đưa ra được một bằng chứng xác thực nào mà chỉ dựa vào những trích dẫn từ các sách cổ của các tác giả Trung Quốc rồi giải thích một cách tùy tiện theo ý mình rằng đó là bằng chứng về việc họ phát hiện và khai thác hai quần đảo này. Với cách thức tập hợp rất nhiều đoạn trích dẫn có dụng ý chủ quan, cắt xén, lắp ghép tùy tiện là cách Trung Quốc tung hỏa mù để đánh lừa cộng đồng quốc tế về “chủ quyền” ở Biển Đông.
Thứ nhất, luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ thừa nhận hình thức thụ đắc sơ khởi đầu tiên thông qua việc phát hiện và chiếm hữu tượng trưng. Vì thế, Trung Quốc đã đưa những tư liệu lịch sử của mình vào việc chứng minh chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, với rất nhiều tên gọi không thống nhất và không hề giống với tên gọi được sử dụng hiện nay cho hai quần đảo này, với các lập luận rất khó kiểm chứng, tính chân thực trong các tài liệu lịch sử này của Trung Quốc rất khó thuyết phục được cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, trong luật quốc tế, mọi hành động mang danh nghĩa cá nhân đều không tạo ra cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và cũng không làm thay đổi bản chất của chủ quyền, ngay cả khi các cá nhân đó hợp thành một tập thể hoặc công ty, trừ trường hợp cá nhân, tập thể hoặc công ty đó được Nhà nước ủy quyền xác lập chủ quyền lãnh thổ thay mặt cho Nhà nước. Vì vậy, việc Trung Quốc viện dẫn ngư dân phát hiện sớm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như một cơ sở pháp lý về chủ quyền là không phù hợp với luật quốc tế.
Để ngụy tạo chứng cứ, Trung Quốc đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi mà ít ai nghĩ đến. Báo The Straits Times từng phỏng vấn ngư dân Trung Quốc ở làng chài Đàm Môn (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã chi trả 180.000 nhân dân tệ (27.000 USD) cho các chủ tàu cá (Trung Quốc) để đi đến quần đảo Trường Sa và rằng “họ (Chính phủ Trung Quốc) không quan tâm đến việc ngư dân có đánh bắt hay không, họ chỉ muốn ngư dân có mặt ở đó”. Trước đây cũng có thông tin cho rằng Trung Quốc đã cho rất nhiều ngư dân mang cổ vật (bát, đồ sứ…) mang đổ xuống Biển Đông nhằm ngụy tạo chứng cứ cho rằng ngư dân Trung Quốc đã xuất hiện ở Biển Đông từ nhiều thế kỷ trước.
Thứ hai, việc Trung Quốc viện dẫn Hiệp ước Pháp – Thanh (26/6/1887) về phân định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc kỳ (Theo lập luận của nhà Thanh, do Hiệp ước Pháp – Thanh có điều khoản quy định rằng “các hòn đảo nằm ở phía Đông của đường kinh tuyến Paris 15 độ 43’ kinh tuyến Đông, theo hướng đường Bắc Nam đi qua điểm cực Đông của Trà Cổ sẽ thuộc về Trung Quốc, trong khi đảo Cô Tô và tất cả đảo khác nằm phía Tây kinh tuyến đã chỉ định sẽ thuộc về An Nam”) để tuyên bố chủ quyền là không có giá trị áp dụng cho phân chia đảo tại khu vực Biển Đông, vì: Hiệp ước Pháp – Thanh chỉ được ký kết để phân định biên giới trên bộ. Nội dung điều khoản về phân chia đảo chỉ được áp dụng cho khu vực gần biên giới, và cùng lắm thì cho Bắc kỳ. Trong khi đó, Hoàng Sa và Trường Sa được Pháp sáp nhập vào Nam kỳ. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Trung Quốc lại viện dẫn Điều 2(f) của Hiệp định Sanfransisco để khẳng định việc từ bỏ chủ quyền của Nhật tại Hoàng Sa và Trường Sa là nhằm trao lại chủ quyền cho Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, Điều 2(f) chỉ đề cập đến việc Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, chủ quyền và yêu sách đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà không nói rõ ràng chủ quyền này thuộc về nước nào. Đặc biệt, với tư cách là một nước thuộc phe phát xít, đã sử dụng vũ lực một cách bất hợp pháp để chiếm đóng các vùng lãnh thổ, thì sự chiếm đóng của Nhật Bản không thể xác lập được bất kỳ chủ quyền hợp pháp nào và càng không thể chuyển giao cho nước nào thứ chủ quyền mà Nhật Bản không có.
