Trung Quốc quyết định đầu tư khoảng 600 triệu Nhân dân tệ (hơn 2.000 tỷ đồng) vào cơ sở hạ tầng của Triều Tiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này đang vi phạm nghị quyết trừng phạt kinh tế Triều Tiên của Liên Hợp Quốc.
Cầu nối Triều Tiên – Trung Quốc qua sông Áp Lục. (Ảnh: NDTV)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Triều Tiên từ cuối năm 2018, Kyodo News dẫn các nguồn tin từ cả Trung Quốc và Triều Tiên cho biết. Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang thắt chặt mối quan hệ hợp tác kinh tế trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, điều này dấy lên lo ngại sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc đang vi phạm các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của LHQ vì sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Theo Kyodo, trong khi chuẩn bị phân phối khoản đầu tư, Trung Quốc dự định sẽ đàm phán với các nước thành viên Hội đồng bảo an LHQ hướng tới giảm nhẹ cấm vận kinh tế với Triều Tiên, khi Bình Nhưỡng đã cam kết thực hiện phi hạt nhân hóa.
Theo Kyodo, cây cầu mới bắc qua sông Yalu (Áp Lục) từ thành phố Đan Đông, Liêu Ninh sang Ryongchon, Triều Tiên được hoàn thành năm 2014 sau 4 năm xây dựng.
Tuy nhiên những con đường nối với cây cầu bên lãnh thổ Triều Tiên vẫn chưa được phát triển, nên cầu chưa được đưa vào khai thác, trong khi khoảng 70% hoạt động thương mại Trung Quốc – Triều Tiên được cho là đi qua Đan Đông.
Đầu tháng 7/2018, giới chức tỉnh Liêu Ninh quyết định thành lập một dự án hỗ trợ xây dựng các con đường này và đã được chính quyền trung ương Trung Quốc phê duyệt.
Từ tháng 3/2018, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng được tăng cường đáng kể khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Trung Quốc đàm phán với Chủ tịch Tập Cận Bình không dưới 3 lần. Trong các cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo trao đổi về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và hỗ trợ kinh tế.
Ông Kim được cho là cam kết sẽ xây dựng một “nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh”. Ông cũng thường xuyên đi thị sát khu vực biên giới Trung – Triều.
Cuối năm 2017, Trung Quốc cũng ủng hộ các lệnh trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng, phản đối thử nghiệm hạt nhân vì lo ngại phơi nhiễm phóng xạ và an ninh biên giới. Điều này khiến khối lượng giao dịch thương mại giữa hai bên giảm mạnh.
Tuy nhiên với mối quan hệ kinh tế được thúc đẩy như hiện nay, hai bên có khả năng khôi phục các hoạt động thương mại nhanh chóng trong thời gian tới, các chuyên gia của tờ Kyodo nhận định.