Dự án làm cáp treo này có mục đích làm du lịch hơn là mục đích vận tải, giải quyết giảm ùn tắc giao thông.
Nhiều nguy cơ khó lường
Đưa ra các phân tích của mình với thành phố Hà Nội trong việc xây dưng cáp treo vượt sông Hồng tại bến xe trung chuyển Long Biên tới bến xe Gia Lâm, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, có 3 vấn đề cần quan tâm đó là tác động tới kinh tế, xã hội và môi trường.
Ông Liêm nói rõ: “Ở Việt Nam cũng đã có những hệ thống cáp treo khác nhau như Vinpearl Nha Trang, Bà Nà Hills, Tây Thiên…tuy nhiên chỉ ở các khu du lịch, các địa hình núi non hiểm trở, không thể di chuyển đường bộ, chứ chưa có cáp treo bên trong thành phố.
Tôi chỉ quan tâm hai đầu cột là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên và điểm cuối làm bến xe Gia Lâm, chắc chắn sẽ chiếm một diện tích nhất định kèm theo thiết bị máy móc, nhà chờ, nên khu vực đó có đủ diện tích hay không? quang cảnh bị ảnh hưởng thế nào rất dễ bị lộn xộn.
Hơn nữa, chiều cao cột cáp ngoài việc phải đảm bảo mỹ thuật còn ảnh hưởng bởi không gian khu vực sông Hồng nằm đồng bằng lõm giữa các dãy Sóc Sơn và Ba Vì, hướng phía đông Gia Lâm và hướng nam là hướng biển.
Khi giông bão, tốc độ gió lớn cần điều chỉnh chiều cao cột cáp treo và giảm vận hành hoặc dừng. Vậy thì vấn đề giảm tải lên hệ thống giao thông mặt đất lúc đó không khả thi.
Bên cạnh đó là vấn đề về không gian bến bãi. Làm cáp treo không tốn diện tích nhưng lại cần đến sự kết nối từ các phương tiện khác, cần phải có thêm những bãi đất trống làm bãi trông giữ xe giữa hai đầu cáp treo thì sẽ rất phức tạp đó là vấn đề quy hoạch bến bãi.
Trước đây cũng có đề xuất xây dựng cầu đường sắt Long Biên 2 kết nối vào vị trí bến xe trung chuyển, không rõ quy hoạch này hiện nay ra sao?”.
Cũng theo vị chuyên gia trên, tuyến cáp treo này dự kiến mỗi giờ cáp treo sẽ vận chuyển được khoảng 1.000 người với cáp kẹp bên dưới và 6.000 người với cáp kẹp bên trên thì đây chỉ là tuyến giao thông phụ. Cho nên vài nghìn người không ăn thua gì với sức di chuyển của các cây cầu.
Hơn nữa, thường thì dân nội đô sẽ ít dùng cáp treo vì họ phải di chuyển đến một điểm rồi lại gửi xe cá nhân tại đó, sau đó dùng dịch vụ di chuyển cáp treo, đến điểm bên kia không biết di chuyển bằng gì.
Mà thời điểm ùn tắc chủ yếu giờ cao điểm đi làm và tan tầm, nếu như hệ thống phương tiện vận tải công cộng của chúng ta làm tốt, thì việc làm cáp treo sẽ khả thi nhưng như hiện nay thì rất khó.
Nói về vấn đề kinh tế, theo ông Liêm, đối với thời buổi công nghệ 4.0 bây giờ để làm một tuyến cáp treo không hề khó, không tốn diện tích, không quá tốn kém, thế nhưng để giảm ùn tắc giao thông thì cần phải xem lại.
Nếu nói là làm cáp treo để giảm ùn tắc thì thực tế không đem lại hiệu quả, các nước trên thế giới chưa ai làm cáp treo để giảm ùn tắc.
“Thực ra, dự án làm cáp treo này có mục đích khác hoặc làm du lịch hơn là mục tích vận tải, giải quyết giảm ùn tắc giao thông”, ông Liêm khẳng định.
Khó khả thi về mặt giá cả
Đứng từ góc độ giao thông, PGS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên Khoa Kinh tế – Vận tải, Đại học GTVT cho rằng, nói về tổng thể thì bất kể giải pháp nào phục vụ được cho ách tắc giao thông thì đều cần xem xét, nghiên cứu tính khả thi.
“Riêng với dự án này thì tôi chỉ quan tâm đến vấn đề giá cả, vì ai cũng biết cáp treo là hình thức vận tải đắt nhất hiện nay, vậy liệu tính khả thi hay tính đại chúng sẽ rất khó.
Bởi từ trước đến nay, số người sử dụng phương thức vận tải di chuyển giá rẻ rất nhiều, khi có phương thức thuận lợi nhưng giá quá đắt thì đương nhiên dự án không thu hút được khách thì cũng không hòa vốn được.
Cho nên, tôi chỉ băn khoăn tính đại chúng, vì đối tượng di chuyển chủ yếu là đi lại thường xuyên, mà giá đắt thì không ai đi. Vì điểm này nên cáp treo thường chỉ được làm ở các khu du lịch là chính”, ông Sùa nhận định.
Tuy nhiên, với dự án trên, theo ông Sùa, nếu không có trợ giá, hỗ trợ về mặt chính sách thì e rằng tính khả thi về mặt giá cả không đáp ứng được.
Nói đơn thuần dễ hiểu, những người di chuyển thường xuyên thì mới sợ bị ách tắc nhưng giá cao thì không ai đi, còn người chỉ di chuyển một lần thì không ai dùng.
“Như vậy, tính khả thi của dự án về mặt kinh tế là không có, thậm chí là rất kém”, ông Sùa phân tích.