Thursday, November 28, 2024
Trang chủĐiểm tinGặp lúc khốn cùng, Nga có thể phải hạ mình mượn tàu...

Gặp lúc khốn cùng, Nga có thể phải hạ mình mượn tàu sân bay Liêu Ninh của TQ

Tàu sân bay độc nhất của Nga – Đô đốc Kuznetsov – được đưa về cảng sửa chữa và cần ít nhất 3 năm để hoàn thành buộc Moscow phải tìm phương án huấn luyện thay thế.

Tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Reuters

Ngày 21/7, tạp chí National Interest (NI-Mỹ) đưa tin, kế hoạch tập luyện của phi công tàu sân bay Nga sẽ gặp ảnh hưởng do tàu sân bay duy nhất của nước này Kuznetsov được đưa về cảng sửa chữa. Quá trình đại tu tàu sân bay độc nhất của Nga cần ít nhất 3 năm để hoàn thành.

Theo NI, trước bối cảnh trên, một chuyên gia Nga đưa ra kiến nghị, phi công tàu sân bay Nga có thể tham gia công tác huấn luyện hạ cất cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia Trung Quốc cho rằng, điều này không dễ dàng, bởi ngoài các yếu tố kỹ thuật và mức độ tin tưởng quân sự lẫn nhau giữa hai nước, còn phụ thuộc vào việc Bắc Kinh có đủ thời gian cho Moscow mượn tàu hay không.

Phi công Nga thiếu tàu huấn luyện

NI nhận định, hạ cánh trên tàu sân bay là một “kỹ năng dễ bị mai một” nên nếu không tìm được giải pháp thay thế, đến năm 2021 hoặc 2022 – thời điểm tàu sân bay Kuznetsov trở lại hoạt động theo dự kiến – hải quân Nga rất có thể sẽ thui chột kỹ năng này.

Đại diện điện Kremlin hy vọng, các phi công trên tàu sân bay sẽ có thể tham gia huấn luyện tại trung tâm huấn luyện phi công hải quân Nitka ở Crimea, để duy trì các kỹ năng cơ bản của phi công hải quân Nga. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, phương pháp đào tạo này không hiệu quả bằng việc huấn luyện trên một tàu sân bay thực sự.

Ông Vladimir Tuchkov – phóng viên quân sự Nga cho rằng, nếu trong 5 năm tới, phi công hải quân Nga không thể cất cánh từ boong tàu sân bay thì bất kỳ kỹ năng nào của các phi công này đều sẽ bị thui chột, dù họ có sử dụng cơ sở đào tạo mô phỏng Nitka hay không.

“Thực tế là ngay cả theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, việc sửa chữa và hiện đại hóa Kuznetsov có thể sẽ bị trì hoãn, thậm chí cho đến giữa thập kỷ tới”, Tuchkov cho rằng kế hoạch hiện đại hóa Kuznetsov sẽ bị chậm trễ do công suất của nhà máy đóng tàu Nga.

Điều này có nghĩa rằng Nga sẽ phải tìm một số phương án khác để đào tạo phi công tàu sân bay. Theo Tuchkov, giải pháp khả quan nhất là Điện Kremlin cần đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh, giúp các phi công Nga có cơ hội huấn luyện trên tàu Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc.

Vấn đề kỹ thuật

Theo NI, điều này có lợi cho cả hai phía, tạo cơ hội cho các phi công hải quân Nga và Trung Quốc học hỏi lẫn nhau và chia sẻ chiến thuật, kỹ thuật bởi tàu Liêu Ninh chủ yếu được sử dụng như một cơ sở đào tạo.

Đặc biệt, điều này có lợi cho Trung Quốc khi tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này – được cho có tên là Sơn Đông – đang trong giai đoạn hình thành khả năng tác chiến.

Trên thực tế, phương án này đã có tiền lệ ở các nước phương Tây. Ví dụ, do tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp được tiến hành đại tư từ năm ngoái, Mỹ đã cho phép phi công Pháp tham gia đào tạo trên các tàu sân bay Mỹ.

Vào tháng Ba năm nay, Hải quân Pháp bắt đầu gửi các phi công và trang thiết bị mặt đất tới các sân bay và mẫu hạm Mỹ. Trong cuộc diễn tập liên hợp với hải quân Mỹ hồi tháng 5 vừa qua, chiến đấu cơ Dassault Rafale của Pháp đã đổ bộ xuống tàu sân bay George H. W. Bush lớp Nimitz.

Trả lời Thời báo Hoàn cầu, một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, việc tàu sân bay duy nhất về cảng sửa chữa sẽ thực sự gây khó khăn lớn trong công tác duy trì hiệu quả chiến đấu của phi công Nga, đặc biệt là duy trì chất lượng động cơ con tàu.

