Wednesday, December 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTăng thuế VAT: Cú đấm thẳng vào người nghèo

Tăng thuế VAT: Cú đấm thẳng vào người nghèo

Việc áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng (VAT) thống nhất sẽ là “cú đánh” trực diện làm giảm phúc lợi của các hộ nghèo nhất ở thành thị và nông thôn.

Hai kịch bản chính về tăng thuế VAT

Những dự báo tác động của việc tăng thuế VAT lên phúc lợi hộ gia đình được đo lường bằng chi tiêu bình quân và tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã được nhìn dưới nhiều chiều kích tại hội thảo “Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tại Hà Nội sáng 28/6.

Trong báo cáo nghiên cứu của, các tác giả trong nhóm nghiên cứu đã đưa ra dự báo tác động của hai kịch bản hay phương án điều chỉnh thuế VAT. Cụ thế: Phương án 1 là tăng thuế VAT lên 1,2 lần, tức là các mặt hàng đang chịu thuế VAT 5% và 10% sẽ chịu thuế 6% và 12%. Phương án 2 áp dụng mức thuế suất chung 10% cho các mặt hàng, theo đó các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ chịu thuế 10%.

Kết quả nghiên cứu và khả sát cho thấy là phương án 1 có tác động mạnh hơn lên hộ gia đình so với phương án 2. Cụ thể phương án 1 làm chi tiêu bình quân của hộ giảm đi 0,89%, còn phương án 2 thì làm chi tiêu hộ giảm đi 0,32%.Tỷ lệ nghèo tăng thêm 0,26 điểm phần trăm nếu như thuế VAT được tăng theo phương án 1, và tăng thêm 0,22 điểm trăm nếu như thuế VAT được tăng theo phương án 2. Số lượng người nghèo tăng lên theo hai phương án tương ứng vào khoảng là 240 nghìn và 202 nghìn người.

Theo đánh giá của VEPR, tác động của phương án 1 lớn hơn phương án 2 ở tất cả các nhóm dân số. Tuy nhiên, các hộ gia đình có mức chi tiêu cao thường sẽ chịu tác động lớn hơn ở phương án 1, nhưng chịu tác động nhỏ hơn ở phương án 2 so với các hộ gia đình có mức chi tiêu thấp, vì những hộ gia đình có mức chi tiêu cao có tỷ trọng chi tiêu cho hàng hóa phi lương thực lớn và tỷ trọng chi tiêu cho hàng lương thực thiết yếu nhỏ.

Phương án 2 sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các nhóm nghèo vì phương án này điều chỉnh tăng VAT ở các mặt hàng lương thực và thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên xét về giá trị tuyệt đối thì phương án 2 vẫn có ảnh hưởng ít hơn phương án 1 ở các nhóm nghèo.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận xét: “Hiện nay nguồn thu từ dầu thô của Việt Nam đã giảm, không còn được như trước nữa. Thu thuế theo hình thức cũ đã không còn phù hợp, trong khi bộ máy nhà nước ngày càng phình to, dẫn đến bội chi ngân sách. Nghịch lí là trong khi ngân sách nhà nước chi nhiều nhưng chi cho đầu tư lại rất ít”.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, việc tăng thuế VAT, dưới góc độ vĩ mô hay vi mô thì đều tác động lớn đến tổng thể nền kinh tế và người dân (kinh tế hộ gia đình).

“Tăng thuế VAT dưới góc độ vĩ mô và vi mô, nhìn chung đều ảnh hưởng đến người dân, hộ gia đình và những mức độ tác động là khác nhau. Quan điểm của tôi thì thuế VAT vẫn có tính chất lũy tiến ở Việt Nam. Người giàu hay người nghèo đều chịu ảnh hưởng”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nói.

Áp lực lớn về ngân sách

Theo báo cáo của VEPR, thuế VAT đang đóng góp nhiều nhất vào tổng số thu thuế của Việt Nam. Năm 2006, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chiếm trên 42% tổng số thu thuế, đến năm 2016, con số này chỉ còn 23%. Ngược lại, năm 2006, tỷ trọng của VAT trong tổng số thu thuế là 23%, đến năm 2016, con số này đã tăng lên gần 1,5 lần và ở mức 33%.

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của Việt Nam có tỷ trọng trong tổng số thu thuế khá kiêm tốn khoảng 6%. Trong khi, mức trung bình của các nước ASEAN-5 là 11%, con số của các nước thu nhập thấp là 19% và các nước thu nhập cao là 28%.

Với các loại thuế gián thu khác (thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu), tỷ trọng của tổng số thu các loại thuế này trên tổng số thu thuế ở Việt Nam năm 2016 là 22%. Các loại thuế tài sản của Việt Nam có tỷ trọng rất kiêm tốn (gần 3% năm 2016).

Sự dịch chuyển về cơ cấu các loại thuế của Việt Nam trong giai đoạn 2006-2016 là do hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, Việt Nam đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương làm số thu của thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu sụt giảm rất mạnh.

Thứ hai, thuế suất của thuế TNDN đã giảm khá mạnh trong giai đoạn này (từ mức 28% xuống mức 20%) để tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Những sự thay đổi này không chỉ làm thay đổi cơ cấu các loại thuế mà còn làm tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam đã giảm đáng kể từ năm 2011. Tuy nhiên, chi ngân sách trên GDP vẫn có xu hướng gia tăng nhẹ từ năm 2012.

Do vậy, ngân sách của Việt Nam đã phải đối mặt với thâm hụt nặng nề và tình trạng nợ công tăng mạnh. Theo IMF (2018), tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Việt Nam luôn duy trì ở trên mức 6% GDP từ năm 2012 đến năm 2016.

Con số này cao hơn mức trung bình của các nước ASEAN-5, các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp trong giai đoạn 2012-2016. Tương ứng với nó, tỷ trọng nợ công trên GDP củaViệt Nam đã cao hơn mức trung bình của các nhóm nước kể trên từ năm 2013.

Trong khi đó, dù nguồn thu ngân sách đã giảm từ năm 2011 nhưng các nhiệm vụ chia ngân sách không giảm. Ngân sách nhà nước thâm hụt triền miên và nợ công tăng cao đến mức đáng báo động. Bộ Tài chính đã tìm cách để giải bài toán về ngân sách bằng cách tăng thuế thay vì thực hiện mạnh mẽ các biện pháp cắt giảm chi ngân sách.

Năm 2011, Bộ Tài chính thực hiện thu thuế Bảo vệ môi trường (một loại thuế mới), đến năm 2016, số thu của loại thuế này chiếm hơn 5% tổng số thu thuế. Con số này gần bằng tỷ trọng của thuế TNCN và cao hơn đáng kể tỷ trọng của tổng số thu các loại thuế tài sản.

Nhưng các số về thâm hụt và nợ công năm 2012 đến 2016 cho thấy, thuế Bảo vệ môi trường vẫn chưa thể giải quyết được bài toán về sức ép ngân sách. Trong nỗ lực để gỡ khó cho ngân sách nhà nước, năm 2017, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra đề xuất tăng thuế suất VAT.

RELATED ARTICLES

Tin mới