Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thẳng thừng cảnh báo, phản ứng của Nga đối với quyết định của NATO trong việc kết nạp thêm hai thành viên Ukraine và Gruzia sẽ “cực kỳ tiêu cực”.
“Đối với chúng tôi, đó là mối đe dọa trực tiếp và tức thì nhằm vào an ninh quốc gia của chúng tôi…đẩy khối NATO về phía các đường biên giới của chúng tôi sẽ là một mối đe dọa và đương nhiên phản ứng của chúng tôi sẽ cực kỳ tiêu cực”, ông Putin cảnh báo đanh thép.
“Chúng tôi luôn lo ngại kể từ khi NATO liên tiếp bành trướng các cơ sở hạ tầng quân sự và vũ khí về phía chúng tôi đồng thời tăng số lượng quân đóng ở những khu vực mà đáng ra họ không nên ở đó”, Tổng thống Putin cho biết đồng thời nói thêm rằng lực lượng quân sự của NATO đóng ở các khu vực nói trên đã tăng thêm 10.000 người.
“Điều này không phù hợp với các hiệp ước đã ký giữa Nga và NATO. Và đây là một nhân tố gây bất ổn mà chúng tôi phải xem xét. Tuy nhiên, chúng tôi chưa đề cập đến chuyện này với Tổng thống Trump trong ngày hôm nay”, ông Putin cho biết hôm 16/7.
Theo Nhà lãnh đạo Nga, Nga phải “phản ứng với những gì đang diễn ra xung quanh chúng tôi”. “Ví dụ như việc NATO bành trướng sang hướng đông. Khi Liên Xô rút quân ra khỏi Đức, chúng tôi đã được nói rằng Nga nên biết một điều: NATO sẽ không bao giờ bành trướng về phía đông, vượt quá các đường biên giới của Đức. Tuy nhiên, chuyện này cuối cùng đã xảy ra bất chấp lập trường nguyên tắc của chúng tôi. Không ai đếm xỉa gì đến lập trường của chúng tôi”, ông Putin tức giận nói.
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Bucharest cách đây 10 năm, các nhà lãnh đạo NATO đã cam kết sẽ kết nạp Ukraine và Gruzia vào làm thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Việc NATO tăng cường đưa các nước láng giềng xung quanh Nga vào liên minh quân sự của họ là điều “không thể chấp nhận” với Nga. Vì thế, Moscow liên tục kịch liệt phản đối các động thái như vậy.
Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cả hai bên đều có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.
Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.
Quan hệ Nga và NATO tiếp tục leo thang căng thẳng và không có dấu hiệu dừng lại. Diễn biến này làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai thế lực quân sự mạnh nhất thế giới.