Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hồi cuối tuần vừa rồi tiếp tục lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc không tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào những quốc gia mua vũ khí từ Nga.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ lo ngại các biện pháp trừng phạt của họ, đặc biệt trong trường hợp với Ấn Độ và những đồng minh châu Á khác, có thể sẽ gây đe dọa đến mối quan hệ hữu nghị, thân thiện mà Mỹ đã nỗ lực thiết lập trong thời gian qua.
Ấn Độ – nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, đã mua các vũ khí hạng nặng của Nga trong nhiều thập kỷ và đang trong quá trình đàm phán với Moscow để mua những hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa tối tân S-400.
Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA) hồi mùa hè năm ngoái để đáp trả các cáo buộc về việc Nga tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ năm 2016. Ông Trump đã ký thành luật vào ngày 2/8/2017. Theo CAATSA, bất kỳ thực thể nào làm ăn với ngành quốc phòng tư nhân, nhà nước, bán nhà nước hay ngành tình báo của Nga đều phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt về kinh tế.
Nếu thực hiện theo đúng CAATSA, nhiều đồng minh, đối tác thân thiết của Mỹ sẽ phải hứng chịu sự trừng phạt khi họ đã và đang tìm cách mua được những hệ thống vũ khí thiện chiến và tối tân của Nga.
“Nga nên gánh chịu hậu quả cho các hành vi hung hăng, gây bất ổn và sự chiếm đóng bất hợp pháp Ukraine”, Bộ trưởng Mattis phát biểu trong một tuyên bố vừa được phát đi.
“Tuy nhiên, khi chúng ta khiến họ phải trả giá xứng đáng và cần thiết cho những hành vi xấu của họ thì việc Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ được cấp thẩm quyền có thể hủy bỏ việc áp dụng biện pháp trừng phạt CAATSA với một số đối tượng nhất định nào đó là cần thiết”, ông Mattis nhấn mạnh.
Theo lời ông Mattis, việc hủy bỏ biện pháp trừng phạt theo CAATSA trong những trường hợp thích hợp cho phép “các nước thiết lập một mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ khi họ tiến dần tới việc thay đổi từ vị thế phụ thuộc vào thiết bị vũ khí quân sự của Nga”. Bộ trưởng Mattis vừa có chuyến thăm đến Ấn Độ hồi năm ngoái.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis từng nói rằng, cần phải thêm vào Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) điều khoản về “những trường hợp ngoại lệ liên quan đến an ninh quốc gia”. Ông Mattis lập luận rằng, việc Mỹ tránh các cuộc xung đột với đồng minh liên quan đến vấn đề mua vũ khí của Nga là lợi ích lâu dài của nước Mỹ.
Washington đang rất không vui trước việc nhiều đồng minh và đối tác của họ muốn mua S-400 của Nga, trong đó có các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Qatar, Ả-rập Xê-út….
Mỹ đã tung ra không ít lời đe dọa khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết liệt theo đuổi hợp đồng mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang có động thái vận động một lập trường dịu nhẹ đối với việc các đồng minh mua vũ khí của Nga cho thấy Mỹ lo ngại viễn cảnh phá hỏng các mối quan hệ đồng minh, đối tác mà họ đã dày công xây dựng vì những hợp đồng S-400.
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.