Chuyên gia này chỉ ra, tàu sân bay Liêu Ninh là phiên bản cải tạo trên cơ sở tàu sân bay Varyag thuộc lớp Kuznetsov của Nga nên phần lớn kết cấu đều giống mẫu hạm Nga. Trong khi đó, J-15 của Trung Quốc và Su-33 của Nga cũng có mối liên hệ nhất định nên đây sẽ là điểm thuận lợi cho chiến đấu cơ Nga đổ bộ xuống mẫu hạm của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, tàu sân bay và chiến đấu cơ của hai nước cũng có điểm khác biệt nhất định, vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật cần được giải quyết nếu chiến đấu cơ Nga cất hạ cánh trên tàu sân bay Trung Quốc.

Ví dụ, thiết bị của J-15 phù hợp với các thiết bị sẵn có trên tàu Liêu Ninh – đều theo tiêu chuẩn Trung Quốc nhưng khả năng tương thích giữa Su-33 và MiG-29K của Nga với tàu sân bay Liêu Ninh cần thời gian kiểm chứng.

Ngoài ra, thói quen, kỹ năng điều khiển các chiến đấu cơ đổ bổ xuống tàu sân bay của phi công hai nước cũng khác biệt.

Bên cạnh đó, công tác hậu cần, hỗ trợ kỹ thuật, chỉ huy, khẩu lệnh… thiếu sự tương đồng, đặc biệt là rào cản ngôn ngữ. Điều này tác động không nhỏ đối với các thao tác trong hoạt động hàng không mẫu hạm vốn đòi hỏi độ chính xác cao.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Trung Quốc, những trở ngại này đều có thể giải quyết được.

Thử nghiệm “sự cởi mở” của Trung Quốc?

NI cho rằng, quan điểm của chuyên gia Nga Tuchkov khá sát thực tế nhưng vấn đề khó nhất lại nằm ở thái độ của Bắc Kinh.

“Do Nga và Trung Quốc càng ngày càng thân thiết hơn về mặt địa chính trị nên có khả năng Bắc Kinh đồng ý cho phi công Nga huấn luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh. Tuy nhiên khả năng đạt thỏa thuận vẫn còn xa vời”, ông Tuchkov viết.

Trong khi đó, chuyên gia Trung Quốc cho rằng đề xuất hiện tại chỉ là tiếng nói của chuyên gia Nga và điện Kremlin vẫn chưa đưa ra yêu cầu này.

Chuyên gia Trung Quốc đã đưa ra một số nhận định về đề nghị của chuyên gia Nga.

Theo ông này, thứ nhất, đây là thử nghiệm đầu tiên về tính cởi mở của người Nga. Nếu tham gia huấn luyện trên tàu Liêu Ninh, các phi công Nga buộc phải tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc, chấp nhận sự đánh giá của Trung Quốc, thay vì chỉ đơn giản là “thuê” boong tàu Trung Quốc.

“Nga – vốn là nước luôn theo đuổi vị trí đứng đầu trong các hợp tác quân sự – cần chấp nhận thực tế này đầu tiên”, Hoàn cầu dẫn lời chuyên gia.

Thứ hai, Trung Quốc cần xem xét các vấn đề rủi ro. Bởi trong quá trình tác chiến ở Syria, hai máy bay trên tàu sân bay Nga đã bị rơi trong chưa đầy 1 tháng, chưa kể trình độ cất hạ cánh của phi công Nga cũng cần được quan sát.

Nếu phía Nga phát sinh sự cố trong quá trình đào tạo sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch huấn luyện của tàu sân bay của Trung Quốc, điều này “lợi bất cập hại” đối với Bắc Kinh.

Thứ ba, cũng là vấn đề quan trọng nhất: vấn đề tài nguyên huấn luyện của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc chỉ có tàu sân bay Liêu Ninh là mẫu hạm hàng không chính thức thuộc biên chế trong khi tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này đã bắt đầu chạy thử nghiệm, sắp được chuyển giao cho lực lượng hải quân nên kỳ vọng sản xuất tàu sân bay cũng vì thế tăng cao.

Điều này đòi hỏi Trung Quốc cần đào tạo lượng lớn phi công điều khiển máy bay trên tàu sân bay. Nhiệm vụ quan trọng của tàu Liêu Ninh và tàu sân bay kia chắc chắn chính là phục vụ công tác huấn luyện phi công của lực lượng hải quân.

Đây cũng là nhiệm vụ cấp bách nên Trung Quốc có đủ thời gian hỗ trợ phi công Nga hay không cũng cần xem xét.

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nhu cầu hiện tại của phía Nga không quá cấp bách do tàu sân bay nước này phải sửa chữa trong vài năm.

Ông này đưa ra kiến nghị, trong thời gian này, phi công Nga không cần huấn luyện trên tàu, thay vào đó, họ có thể tiến hành các khóa học khác, đợi khi tàu sân bay được sửa chữa hoàn thành, hải quân Nga tái huấn luyện trên tàu sân bay cũng “chưa muộn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới