Ngành chế tạo Mỹ thuộc cao cấp, nếu Trung Quốc thực hiện được mục tiêu nâng cấp thì hai bên có thể sẽ xuất hiện cạnh tranh trực tiếp, do đó hệ thống phân công toàn cầu sẽ điều chỉnh lại, tạo ra mối đe dọa rất lớn cho vị thế của Mỹ.
Trung Quốc và Mỹ đang có nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại quy mô lớn. Ảnh: Yicai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua trang web Nhà Trắng tuyên bố quyết định áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, đã nổ phát súng đầu tiên của cuộc chiến tranh thương mại.
Để đáp trả, ngày 16/6, Trung Quốc quyết định áp mức thuế 25% đối 659 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 50 tỷ USD. Đến ngày 18/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ tiếp tục áp mức thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, đồng thời còn cho biết “nếu Trung Quốc tiếp tục tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, Mỹ sẽ mở rộng mức tăng thuế thêm 200 tỷ USD”.
Ngày 15/6, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) công bố danh sách tăng thuế gồm 1.102 mặt hàng, chủ yếu là những hàng hóa được lợi từ chính sách ngành nghề “Chế tạo Trung Quốc 2025” hoặc có liên quan của ngành công nghiệp, bao gồm các ngành như hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin, thiết bị công nghiệp, người máy, vật liệu mới và ô tô.
Những lĩnh vực này có lợi cho nâng cao vị trí của Trung Quốc trong chuỗi ngành nghề toàn cầu và vị thế chủ đạo trong các lĩnh vực mang tính chiến lược. Đối với Mỹ, Trung Quốc thực sự có tham vọng “động đến miếng pho mát của Mỹ”, đe dọa đến vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong tương lai.
Sau khi Nhà Trắng ra tuyên bố, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết “cách làm gây sức ép tối đa và đe dọa này của Mỹ đi ngược lại đồng thuận nhiều cuộc tham vấn giữa hai bên, đồng thời làm cho cộng đồng quốc tế rất thất vọng. Nếu Mỹ mất đi lý tính, đưa ra danh sách, Trung Quốc sẽ buộc phải áp dụng biện pháp tổng hợp, kết hợp cả số lượng và chất lượng, tiến hành trả đũa mạnh mẽ”.
Sự leo thang của va chạm thương mại Trung – Mỹ làm cho đồng minh châu Âu của Mỹ cũng rất lo ngại. Ngày 20/6, Chủ tịch Phòng thương mại EU tại Trung Quốc Mats Harborn bày tỏ không tán thành cách làm của chính quyền Mỹ, lo ngại chiến tranh thương mại Trung – Mỹ sẽ kết thúc chu kỳ thịnh vượng kinh tế của toàn cầu.
Đọ sức về khả năng cạnh tranh cốt lõi trong tương lai
Trong thư USTR gửi cho truyền thông, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã có những lời lẽ rất gay gắt, cho biết: “Chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp bảo hộ mạnh mẽ để đảm bảo vị thế lãnh đạo của Mỹ trên phương diện khoa học công nghệ và sáng tạo, chống lại mối đe dọa chưa từng có từ Trung Quốc, những mối đe dọa này bao gồm xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, chuyển nhượng công nghệ mang tính cưỡng bức và tấn công mạng”.
Ông Robert Lighthizer cho biết: “Chính phủ Trung Quốc đang thông qua thương mại bất bình đẳng và ‘Chế tạo Trung Quốc 2025’, có tham vọng làm suy yếu khả năng lãnh đạo kinh tế và các ngành khoa học công nghệ cao của Mỹ. Công nghệ và sáng tạo là tài sản kinh tế vĩ đại nhất của Mỹ, Tổng thống Donald Trump nhận thức sáng suốt được, nếu chúng ta muốn Mỹ có được một tương lai thịnh vượng thì chúng ta phải kiên định ủng hộ thương mại công bằng và bảo vệ sức cạnh tranh của Mỹ”.
