Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 17/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 17/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 17/07/2018.

Phủ Tổng thống Philippines tái khẳng định lập trường của Chính phủ trước những chỉ trích nhằm vào chính quyền Tổng thống Duterte liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

Ngày 17/7, The Philippine Star đưa tin, trước kết quả khảo sát gần đây của tổ chức Social Weather Stations (SWS) thực hiện từ ngày 27 – 30/6 tiết lộ ý kiến của đa số người dân Philippines (4/5) quan ngại về phản ứng của Chính phủ trước các hành động hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông, Người Phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Harry Roque đã tái khẳng định lập trường của Chính phủ và đưa ra giải thích rõ ràng về việc giải quyết tranh chấp Biển Đông của Philippines. Ông khẳng định lập trường của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte là kiên quyết không từ bỏ “một tấc lãnh thổ”, đồng thời cho biết chính quyền Tổng thống Duterte luôn đưa ra hành động “một cách nhanh chóng” dù “không công khai” tất cả những biện pháp đối phó trước mọi hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Philippines của Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông Roque nhấn mạnh rằng Tổng thống Duterte sẽ không gây ra căng thẳng với phía Trung Quốc khi giải quyết vấn đề Biển Đông bởi điều đó sẽ không có lợi cho quan hệ giữa hai nước.

Theo kết quả của SWS, có 81% người dân Philippines không muốn Chính phủ “ngồi im trước các cơ sở hạ tầng và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông”, 74% ý kiến muốn Chính phủ đưa vấn đề Biển Đông ra các tổ chức quốc tế , 73% muốn “các cuộc đàm phán song phương trực tiếp giữa Philippines và Trung Quốc” trong khi đó 68% người dân lại tin rằng Chính phủ cần tham vấn các quốc gia khác trong việc giải quyết vấn đề này.

Các cuộc diễn tập hải quân trên Biển Đông gia tăng trong năm 2018 bắt đầu khiến Trung Quốc lo ngại

Ngày 16/7, VOA News đăng bài viết “Các cuộc diễn tập hải quân trên Biển Đông gia tăng trong năm 2018 khiến Trung Quốc lo ngại” của nhà báo Ralph Jennings. Trong bài viết, tác giả cho hay một số chuyên gia đã có nhận định rằng sự gia tăng các hoạt động diễn tập hải quân của các nước phương Tây ở Biển Đông trong năm 2018 đang có tác dụng kiềm chế tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực này.

Theo Alan Chong, Phó Giáo sư Đại học S. Rajaratnam, Singapore, “Trung Quốc sẽ đưa ra những phản đối đầy giận dữ để cảnh cáo, song thực tế là hải quân các nước vẫn duy trì hoạt động của mình bất chấp những cảnh cáo này của Trung Quốc, và điều này đang thách thức Bắc Kinh”.

Ông Carl Thayer, Giáo sư Đại học New South Wales, Úc cho rằng, thời lượng của các cuộc diễn tập hải quân trên Biển Đông trong thời gian qua đã đạt đến một mức cao trong năm 2018: hải quân Mỹ đã đưa tàu vào Biển Đông 8 lần trong vòng 18 tháng, đưa 2 máy bay ném bom B-52 tháng trước; trong tháng 4, hải quân Úc đưa 3 tàu đi qua Biển Đông; Nhật Bản dự kiến tiếp tục đưa tàu sân bay lớp Izumo đi qua Biển Đông sau chuyến hải trình tương tự trong năm 2017… Theo ông Carl Thayer, những thông tin liên quan đến việc Trung Quốc triển khai các tên lửa tới Trường Sa hồi tháng 5 đã gây ra nhiều lo ngại cho hải quân các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng khẳng định rằng hoạt động của hải quân các nước trên Biển Đông đang góp phần kiềm chế việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc hay những hành động khác của nước này khiến các bên tranh chấp khác ở Biển Đông lo ngại. Ông Chong cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc đang tích cực xây dựng quan hệ kinh tế để “lấy lòng” các bên tranh chấp khác, việc đưa ra quá nhiều phản ứng trước hải quân các nước sẽ ảnh hưởng tiêu cực dến những cam kết của Trung Quốc về hình ảnh “người láng giềng tốt bụng” trong khu vực Châu Á.

Trung Quốc và EU kêu gọi đối thoại và giải quyết hoà bình tranh chấp ở Biển Đông

Ngày 17/7, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, ngày 16/7, lãnh đạo Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) đã có cuộc gặp tại Hội nghị thường niên Trung Quốc – EU được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc, chỉ vài giờ trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan. Tại đây, hai bên đã kêu gọi đối thoại và giải quyết hoà bình các trnah chấp trên Biển Đông. Trước đó, vào tháng 4, ông Francois Rivasseau, đặc trách chính sách an ninh của EU đã khẳng định rằng EU sẽ là một “trung gian hoà giải đáng tin cậy” trong tranh chấp Biển Đông nhưng không phủ nhận khả năng các nước Châu Âu sẽ tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông trong tương lai.

Philippines và Úc tiến hành diễn tập trên biển chung ở Palawan

Trang Inquirer đưa tin, ngày 16/7, Philippines và Úc đã tổ chức diễn tập trên biển chung kéo dài 10 ngày tại các vùng biển tiếp giáp với Biển Đông nhằm đối phó với các nguy cơ bắt cóc và khủng bố. Theo ông Cheryl Tindog, Người Phát ngôn Bộ Tư lệnh miền Tây, hải quân Philippines cho hay hoạt động diễn tập chung này là nhằm tăng cường huấn luyện, phối hợp và hợp tác giữa Hải quân Philippines và Hải quân Hoàng gia Úc (RAN) nhằm giải quyết vấn đề khủng bố và các hoạt động bắt cóc trong phạm vi các vùng biển của Palawan vốn là quan tâm chung của cả hai nước. Inquirer cho biết đảo Palawan của Philippines nằm gần Biển Sulu, nơi thường xuyên diễn ra các vụ cướp biển và bắt cóc người. Ông cho biết, trong 10 ngày tới, cuộc diễn tập sẽ gồm các hoạt động: diễn tập phối hợp trên hệ thống liên lạc trên biển, huấn luyện trên tàu, trinh sát và tìm kiếm, cứu nạn.

Tham gia cuộc diễn tập gồm có các tàu hải quân của Úc là HMAS Ararat và HMAS Wollonggong, các tàu của Philippines là BRP Simeon Castro (PC 374) và BRP Ramon Alcaraz (FF 16).

RELATED ARTICLES

Tin mới