Thị trường tài chính thế giới chao đảo ngay sau khi ông Donald Trump đẩy cuộc chiến thương mại lên một mức mới. Chứng khoán châu Á rực lửa, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm.
Thế giới chao đảo
Thị trường tài chính thế giới tiếp tục rơi vào tình trạng giảm sâu sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố kế hoạch tiếp tục áp thuế nhập khẩu 10% lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau cú đánh thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ hôm 6/7.
Hoạt động bán tháo diễn ra trên hầu khắp các thị trường chứng khoán (TTCK) châu Á, châu Âu và cả thị trường tương lai của Mỹ.
Chứng khoán Trung Quốc đỏ lửa sau kế hoạch đánh thuế của ông Trump. Chỉ số Shanghai Composite Index có lúc giảm 2,3% và rơi trở lại vào xu hướng thị trường đầu cơ giá xuống với mức giảm vài tháng trước đó lên tới khoảng 20%.
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng có lúc mất hơn 500 điểm (hơn 2%). Trong khi Nikkei 225 của Nhật giảm 1,7% ngay đầu buổi sáng. Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm mạnh, các cổ phiếu lớn như Samsung, Hyundai đều đi xuống.
Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ cũng đồng loạt giảm sau khi có tin về kế hoạch đánh thuế hàng Trung Quốc mới.
Tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm mạnh cho dù vừa mới chỉ hồi phục đôi chút sau 14 phiên giảm liên tiếp xuống mức thấp kỷ lục. Tỷ giá USD/NDT tại thị trường Hồng Kông có lúc giảm 0,5% so với chốt phiên phiền liền trước xuống còn 6,6920 NDT đổi 1 USD. Tính từ đầu năm tới nay, NDT đã giảm khoảng 5,3-5,4% so với USSD.
Tại Việt Nam, lực bán tăng mạnh khiến hầu hết các cổ phiếu ngân hàng giảm giá. Chỉ số VN-Index có lúc giảm hơn 25 điêm (-2,7%), trước khi chốt phiên 11/7 giảm gần 18 điểm xuống xa dưới ngưỡng 900 điểm (từ đỉnh cao 1.204 điểm ghi nhận hôm 9/4).
Tình trạng bán tháo trên phạm vi toàn cầu diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại không biết kết cục của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ đi đến đâu. Những cú đánh dồn dập và lời cảnh báo mới của ông Trump khiến thị trường run sợ.
Điều đáng ngại là giới đầu tư chưa thể hình dung được những gì ông Trump có thể sẽ làm và hậu quả của cuộc chiến này sẽ tồi tệ như thế nào. Nhưng theo một khảo sát mới nhất, thì phần lớn các NĐT cho rằng, thế giới hiện nay nguy hiểm hơn so với 2 năm trước đây và niềm tin vào nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm.
Trên thực tế, hàng rào thuế quan mà Nhà Trắng vừa công bố không có hiệu lực ngay lập tức, sẽ phải trải qua quá trình rà soát kéo dài 2 tháng cùng với các cuộc điều trần vào ngày 20-23/08/2018. Tuy nhiên, nó được xem là một phần trong kế hoạch tổng thể mà ông Trump muốn tấn công vào sức mạnh Trung Quốc vào sự nổi lên của Bắc Kinh về kinh tế trên phạm vi toàn cầu, với trọng tâm là chiến lược “Made in China 2025” cũng như ảnh hưởng kinh tế chính trị tại khu vực châu Á.
Giới đầu tư lo ngại
Trong một cuộc họp báo chóng vánh vừa diễn ra chiều 11/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đề cập trực tiếp tới diễn biến mới về cuộc chiến thương mại nhưng gọi những gì đang diễn ra là cuộc chiến giữa quyền lực với luật lệ, giữa chủ nghĩa đơn phương và đa phương.
Trước đó vài giờ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC) và đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả nhằm vào động thái mới nhất của Mỹ.
Đánh giá về những bước đi của Mỹ, một số chuyên gia cho rằng, những động thái của ông Trump có thể là biện pháp để tạo ra lợi thế trong đàm phán thương mại với Trung Quốc, nhằm đáp ứng được mục tiêu “America First” (Nước Mỹ trên hết), trong đó có việc giảm thâm hụt thương mại.
Nhưng phần lớn các đánh giá khác lại cho rằng, điều mà ông Trump đang làm không đơn giản như vậy. Mỹ và Trung có thể bước vào một cuộc chiến kéo dài, gây tổn hại cho cả 2 nền kinh tế cũng như kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu. cũng là điều mà các NĐT trên thế giới lo ngại.
Trên Bloomberg, nhà đầu tư huyền thoại Mark Mobius cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ là màn khởi đầu cho khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn cầu khi mà thế giới sắp chấm dứt thời kỳ tiền giá rẻ. Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn. Ông Trump sẽ không gặp nhiều trở ngại trong quá trình triển khai chính sách thuế quan của mình bởi mục tiêu của ông chủ Nhà Trắng là kéo tiền lương của người lao động Mỹ lên.
Hơn thế, những động thái của ông Trump gần đây cho thấy điều mà ông chủ Nhà Trắng quan tâm có thể không chỉ ở thâm hụt thương mại. Những công ty mà ông Trump nhắm tới đều là những công ty công nghệ, từ ZTE cho đến China Mobile và Huawei.
Cam kết “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) không chỉ là làm giảm thâm hụt thương mại, mà quan trọng là phải làm cho nước Mỹ mạnh hơn ở chính thế mạnh của Mỹ. Đó là công nghệ, sự sáng tạo và 1 đồng USD mạnh.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), trí tuệ nhân tạo (AI), robots thay thế con người… thì công nghệ là số 1, trong đó cộng nghệ 5G tạo ra một cơ sở hạ tầng giúp các nền kinh tế phát triển nhanh hơn bao giờ hết.
Trong chiến lược của mình, Trung Quốc đã không ngần ngại đặt ra tham vọng dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030, và tất nhiên là các công nghệ khác nữa.
Trong một diễn biến gần đây, ông chủ Nhà Trắng Donald Trump đã tung ra một biện pháp mạnh: ngăn chặn bất cứ doanh nghiệp nào có từ 25% cổ phần do Trung Quốc nắm giữ trở lên thâu tóm các công ty công nghệ Mỹ.
Đây là một quyết định rất cứng rắn trong bối cảnh Trung Quốc đang hướng đến một nền kinh tế ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo, cho hoạt động sản xuất mà thường được gọi là “Made in China 2025”. Mà để làm được vậy, Trung Quốc cần thâu tóm nhiều doanh nghiệp công nghệ trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và châu Âu để nắm giữ nhiều phát minh, sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực sản xuất.
IMF cũng vừa cảnh báo về một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng sẽ khiến kinh tế toàn cầu trì trệ trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, với ông Trump, điều đó có thể không quá đáng lo ngại. Nền kinh tế Mỹ vẫn đang phát đi những tín hiệu tốt, đồng USD vẫn là số 1 thế giới, nước Mỹ đang là con nợ nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, nhưng cũng như không nợ. Một khi dòng tiền được kéo về Mỹ, sản xuất tập trung về Mỹ và người Mỹ có thêm việc làm thì những ảnh hưởng từ lạm phát, khủng hoảng trên thế giới có thể cũng không phải là điều mà chính quyền ông Trump lo ngại nhất.