Để thực hiện mục tiêu này, ngoài tăng thuế, Mỹ còn tuyên bố sẽ công bố các biện pháp hạn chế đối với đầu tư công nghệ của Trung Quốc và tăng cường quản lý, kiểm soát xuất khẩu công nghệ trước ngày 30/6, đồng thời sẽ “nhanh chóng thực hiện”.
Nhà Trắng còn cho biết sẽ tiếp tục triển khai kiện Trung Quốc trong khuôn khổ WTO về các hành vi mang tính kỳ thị đã vi phạm “Hiệp định bản quyền sở hữu trí tuệ liên quan thương mại”.
Ngoài ra, ngày 11/6, Bộ Ngoại giao Mỹ còn bắt đầu thực hiện chính sách hạn chế visa vào Mỹ đối với công dân Trung Quốc học tập, làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao, nếu nghiên cứu sinh Trung Quốc học tập trong các lĩnh vực đặc biệt như người máy, hàng không, chế tạo khoa học công nghệ cao, thời hạn visa đến Mỹ của họ sẽ rút ngắn từ 5 năm trước đây xuống còn 1 năm.
Đối với một loạt chính sách mà Mỹ nhằm vào phát triển khoa học công nghệ cao của Trung Quốc, Lưu Hướng Đông, Phó trưởng ban nghiên cứu kinh tế, Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc cho rằng: “Mỹ không chỉ nhằm vào vấn đề thâm hụt thương mại, đằng sau còn để ý đến mục tiêu đưa ngành chế tạo Trung Quốc vươn lên trung, cao cấp trong chiến lược ‘Chế tạo Trung Quốc 2025′”.
Lưu Hướng Đông đồng thời cho biết hiện nay, ngành chế tạo Mỹ thuộc cao cấp, nếu Trung Quốc thực hiện được mục tiêu nâng cấp thì hai bên có thể sẽ xuất hiện cạnh tranh trực tiếp, do đó hệ thống phân công toàn cầu sẽ điều chỉnh lại, tạo ra mối đe dọa rất lớn cho vị thế của Mỹ.
“Cuộc xung đột này liên quan đến sức cạnh tranh cốt lõi trong tương lai của hai nước” – Lưu Hướng Đông nhấn mạnh.
Lưu Hướng Đông cho rằng kinh tế Mỹ chủ yếu dựa vào tiêu dùng, nợ công lên cao, chính phủ Mỹ muốn giảm thâm hụt, ông Donald Trump muốn thông qua giảm thuế để thúc đẩy ngành chế tạo quay trở lại Mỹ, như vậy mới có thể mở rộng cơ sở thuế, bảo đảm lợi nhuận tài chính, nhưng nếu ngành chế tạo quay lại không lý tưởng, đồng thời ngành chế tạo Trung Quốc lại thực hiện được nâng cấp và cạnh tranh với Mỹ thì Mỹ khó có thể tạo ra được vòng tuần hoàn tốt đẹp “thông qua giảm thuế để kích thích sản xuất, thu hẹp thâm hụt”, có khả năng sẽ dẫn đến khủng hoảng công.
Phó tổng giám đốc cao cấp chính sách toàn cầu Hội đồng ngành công nghệ thông tin Mỹ (ITI) Josh Kallmer cho rằng doanh nghiệp vừa sản xuất hàng hóa vừa cung cấp dịch vụ thường có chuỗi cung ứng toàn cầu rất phức tạp, không phải nói chuyển nhượng là có thể chuyển nhượng.
Josh Kallmer khẳng định: “Nhà cung ứng cũng không phải tùy ý có thể tìm được, thường phải đàm phán lại hợp đồng, chuẩn bị thiết bị, điều này cần trải qua thời gian vài năm”. Hội đồng ngành nghề công nghệ thông tin (ITI) có 66 nhà cung cấp phần cứng, phần mềm và dịch vụ toàn cầu, bao gồm Qualcomm và Intel.
Báo cáo về xung đột thương mại Trung – Mỹ gần đây của J. P. Morgan cho thấy, chuyển dây chuyền sản xuất về Mỹ hoặc các nước xuất khẩu công nghệ chủ yếu khác cần rất nhiều nguồn lực và vốn, là một quá trình tiêu tốn rất nhiều công sức.