Thứ ba, việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng tại Hoàng Sa vào năm 1974 và năm 1988. Lập luận cho các cuộc tấn công chiếm đóng này, Trung Quốc cho rằng mình đã dựa trên cơ sở của luật quốc tế, bởi Việt Nam đã sử dụng vũ lực trước, Trung Quốc chỉ tự vệ và do Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc mà Việt Nam đã xâm chiếm, nên Trung Quốc cần thu hồi lại. Thực chất vào thời điểm năm 1974 và 1988, luật quốc tế đã cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việc sử dụng vũ lực chỉ được cho phép trong trường hợp ngoại lệ khi có sự cho phép của Liên hiệp quốc theo Điều 42 hoặc tự vệ khi bị xâm lược theo Điều 51 của Hiến chương. Trên thực tế, do thiếu vắng sự cho phép của Liên hiệp quốc và cơ sở pháp lý hợp pháp cho hành vi tự vệ, hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc vào năm 1974 và 1988 là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy phạm bắt buộc jus cogen của luật quốc tế.
Thứ tư, về yêu sách vùng biển theo “đường 9 đoạn”, Trung Quốc cho rằng vùng biển có thể là vùng nước lịch sử hoặc vùng nước mà Trung Quốc có quyền lịch sử. Cho dù hiểu theo cách giải thích nào thì “đường 9 đoạn” đã ra đời từ trước khi các luật lệ quốc tế về biển ra đời, nên Trung Quốc cho rằng yêu sách “đường 9 đoạn” không bị ràng buộc hoặc điều chỉnh bởi các điều khoản của những luật lệ đó. Giá trị pháp lý của “đường 9 đoạn” phải được xem xét dưới góc độ của luật pháp quốc tế đương đại (tức là luật pháp quốc tế vào thời điểm mà đường này được vẽ ra), chứ không thể áp dụng Công ước Luật biển 1982. Nhưng trên thực tế, vào thời điểm công bố bản đồ, Trung Quốc chưa từng đưa ra sự giải thích chính thức nào về ý nghĩa pháp lý hay yêu sách của đường này, các bản đồ này chỉ có nguồn gốc từ công trình của một cá nhân, do một cá nhân vẽ ra, không có sự ủy quyền từ Nhà nước, không có sự giải thích chính thức từ Nhà nước, thì quá trình sử dụng đó chẳng thể tạo ra một danh nghĩa lịch sử hay pháp lý nào cho yêu sách sau này của Trung Quốc.
Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông, Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS (12/7/2016) đã ra phán quyết kết luận: Nếu Trung Quốc đã từng có quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này đã bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với quy chế Vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của UNCLOS 1982. Tòa cũng nhận thấy, dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân Trung Quốc và ngư dân các nước khác đã sử dụng các đảo ở Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã độc quyền kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Chính vì vậy, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”.
Tuy biết tuyên bố về “chủ quyền” trái pháp luật, nhưng Trung Quốc vẫn tìm mọi cách để triển khai là vì:
Biển Đông có vị trí địa chiến lược quan trọng sống còn đối với Trung Quốc. Ở phía Tây Trung Quốc – hướng ra Ấn Độ Dương, đã bị Ấn Độ kiểm soát. Bắc Kinh hiện vẫn chưa thể phá vỡ tuyến phòng ngự của Ấn Độ để vươn ra Ấn Độ Dương. Ở hướng Bắc, ngoài Biển Hoa Đông và Hoàng Hải là 4 hòn đảo chính của Nhật Bản (Hokkaido, Honsu, Shikoku, Kyushu), quần đảo Điếu Ngư/Senkaku cũng nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Nhật Bản. Ở hướng Đông, từ khu vực biển phía Đông của Đài Loan có thể trực tiếp tiến vào Thái Bình Dương nhưng khu vực này bị Mỹ kiểm soát, và đương nhiên Trung Quốc cũng không thể đi ra Thái Bình Dương khi mà Mỹ chưa cho phép. Chính vì vậy, Trung Quốc chỉ còn cách tìm kiếm đột phá về hướng Nam, nơi có quần đảo Trường Sa. Khi xảy ra chiến tranh, cửa biển này sẽ trở thành cửa sinh tử của chiến lược phong tỏa và chống phong tỏa, bao vây và chống bao vây. Nếu mất Biển Đông, Trung Quốc sẽ mất quyền kiểm soát đối với tuyến đường sinh mệnh ra biển rất dài và tuyến quốc phòng của Trung Quốc cũng bị thu hẹp về đảo Hải Nam, con đường ra biển của toàn bộ khu vực miền Nam Trung Quốc sẽ bị bóp nghẹt.
Ngoài ra, Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông là để thao túng cả kinh tế, thương mại, hàng hải, tài nguyên, nhiên liệu, nhất là dầu mỏ, khí đốt ở khu vực này. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 – 20 năm tới. Biển Đông cũng nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 – 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên.
Thời gian tới, bất chấp cộng đồng quốc tế phản đối, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thôn tính, độc chiếm Biển Đông nhằm phục vụ âm mưu, ý đồ chiến lược của mình. Để đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cũng như luật pháp quốc tế được tôn trọng và thực thi đầy đủ, các nước cần có các biện pháp cứng rắn và phối hợp hài hòa hơn nữa để đối phó với những hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.