Wednesday, May 1, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ chơi rắn, chơi thật với cả đồng minh và kẻ thù?

Mỹ chơi rắn, chơi thật với cả đồng minh và kẻ thù?

Tổng thống Trump thực sự đặt nước Mỹ lên trên hết và khiến cho kẻ thù cũng như bè bạn phải nghiêm túc tính tới các quan điểm của Mỹ.

Sẵn sàng sử dụng vũ lực

Tạp chí The National Interest mới đây có bài viết đánh giá về chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng thứ 45 này đang vấp phải không ít ý kiến ở trong nước.

Theo tạp chí Mỹ, với sự kết hợp đúng đắn giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm đi đôi với ngoại giao, Tổng thống Trump vẫn có thể đạt được những thành công lớn. Sau một năm rưỡi lên cầm quyền, chính sách đối ngoại của ông Trump dường như chắc chắn sẽ thành công, tuy vẫn còn một số thách thức lớn trong cách tiếp cận và thực thi.

The National Interest cho rằng mặc dù công việc vẫn đang được tiến hành, nhưng cách tiếp cận của ông Trump đã phản ánh một số thay đổi “đáng khen ngợi và rất cần thiết”, thực sự đặt nước Mỹ lên trên hết và khiến cho kẻ thù cũng như bè bạn phải xem xét các quan điểm của Mỹ một cách nghiêm túc hơn.

Cách hành xử của Mỹ trên trường quốc tế đã trở nên cứng rắn hơn đến mức đáng chú ý, nhờ vào việc gia tăng đáng kể ngân sách quân sự và sự sẵn sàng có thể chứng minh được trong việc sử dụng vũ lực. Ví dụ được nêu ra là trường hợp ở Syria khi “các giới hạn đỏ” của Tổng thống Trump được khẳng định “đáng tin cậy” hơn của người tiền nhiệm Obama.

Điều đó có nghĩa là, khi ông Trump đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự, thì hầu như không ai sẵn sàng đánh cược rằng tổng thống Mỹ đang “lừa bịp”. Tạp chí Mỹ cho rằng Tổng thống Trump sẵn sàng tiến xa hơn so với người tiền nhiệm Obama khi quyết định rằng các lợi ích quan trọng của Mỹ đang bị đe dọa.

Các cuộc không kích ở Syria hồi tháng 4 được đánh giá là “có giới hạn nhưng hiệu quả về mặt tâm lý”, trong khi việc cung cấp tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine được đánh giá là chứng tỏ ông Trump sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự không chỉ như một phương sách cuối cùng, mà còn như một công cụ chính đáng và thiết yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Dù hành động quân sự mang tới cho Mỹ lợi thế nhưng điều khiến người Mỹ lo lắng là những lục đục nội bộ cũng như những hành động và lời nói thiếu nhất quán của giới chức nước nhà.

My choi ran, choi that voi ca dong minh va ke thu?
Tổng thống Mỹ D. Trump và người đồng cấp Nga V. Putin họp báo chung sau Hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki hôm 16/7

Mặc dù Chiến lược an ninh quốc gia chính thức đã được công bố hồi tháng 12/2017, nhưng chính quyền vẫn chưa có một khuôn khổ chiến lược cố kết vạch rõ các ưu tiên về an ninh quốc gia.

The National Interest chỉ rõ sự lo lắng của người Mỹ khi cho rằng điều nghịch lý là trong khi nhiều nước nhìn nhận Mỹ như một siêu cường bất khả chiến bại, thì nhiều nước khác cũng coi chính quyền này là “được chăng hay chớ”, không có khả năng đánh giá tình hình một cách khách quan, và có khuynh hướng cá nhân hóa quan hệ với các nhà lãnh đạo và các nước khác – ngay cả khi đối phó với các nước lớn khác.

Khuất phục cả đồng minh và kẻ thù

Cũng trong bài viết, The National Interest ca ngợi việc ông Trump thực hiện những hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử của mình, như lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề nhập cư trái phép, đòi hỏi phải có những thỏa thuận thương mại có lợi hơn từ phía các quốc gia khác, bớt chú trọng đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và tránh việc thay đổi chế độ và can thiệp vào chính trị nội bộ của các nước khác.

