Giá lợn hơi Việt Nam đã tăng lên mức phổ biến từ 44.000-50.000 đồng/kg, cao hơn mức bình quân của thế giới ít nhất 5.000 đồng/kg. Giá lợn trong nước giữ ở mức cao trong thời gian dài khiến lượng thịt nhập khẩu về tăng mạnh trong tháng 5, đặc biệt là thịt lợn có xuất xứ từ Mỹ.
Giá lợn hơi tại Việt Nam đã tăng mạnh suốt quý II/2018, với mức tăng tổng cộng lên đến gần 16.000 đồng/kg so với cuối năm 2017.
Theo Thanh niên, mức giá phổ biến ở các tỉnh miền Bắc dao động từ 48.000-50.000 đồng/kg, còn ở các tỉnh miền Nam 44.000-45.000 đồng/kg.
Còn tại Trung Quốc, trong những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7, giá lợn hơi cao nhất ở tỉnh Chiết Giang cũng chỉ gần 41.000 đồng/kg và thấp nhất là tại Tân Cương với mức trung bình khoảng 37.000 đồng/kg. Hiện đang là mùa hè, nhu cầu tiêu thụ thịt thấp nên giá lợn hơi tại Trung Quốc sẽ khó tăng.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới hiện nay. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng lợn hơi cung cấp ra thị trường của Trung Quốc năm 2018 lên tới gần 55 triệu tấn, tăng 2,3% so với năm 2017. Sản lượng tăng khiến giá lợn hơi tại Trung Quốc từ đầu năm đến nay luôn duy trì ở mức thấp.
Trong khi đó, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), những ngày cuối tháng 6, giá lợn hơi của Mỹ có tăng nhẹ 3,5 cent/pound, nhưng cũng chỉ dừng ở mức 80,8 cent/pound, tương đương khoảng 41.000 đồng/kg.
Tại Thái Lan – nước có ngành chăn nuôi phát triển hàng đầu khu vực, giá lợn hơi bán tại trại chỉ 1,67 USD/kg (38.000 đồng/kg).
Như vậy, so với khu vực và thế giới, giá lợn hơi của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong suốt 3 tháng qua.
Lý do giá thịt lợn Việt Nam tăng mạnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra là do trong 6 tháng đầu năm tổng đàn lợn giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cũng giảm 1%, chỉ đạt 2,19 triệu tấn.
Thịt lợn trong nước giữ giá cao trong thời gian dài khiến lượng thịt nhập khẩu về Việt Nam tăng đột biến trong tháng 5 vừa qua.
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng sản lượng thịt nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 5/2018 đạt gần 30.000 tấn, trị giá gần 43 triệu USD; tăng hơn 50% về lượng và 39% về giá trị so với tháng 4/2018.
Nhập khẩu thịt lợn sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn. (Ảnh: Thanh niên)
Trong đó, nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ về Việt Nam đã tăng tới 50% về lượng trong tháng 5. Mỹ hiện là nhà cung cấp thịt lợn lớn nhất cho thị trường Việt Nam, chiếm 37% thị phần.
Đứng sau Mỹ là Ấn Độ, chiếm 11,5% thị phần và tăng trưởng trong tháng 5 lên tới 80% về lượng và 81% về giá trị so với tháng trước đó.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu đạt 113.000 tấn, trị giá 178 triệu USD.
Nhiều nhà nhập khẩu dự báo nhập khẩu thịt lợn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong ngắn hạn để bù vào nguồn thiếu hụt tạm thời trong nước. Thêm một nguyên nhân khác nữa là nước xuất khẩu thịt hàng đầu thế giới là Mỹ trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn về đầu ra do Trung Quốc và Mexico – hai nhà nhập khẩu thịt lớn nhất của Mỹ – đánh thuế mạnh vào mặt hàng thịt lợn của quốc gia này.