Như Biendong.net đã đưa tin, từ ngày 1/7 quyền chỉ đạo lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẽ được chuyển từ Cục Quản lý Hải dương sang Quân đội Trung Quốc. Từ nay các tàu của lực lượng này sẽ được trang bị pháo hạng nhẹ thay vì vòi rồng như trước đây. Vũ trang hóa lực lượng cảnh sát biển, Trung Quốc có âm mưu gì?
Quyết định đưa lực lượng cảnh sát biển về cho quân đội quản lí được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc thông qua. Từ nay lực lượng tuần duyên thuộc Cục Quản lý Hải dương Quốc gia vốn được coi là phi vũ trang sẽ chịu sự chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương. Và lực lượng này được phép tham gia trực tiếp vào các cuộc diễn tập với Hải quân Trung Quốc.
Một chuyên gia quân sự có uy tín của Trung Quốc- ông Song Zhongpin- lực lượng hải cảnh từ nay sẽ có nhiệm vụ phòng chống các hoạt động tội phạm trên biển; tìm kiếm cứu nạn trong trường hợp thiên tai hoặc có biến cố xảy ra. Đồng thời hải cảnh là lực lượng thực thi hành pháp đối với các hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường biển, đánh cá, ngăn chặn buôn lậu.
Cũng từ đây, hải cảnh Trung Quốc chính thức trở thành lực lượng vũ trang. Như vậy, các tàu của lực lượng này sẽ được trang bị các loại pháo hạng nhẹ, không dùng vòi rồng phun nước như trước đây Trung Quốc đã từng sử dụng vào năm 2014 khi đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng biển Việt Nam. Các thủy thủ trên tàu cũng sẽ được trang bị vũ khí.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc sẽ không phải là mối đe dọa đối với các nước lân cận, chừng nào các quốc gia này “không xâm phạm chủ quyền trên biển của Trung Quốc”. Thế giới đã quá quen luận điều này. Cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông” hiện nay được xác định bằng “đường lưỡi hổ” liền một nét phi pháp bao trùm hơn 80% diện tích Biển Đông. Điều này vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
“Vũ trang hoá” lực lượng Hải cảnh, Trung Quốc đã khiến cho các nguy cơ đụng độ trên biển được nâng lên ở mức nguy hiểm. Việc đặt Hải cảnh dưới quyền của Quân ủy Trung ương đã ngay lập tức làm dấy lên sự lo ngại ở nhiều nước Đông Á. Nhật Bản, quốc gia thường xuyên có các cuộc va chạm với Hải cảnh Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku tỏ ra cảnh giác trước động thái từ Bắc Kinh.
Quan sát kỹ hơn, có thể thấy, việc thiết kế các tàu hải cảnh dựa trên các bản thiết kế tàu hải quân nằm trong tính toán chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Trong trường hợp cần thiết, các tàu hải cảnh sẽ được hoán đổi, lắp thêm vũ khí và hệ thống điện tử để trở thành tàu chiến thực thụ. Trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc không thật sự cần đến tàu hải quân để tiến hành các hoạt động mang tính cưỡng ép các nước trong khu vực. Bởi vì Hải cảnh đã trở thành công cụ hiệu quả. Hải cảnh đã thực thi xuất sắc các yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trên biển.
Trở lại sự kiện giàn khoan Hải Dương – 981 năm 2014. Ở vào giai đoạn cao điểm, Trung Quốc đã huy động tới hơn 100 tàu các loại, chia thành nhiều lớp để bảo vệ giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo các chuyên gia quân sự, về cơ bản trong sự kiện này chiến sự trên biển của Trung Quốc hình thành 3 lớp: tàu cá và lực lượng “ngư dân biển” là lớp ngoài cùng; hải giám và hải cảnh ở giữa; các tàu hải quân lớp trong cùng, gần giàn khoan nhất. Số lượng lớn nhất là các tàu hải cảnh, chỉ có 7-8 tàu hải quân. Điều này cho thấy vai trò mang tính công cụ của lực lượng hải cảnh trong tham vọng kiểm soát biển của Trung Quốc.
Theo một thống kê của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) công bố tháng 9/2016, trong số 45 vụ đụng độ trên Biển Đông kể từ năm 2010, Hải cảnh Trung Quốc tham gia tới 30 vụ.
Đủ thấy, việc đặt Hải cảnh dưới quyền Quân ủy Trung ương Trung Quốc là dấu hiệu đáng lo ngại. Một điều chắc chắn rằng hải cảnh Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trong các cuộc đối đầu ở những vùng biển tranh chấp sắp tới. Việt Nam, Nhật Bản và các nước trong vùng có tranh chấp hãy chuẩn bị sẵn sàng để không rơi vào bị động.