Saturday, April 27, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnBơm tiền cho Pakistan, TQ giành ưu thế trước IMF

Bơm tiền cho Pakistan, TQ giành ưu thế trước IMF

Pakistan vay thêm 1 tỷ USD của Trung Quốc, tăng cường thêm phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Hãng tin Reuters hôm 30/6 dẫn các nguồn tin tại Bộ Tài chính Pakistan cho biết, Trung Quốc quyết định cho Pakistan vay 1 tỉ USD nhằm tăng cường kho dự trữ ngoại tệ vốn đang tụt dốc nhanh chóng của nước này.

Khoản vay nói trên là kết quả của các cuộc đàm phán vay nợ trị giá từ 1-2 tỉ USD từng được Reuters tiết lộ hồi cuối tháng 5.

Trong khi các nguồn tin khẳng định Trung Quốc cho Pakistan vay 1 tỉ USD, người phát ngôn Bộ Tài chính nước này không trả lời khi được yêu cầu bình luận.

Gói vay mới nhất này (nếu có) sẽ càng làm tăng thêm sự phụ thuộc vào các khoản tài chính của Trung Quốc. Tổng số tiền Trung Quốc cho Pakistan vay trong năm tài khóa này kết thúc vào tháng 6 có thể sẽ lên tới 5 tỉ USD.

Trong 10 tháng đầu năm tài khóa này, khoản vay song phương Trung Quốc dành cho Pakistan là 1,5 tỉ USD. Islamabad trong khoảng thời gian này đã nhận 2,9 tỉ USD trong các khoản vay ngân hàng thương mại, chủ yếu từ các ngân hàng Trung Quốc.

Trung Quốc đã tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế với Pakistan sau khi có dự đoán cho rằng, Pakistan có thể sẽ được nhận một đợt trợ giúp nữa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Giới phân tích dự đoán rằng sau cuộc tuyển cử ngày 25/7, chính quyền mới của Pakistan sẽ phải tìm kiếm gói trợ giúp thứ 2 từ IMF. Hồi năm 2013, Pakistan từng nhận gói trợ giúp trị giá 6,7 tỉ USD từ IMF.

Suleman Maniya – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và môi giới địa phương của hãng Shajar Capital bình luận: “Nhìn vào tình hình hiện tại, nhiều khả năng sau khi chính phủ mới được thành lập, họ sẽ tìm tới IMF”.

IMF trước đó đã có cảnh báo với Pakistan khi cho phép Trung Quốc đầu tư các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo đó, IMF cho rằng, “các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Pakistan có khả năng nâng cao nền kinh tế của đất nước, nhưng các nghĩa vụ trả nợ đi kèm với khoản đầu tư này sẽ rất nghiêm trọng”.

Khác với chuyện vay tiền của Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc IMF, những món vay từ Trung Quốc luôn phải được thế chấp bằng những tài sản quốc gia có tầm quan trọng chiến lược và có giá trị cao trong dài hạn, dù trước mắt có thể không sinh lợi; mỏ khoáng sản và cảng biển là hai loại tài sản thế chấp được ưa chuộng nhất.

Chặng đầu tiên trong đại dự án BRI mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “dự án thế kỷ” là dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), gồm rất nhiều dự án đường bộ, đường sắt, ống dẫn dầu, nhà máy điện, hải cảng… từ Tân Cương (Trung Quốc) kéo dài 3.200 ki lô mét, tới cảng nước sâu Gwadar trên bờ vịnh Oman thuộc Pakistan nhưng gần eo biển Hormuz của Iran.

Trung Quốc cam kết đầu tư và cho vay 62 tỉ USD để thực hiện các dự án thuộc CPEC, kỳ vọng hành lang này sẽ bảo đảm cho hàng hóa và năng lượng xuất nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển thông suốt, giảm chi phí mà không phải phụ thuộc vào con đường biển độc đạo qua eo biển Malacca có thể bị hải quân Mỹ phong tỏa bất cứ lúc nào.

Năm ngoái, Trung Quốc đã đạt được hợp đồng thuê cảng nước sâu Gwadar trong 40 năm và bắt đầu đẩy mạnh các dự án thuộc CPEC khi quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ có dấu hiệu căng thẳng gần đây.

Tuy nhiên, Pakistan đã quyết định rút lui khỏi một dự án thủy điện có vốn đầu tư tới 14 tỉ USD nằm trong Hành lang CPEC vì không chấp nhận những điều kiện vay vốn quá khắc nghiệt mà phía Trung Quốc đưa ra và lo ngại Pakistan sẽ bị phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh.

Cả WB và IMF đều cảnh báo, những món vay của Trung Quốc với lãi suất lên tới 7%/năm có thể gây nguy hiểm cho nền tài chính Pakistan và sẽ buộc nước này phải xin cứu nguy (bailout) từ các định chế tài chính quốc tế.

Bom tien cho Pakistan, Trung Quoc gianh uu the truoc IMF
Một bức tranh biếm họa cho thấy Pakistan cần các khoản tài chính Trung Quốc và ngó lơ những khoản đầu tư khác.

Trong thời điểm này, Mỹ lại tuyên bố “treo” các khoản đầu tư an ninh dành cho Pakistan.

Hồi đầu tháng 1/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ ngừng khoản viện trợ an ninh được cho là khoảng hơn 255 triệu USD cho Pakistan cho đến khi Pakistan ngừng ủng hộ phiến quân thuộc mạng lưới Haqqani và Taliban.

Tổng thống Mỹ đã viết trên Twitter hôm 1/1: “Mỹ thật dại dột khi viện trợ 33 tỷ USD cho Pakistan trong 15 năm qua. Và họ không mang lại cho chúng ta bất kỳ điều gì ngoài những lời dối trá và lừa đảo.

Họ nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của chúng ta là những tên ngốc. Họ (Pakistan) đã cung cấp nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố mà Mỹ đang truy lùng ở Afghanistan. Sẽ không còn như vậy nữa”.

Mối quan hệ Mỹ-Pakistan xấu đi đột ngột, chắc chắn sẽ đẩy Islamabad lún sâu hơn vào ảnh hưởng của Bắc Kinh và giúp Trung Quốc có thêm lợi thế để triển khai chiến lược ngoại giao bẫy nợ đến các nước khác trong vùng.

Trước tuyên bố đóng băng viện trợ của Mỹ, một số quan chức Pakistan cho rằng, bước đi của Mỹ đã đẩy Pakistan gần Trung Quốc hơn với các dự án hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng lên đến 60 tỉ USD theo chương trình “Vành đai và Con đường”.

Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Muhammad Asif còn thẳng thừng tuyên bố: “Thế giới đủ rộng và nước Mỹ không nuôi ăn người dân Pakistan”.

Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình Pakistan Amir Rana nhận định, Pakistan có thể tự mình đối phó với các thách thức:

“Thực tế viện trợ an ninh của Mỹ dành cho Pakistan cũng không nhiều như trước đây. Nước này cũng hoàn toàn tự đảm bảo các chiến dịch quân sự lớn tại các khu vực bộ lạc và an ninh với biên giới Afghanistan. Pakistan có thể làm và đối phó với các thách thức. Pakistan hiện có nhiều lựa chọn để thay thế”.

RELATED ARTICLES

Tin mới