Mặc dù vẫn chưa có dấu hiệu nào của việc xây dựng một bức tường biên giới do Mexico chi trả và việc Trump lớn tiếng kêu gọi các đối tác thương mại của Mỹ nhượng bộ chưa mang lại kết quả đáng kể, nhưng ông Trump được tạp chí này hoan nghênh vì vẫn tiếp tục “con đường của mình”, bất chấp rất nhiều trở ngại trong nước và quốc tế.

Ông Trump đã buộc thế giới bên ngoài phải chú ý đến mình. Các quốc gia khác, kể cả các thế lực lớn như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nga, và thậm chí là Triều Tiên và Iran, dường như đều sẵn sàng tỏ ra linh hoạt ở mức độ nào đó.

Ví dụ trường hợp của Nga, The National Interest cho rằng các biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng sâu rộng hơn của Tổng thống Trump – tập trung vào các công ty nhà nước giữ vai trò then chốt và các nhân vật quan trọng –bắt đầu khiến Moscow lo lắng và bớt “giả vờ” rằng họ không quan tâm đến sức ép của Mỹ và phương Tây như trước đó.

The National Interest tin rằng việc Tổng thống Trump sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới cũng khiến Nga không còn bất chấp rủi ro gây leo thang căng thẳng với Mỹ ở Syria hay Ukraine.

Ông Trump khi còn là ứng cử viên tranh cử tổng thống

Tạp chí này cũng tin rằng Tổng thống Trump có khả năng phán đoán thực tế nhờ vào trực giác của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xem xét thế giới khi nó có liên quan đến các lợi ích quốc gia của Mỹ.

Ông Trump bắt đầu bằng việc nghi ngờ những nhận định thông thường về các đồng minh và đối thủ của Mỹ và không coi phạm trù nào trong số hai phạm trù này là điều hoàn toàn hiển nhiên. Thay vào đó, ông đặt câu hỏi về những gì đồng minh của Mỹ đang làm cho Mỹ và phí tổn của các liên minh của Mỹ.

Về các đối thủ, ông bắt đầu đưa ra một số câu hỏi rõ ràng nhưng hiếm thấy về việc những nước nào gây ra những vấn đề đáng kể cho Mỹ và những nước nào gây ra ít vấn đề hơn mà có thể dễ dàng giải quyết.

Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà Tổng thống Trump đã châm ngòi cũng được tạp chí Mỹ biện minh vì cho rằng Bắc Kinh đang đưa ra các biện pháp bảo hộ mới nhằm cản trở quyền tiếp cận thị trường của các công ty Mỹ tương đương điều mà các công ty Trung Quốc có được ở Mỹ.

Trong khi đó, câu hỏi “những người châu Âu giàu có” đang hưởng lợi từ hệ thống bảo vệ của Mỹ cũng nhận được các lợi thế thương mại được cho là hợp lý. Mức thuế quan trung bình của Mỹ đối với hàng hóa chỉ là 2,4% trong khi mức thuế trung bình của EU và Canada tương ứng là 3% và 3,1%.

Tạp chí Mỹ đánh giá thấp Nga khi nêu ra chỉ số về GDP và so sánh lực lượng thông thường

Ngay cả việc ông Trump, khi còn là ứng cử viên tổng thống, đã không đưa Nga vào danh sách những thách thức hàng đầu đối với Mỹ cũng được The National Interest đánh giá là đúng. Theo giải thích của tạp chí này thì Nga chỉ có GDP bằng khoảng 10% của Mỹ và các lực lượng thông thường của Nga còn lâu mới sánh được với Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Xuất phát từ tiền đề này, một câu hỏi khác cũng được cho là hợp lý là về vai trò của NATO vốn có mục đích ban đầu là kiềm chế Liên Xô. Nếu người châu Âu lo sợ nước Nga thì tại sao họ lại chi ít như vậy cho quốc phòng so với Mỹ, và tại sao số lượng quốc gia châu Âu sẵn sàng đáp ứng mục tiêu về chi tiêu quốc phòng mà NATO đã tuyên bố ở mức tối thiểu là 2% GDP lại ít như vậy?

Thừa nhận, chính quyền của Tổng thống Trump đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong và ngoài nước, nhưng The National Interest kết luận rằng ông chủ Nhà Trắng có thể thực hiện thành công các mục tiêu của mình, đang khiến cả đồng minh và kẻ thù phải tính tới quan điểm của Mỹ, một khi phát huy được “sức mạnh đặc biệt” của cường quốc vẫn được coi là số một này.

RELATED ARTICLES

Tin mới