Ngoài ra, chuỗi cung ứng công nghệ hiện nay là “phụ thuộc lẫn nhau” rất cao, điều này khiến cho giá cổ phiếu của các công ty như Qualcomm giảm mạnh khi tháng 4/2018 Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố cấm Tập đoàn ZTE Trung Quốc mua sắm linh kiện của doanh nghiệp Mỹ trong 7 năm.
“Trong khi đó, thông qua các biện pháp như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, độc quyền công nghệ, khiến cho Trung Quốc lùi về khâu chế tạo cấp thấp thì có thể giảm va chạm thương mại” – Lưu Hướng Đông, Phó trưởng ban nghiên cứu kinh tế, Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc nói.
Nhưng, Lưu Hướng Đông nhấn mạnh, nhìn vào lịch sử phát triển kinh tế toàn cầu, động lực nội tại của phát triển kinh tế phải là phát triển ngành chế tạo cao cấp, chuyển ngành chế tạo cấp thấp sang các nước khác – đây là quy luật tự nhiên của chuyển đổi phát triển ngành nghề.
Jeremie Waterman, chủ nhiệm Trung tâm Trung Quốc thuộc Phòng thương mại Mỹ bày tỏ hiểu được chiến lược nâng cấp ngành chế tạo Trung Quốc, cho rằng “trong tương lai, ngành chế tạo cao cấp rất quan trọng đối với mỗi nền kinh tế”.
Mỹ đang lo ngại gì?
Từ khi “Chế tạo Trung Quốc 2025” được công bố, phần liên quan đến Trung Quốc trong báo cáo “điều tra 301” hàng năm đều nhắc đến.
Jeremie Waterman cho rằng “Chế tạo Trung quốc 2025” nhấn mạnh đến sáng tạo trong nước, các luật lệ liên quan quy định và thực hiện như thế nào, chẳng hạn doanh nghiệp liên doanh, chuyển giao công nghệ, nội địa hóa bản quyền sở hữu trí tuệ, trợ cấp… có thể sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh không công bằng, không có lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, ông William Zarit và Chủ nhiệm Ủy ban chính sách thương mại Mỹ tại Trung Quốc Lester Ross cho rằng mục đích thực sự của “Chế tạo Trung Quốc 2025” là trợ cấp doanh nghiệp nhà nước trên lĩnh vực khoa học công nghệ, bảo vệ thị trường trong nước, để các doanh nghiệp phát triển sức cạnh tranh quốc tế, trong khi đó chính quyền Donald Trump cho rằng chiến lược này “không công bằng” và không có lợi cho sáng tạo, bởi vì bảo hộ quá mức khó có thể thúc đẩy sáng tạo.
“Điều tra lòng tin thương mại của Phòng thương mại EU tại Trung Quốc năm 2018” công bố ngày 20/6 tiếp tục cho biết sức cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc đang cải thiện. Kết quả điều tra lòng tin thương mại của Phòng thương mại Mỹ và Phòng thương mại EU tại Trung Quốc mấy năm gần đây đều khẳng định “doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng có sức cạnh tranh”.
“Các doanh nghiệp châu Âu không thể làm theo sách cũ, không thể cho rằng Trung Quốc không cạnh tranh. Tôi hy vọng phát đi thông điệp cho trụ sở châu Âu, các doanh nghiệp châu Âu cần tận dụng đầy đủ các nguồn lực, tiếp tục nâng cao sức sáng tạo” – Mats Harborn nói. Còn theo Jeremie Waterman, các doanh nghiệp Mỹ không sợ cạnh tranh, hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc có sức cạnh tranh hơn.
Mats Harborn cho rằng rất nhiều doanh nghiệp thành viên của Phòng thương mại EU tại Trung Quốc đều rất lo lắng xung đột thương mại Trung – Mỹ leo thang, “tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, rất nhiều doanh nghiệp chúng tôi đều lệ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hệ thống sản xuất của doanh nghiệp thường phân bố trên vài lục địa, thay đổi thuế quan sẽ gây rối loạn kế hoạch của doanh nghiệp, tạo ra rủi ro”.
