Nợ công Kenya vượt ngưỡng 5.000 tỉ shilling Kenya, tương đương 50 tỉ USD, làm dấy lên nhiều câu hỏi về độ vay mượn, khả năng trả nợ và liệu nước này sẽ làm cách nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng số tiền trên.
Theo trang Quartz, phần nhiều khoản vay nói trên đến từ Trung Quốc trong những năm gần đây. Số liệu mới nhất cho thấy nghĩa vụ nợ của Kenya đối với Trung Quốc đi sâu hơn nhiều so với mức mà người dân Kenya bình thường nhận ra. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Kenya, chiếm 72% nợ song phương tính đến cuối tháng 3.
Con số trên tăng 15 điểm phần trăm so với năm 2016, khi Trung Quốc chiếm 57% tổng nợ nước ngoài của Kenya. Số liệu cũng cao gấp tám lần những gì mà Pháp, nước cho Kenya vay nhiều thứ nhì, cho quốc gia châu Phi vay.
Trong vài năm qua, giới chức ở Nairobi lên tiếng bảo vệ cơn sốt đi vay này, cho hay đây là một phần trong nhiều nỗ lực nâng cấp đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng các lựa chọn, phân phối năng lượng và cải thiện hệ thống giao thông. Sự tiếp cận ngày càng tăng đối với nguồn tiền từ Trung Quốc cũng cho thấy sự phát triển trong quan hệ giữa Kenya và Đại lục. Chính phủ đang tìm kiếm nhiều khoản vay dễ dàng hơn, với ít ràng buộc hơn.
Đầu tháng 5, Kenya là nước mới nhất gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng, vốn cung cấp tín dụng mà không cần điều kiện nước đi vay phải bãi bỏ quy định, tư nhân hóa, cải cách vốn đi kèm với các khoản trợ giúp từ nhiều tổ chức cho vay phương Tây, chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Kenya cũng là một trong 14 nước châu Phi mới đây tụ họp để bàn về việc có nên giữ nhân dân tệ là một phần trong dự trữ ngoại hối hay không, cho thấy sức mạnh tài chính Trung Quốc đang nổi lên.
Dù vậy các nhà phê bình cho rằng việc tăng cường cho vay từ Trung Quốc sẽ chỉ khuyến khích sự phụ thuộc, có thể khiến nhiều nước khác bị kẹt trong nợ nần. Cây bút chuyên bình luận Jaindi Kisero trên báo Daily Nation của Kenya cho hay người Trung Quốc đã trở nên thành thạo trong việc hợp tác với nội các và người đứng đầu ở các thị trấn ký kết thỏa thuận thương mại không rõ ràng, vốn dẫn đến việc Kenya phải gánh các khoản nợ nước ngoài, các khoản vay đắt đỏ.
Mức nợ tăng ở Kenya cũng khiến thế giới lo ngại. Hồi tháng 2, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Kenya do nợ tăng trong khi khả năng trả nợ giảm. IMF cũng ngừng cho Kenya tiếp cận với tín dụng dự phòng 1,5 tỉ USD do không tuân thủ các mục tiêu tài chính. IMF trước đó thúc giục Kenya giảm bớt thâm hụt và đưa nợ của nước này vào con đường bền vững hơn.