Trung Quốc đã phát triển thành công và chuẩn bị sản xuất hàng loạt loại súng trường tấn công bắn laser có thể đốt cháy mục tiêu ở khoảng cách gần 1km xuyên qua chướng ngại vật.
Theo báo South China Morning Post, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết loại súng trường bắn laser ZKZM-500 được xếp vào dạng vũ khí “không sát thương”.
“Loại vũ khí này có thể đốt cháy xuyên quần áo chỉ trong tích tắc, nếu là loại vải dễ cháy, mục tiêu sẽ trở thành bó đuốc sống” – theo một nhà nghiên cứu thuộc Viện Quang học và cơ học chính xác Tây An.
“Cơn đau sẽ vượt ngoài sức chịu đựng (của mục tiêu)” – nhà khoa học mô tả.
Sản xuất hàng loạt
Súng ZKZM-500 có đường kính nòng 15 ly, nặng 3kg (tương đương một khẩu AK-47), có tầm bắn 800m và có thể lắp lên xe, tàu hoặc máy bay.
Ứng dụng của súng thì rất nhiều. Trong một vụ bắt giữ con tin, cảnh sát có thể nhắm bắn mục tiêu xuyên qua cửa sổ, vô hiệu hóa chúng trong lúc các đơn vị khác xông vào bên trong.
Chùm tia laser cũng đủ mạnh để xuyên qua thùng nhiên liệu, phá hủy kho chứa trong các chiến dịch quân sự.
Nhóm nghiên cứu đã điều chỉnh tầng số để chùm năng lượng phát ra không thể nhìn thấy bằng mắt, và cũng không phát ra âm thanh, do đó “không ai biết đòn tấn công đến từ đâu và trông như một tai nạn”.
Nguồn năng lượng của súng ZKZM-500 là một cục pin lithium tương tự loại dùng cho điện thoại thông minh, chỉ có điều mạnh hơn nhiều, đủ để bắn 1.000 phát, mỗi phát kéo dài không quá 2 giây.
ZKZM-500 được chế tạo bởi Hãng công nghệ ZKZM Laser ở thành phố Tây An thuộc Trung Quốc. Đại diện công ty này xác nhận đang tìm kiếm một đối tác quốc phòng có giấy phép sản xuất vũ khí để sản xuất hàng loạt với chi phí khoảng 15.000 USD/súng.
Do nguy cơ bị dùng vào mục đích xấu, mọi thiết kế và hoạt động chế tạo súng laser sẽ được theo dõi chặt chẽ, và khách hàng duy nhất sẽ là cảnh sát và quân đội Trung Quốc.
Không còn là viễn tưởng
Cách đây 10 năm, vũ khí laser là thứ chỉ có trong khoa học viễn tưởng. Năm 2009, người Mỹ từng thử chế tạo một mẫu súng laser cầm tay và thứ họ thu được là một loại vũ khí “chỉ hiệu quả với mục tiêu khỏa thân” vì tia năng lượng phát ra quá yếu, không xuyên qua nổi cái áo sơ mi.
Năm 2015, Bắc Kinh tăng tốc cuộc đua vũ khí laser với khoản đầu tư nghiên cứu 2 tỉ nhân dân tệ (hơn 300 triệu USD). Số tiền khổng lồ đổ vào lĩnh vực này gây không ít lo ngại cho Mỹ và các nước phương Tây khi đó.
Những năm gần đây, lực lượng Mỹ hoạt động ở các khu vực chiến lược như Ấn Độ Dương, Biển Đông… liên tục than phiền chuyện họ trở thành mục tiêu tấn công laser từ các căn cứ quân sự Trung Quốc hoặc các con tàu trông bề ngoài như tàu cá.
Tháng trước, Chính phủ Mỹ chính thức phản ánh với Bắc Kinh rằng một thiết bị laser “cấp độ vũ khí” ở căn cứ hải quân Trung Quốc ở Djibouti đã bắn vào hai phi công quân sự Mỹ khiến họ bị tổn thương mắt nhẹ.
Một khẩu súng laser do Công ty Poly Group của Trung Quốc chế tạo – Ảnh: SCMP
Vũ khí laser không còn là viễn tưởng. Chúng đã thực sự tồn tại.
Wang Zhimin, học giả Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Hiện nay quốc tế không có bất cứ quy định hay luật nào quản lý việc phát triển và sử dụng vũ khí laser. Nghị định thư LHQ về vũ khí laser gây mù năm 1980 với hơn 100 quốc gia đặt bút ký chỉ tập trung vào các vũ khí thế hệ đầu và cấm các loại vũ khí gây mù vĩnh viễn.
Việc Chính phủ Trung Quốc xếp súng ZKZM-500 vào dạng vũ khí “không sát thương” có nghĩa nó “ít có khả năng” giết một mục tiêu sống hơn các loại súng chuyên dụng.
Cũng nên biết rằng tia laser không thể giết mục tiêu với 1 phát bắn, nhưng nếu khai hỏa đủ lâu, nó sẽ đốt một lỗ trên cơ thể mục tiêu, xuyên qua họ như một con dao phẫu thuật.
Giới nghiên cứu trong lĩnh vực này đa phần đồng tình rằng chế tạo súng laser đủ sức thiêu sống một người là “vô nhân đạo”.
“Vết bỏng laser sẽ để lại sẹo vĩnh viễn, có nguy cơ gây hoảng loạn hoặc biến một cuộc biểu tình ôn hòa thành bạo loạn” – một sĩ quan cảnh sát Bắc Kinh giải thích tại sao anh thà dùng các công cụ truyền thống như hơi cay, đạn cao su…