Mats Harborn còn cho rằng kinh tế toàn cầu lệ thuộc vào vào tâm lý, chiến tranh thương mại Trung – Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực thương mại, mà còn có thể sẽ kết thúc chu kỳ thịnh vượng của toàn cầu.
Ngày 8/6, tại cuộc họp báo thường lệ của Quốc vụ viện Trung Quốc liên quan đến “Thông báo về các biện pháp sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nước ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao”, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn tiếp tục nhấn mạnh, “Chế tạo Trung Quốc 2025” là một chính sách mở, không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc, mà còn áp dụng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm một số dự án lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thậm chí doanh nghiệp nước ngoài đều đang tích cực tham gia; chẳng hạn dự án máy bay cỡ lớn đã có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc tham gia hợp tác.
Mats Harborn cho biết trong các doanh nghiệp là hội viên của Phòng thương mại EU tại Trung Quốc, trong tất cả các doanh nghiệp ngành nghề liên quan, 64% doanh nghiệp cho biết họ có thể tham gia “Chế tạo Trung Quốc 2025”.
Nhà nghiên cứu cao cấp kinh tế thế giới Phil Levy của Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago cho rằng việc Mỹ hạn chế xuất khẩu khoa học công nghệ cao cho Trung Quốc đã phần nào sinh ra “Chế tạo Trung Quốc 2025”.
Phil Levy từng là học giả kinh tế thương mại cao cấp của Ủy ban cố vấn kinh tế Tổng thống Bush, phụ trách vấn đề kinh tế quốc tế trong đội ngũ khởi thảo chính sách của cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice.
Đối với sự lo ngại của người Mỹ, Lưu Hướng Đông cho rằng: “Công nghệ trình độ cao của phương Tây là căn bản để họ giữ ưu thế tương đối, nếu người Trung Quốc đều lấy đi thì các nước phương Tây sẽ biến thành các nước hạng hai và hạng ba, vì vậy họ không muốn chuyển giao cho người Trung Quốc. Âu – Mỹ hy vọng cách làm của Trung Quốc dựa trên quy tắc, hòa nhập vào hệ thống thế giới, chẳng hạn Đức bỏ qua việc Trung Quốc mua cổ phần của Daimler ở thị trường công khai, sáp nhập Kuka. Nhưng điều này đã nhắc nhở EU, họ lo ngại những thứ tốt đều bị Trung Quốc mua đi thì làm sao phát triển, Trung Quốc cũng sẽ không để những thứ tốt của họ dễ dàng bị lấy đi”.
Lưu Hướng Đông cho rằng muốn thực hiện nâng cấp ngành nghề, Trung Quốc cần tích lũy công nghệ, cần hợp tác mở, chủ yếu dựa vào sức mình, không thể chỉ dựa vào thu hút từ bên ngoài, nếu không sẽ không thể tạo được ưu thế riêng và hình thành ưu thế so sánh với các nước khác.
Thị trường Trung Quốc không thể từ bỏ
Trước khi Trung Quốc và Mỹ tổ chức vòng tham vấn lần hai, Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc và Phòng thương mại Mỹ đã cùng tổ chức Đối thoại các nhà lãnh đạo công thương và cựu quan chức cấp cao Trung – Mỹ vòng thứ 10 ở Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã tiếp đoàn đại biểu Mỹ.
Khi đó, Jeremie Waterman cho biết ông không cảm thấy thâm hụt thương mại là một tiêu chuẩn để đo được mức độ lành mạnh của quan hệ kinh tế Trung – Mỹ. “Điều chúng ta không muốn nhìn thấy nhất chính là một cuộc chiến tranh thương mại, nó sẽ chỉ làm cho hai bên cùng thua”.
Ngày 30/5, Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc công bố “Sách trắng doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc” năm tài khóa 2018. Chủ tịch William Zarit tiếp tục cho biết các doanh nghiệp thành viên của Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc hy vọng chính phủ Mỹ có thể thống nhất về thực thi và giám sát pháp luật, duy trì trao đổi với Trung Quốc trong các vấn đề như thương mại khoa học công nghệ cao, dịch vụ pháp lý, năng lượng.
“Chúng tôi cho rằng tăng thuế quan hoàn toàn không thể giải quyết được vấn đề của doanh nghiệp, không thể giải quyết môi trường đầu tư phức tạp, vấn đề cạnh tranh công bằng, nhưng thuế quan là một loại công cụ rất có hiệu quả, khiến cho Trung Quốc tiến hành đàm phán nghiêm túc hơn” – Lester Ross phân tích.
Nhưng, ông Donald Trump và đội ngũ của ông rõ ràng lấy thuế quan làm công cụ để có thể giải quyết vấn đề của Mỹ, không chỉ nhằm vào Trung Quốc mà còn nhằm vào cả đồng minh. Nhà nghiên cứu Phil Levy bày tỏ lo ngại đối với cục diện tiến hành chiến tranh thương mại trên toàn cầu của ông Donald Trump.
Trên tạp chí Forbes, Phil Levy cho rằng rất nhiều chứng cứ cho thấy các biện pháp bảo hộ của Tổng thống Donald Trump sẽ không chỉ gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ, mà còn bất lợi cho đàm phán giữa Mỹ với các nước khác. Bên ngoài cho rằng nguyên nhân duy nhất mà phương thức của ông ấy có thể có hiệu quả chính là đội ngũ của ông ấy luôn tuyên bố như vậy.
Giáo sư Paul D. Gewirtz, chủ nhiệm Trung tâm pháp luật Trung Quốc, Đại học Yale Mỹ cho rằng lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc đang thay đổi, một là do ông Donald Trump khác với các cựu Tổng thống Mỹ, hai là do thực lực của Trung Quốc đã tăng mạnh, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đương nhiên cần tiến hành điều chỉnh.
“Trung Quốc và Mỹ cần cùng nhau đưa ra các nguyên tắc và điều kiện cơ bản để hai nước chung sống, đương nhiên mỗi nước đều cần bảo vệ lợi ích của mình, chúng ta cần tìm được nguyên tắc cơ bản của quan hệ Trung – Mỹ, hai nước cần cùng suy nghĩ về vấn đề này, như vậy mới có thể có kết quả tích cực. Điều này là việc tốt đối với toàn thế giới, bởi vì giải quyết hầu hết các vấn đề trên thế giới không thể không có sự tham gia của hai nước Trung Quốc và Mỹ” – Giáo sư Paul D. Gewirtz nhấn mạnh.
Trịnh Vĩnh Niên, viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Á, Đại học quốc lập Singapore cho biết điều ông lo ngại là tư duy Chiến tranh Lạnh của Mỹ, coi Trung Quốc là đối thủ, Trung Quốc cần theo dõi chặt chẽ sự thay đổi của Mỹ trong việc định vị về Trung Quốc.
Cuối năm 2017, Mỹ công bố báo cáo chiến lược an ninh quốc gia mới, cho rằng Trung Quốc và Nga là “quốc gia đối thủ”.
Về vấn đề xung đột thương mại Trung – Mỹ, Giáo sư Paul D. Gewirtz cho rằng tương tác kinh tế khó tránh khỏi sẽ có sức ép và cạnh tranh, “điều chúng ta cần xem xét là phải kiềm chế được tâm lý cạnh tranh này, xây dựng được quy tắc trò chơi tốt để quản lý quan hệ Trung – Mỹ, cùng nỗ lực theo phương thức hợp tác”.
Nhà nghiên cứu Trương Yến Sinh, Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc cho rằng trong một thời kỳ tương đối dài, giữa Trung – Mỹ đều xảy ra phán đoán nhầm do nghi ngờ chiến lược, mất lòng tin, thiếu lòng tin, từ đó không ngừng xảy ra va chạm, hoài nghi, đối kháng một cách phi lý tính. Chờ cho đến khi tổng lượng kinh tế và thị trường của Trung Quốc đủ lớn, toàn cầu đều sẽ nhận thức được hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn.
Chủ nhiệm Ủy ban chính sách thương mại Mỹ tại Trung Quốc Lester Ross cho rằng: “Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, doanh nghiệp Mỹ muốn duy trì vị thế lãnh đạo và sức cạnh tranh toàn cầu thì phải tham gia cạnh tranh ở đây”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho rằng hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất của Trung Quốc và Mỹ.