Mỹ lại khiến một đồng minh thân thiết hàng đầu nữa của họ rơi vào trạng thái choáng váng, “chết lặng” vì hành động được coi là “phản bội lại niềm tin”.
Sau khi phá vỡ ảo tưởng về mối quan hệ với Mỹ được xây dựng dựa trên sự tin tưởng chung của các nước như Brazil và một loạt đồng minh Châu Âu, Đức và Pháp, WikiLeaks hồi cuối tuần trước lại quay sang phơi bày những hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ ở Châu Á. Trong một thông cáo báo chí được phát đi hồi cuối tuần trước, website của WikiLeaks đã tiết lộ một thông tin gây sốc về “Mục tiêu Tokyo”. Đó là một bản danh sách gồm 35 mục tiêu “tối mật” của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
Danh sách trên bao gồm một loạt quan chức thuộc nội các Nhật Bản, các công ty và ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản cũng như bộ phận khí đốt tự nhiên của Mitsubishi và đơn vị xăng dầu của Mitsui. Thông tin được tiết lộ còn bao gồm cả nội dung Mỹ chặn được từ Nhật Bản về “chiến lược biến đổi khí hậu nhạy cảm” và “nội dung của một cuộc họp mật của Thủ tướng Abe tại nơi ở chính thức của Nhà lãnh đạo Nhật Bản”, WikiLeaks cho hay.
“Bài học cho Nhật Bản là: đừng mong một siêu cường về do thám toàn cầu hành xử với sự tôn trọng hay danh dự. Chỉ có một luật lệ ở đây: đó là chẳng có luật lệ hay nguyên tắc gì cả”, ông Julian Assange – Tổng Biên tập của tờ WikiLeaks, đã thẳng thừng nói như vậy tại cuộc họp báo.
Nhật Bản là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hai nước hợp tác chặt chẽ với nhau về thương mại và quốc phòng. Tuy nhiên, theo WikiLeaks, một số thông tin mà Mỹ do thám được từ đồng minh Nhật Bản đã được chuyển sang cho Australia, New Zealand, Canada và Anh – những thành viên của liên minh tình báo “Năm Mắt”.
Nếu những cáo buộc trên của WikiLeaks được xác nhận là chính xác thì Tokyo chắc hẳn sẽ không khỏi cảm thấy choáng váng và bị xúc phạm khi bị chính đồng minh lớn nhất, thân thiết nhất của họ “phản bội lại niềm tin”. Được biết, hoạt động do thám mà Mỹ tiến hành với Nhật Bản kéo dài từ năm 2006, hãng tin Kyodo dẫn lời các nguồn tin trong chính phủ Nhật Bản cho biết.
Phản ứng đầu tiên của Nhật Bản
Tokyo ngày hôm qua (3/8) đã miêu tả thông tin về việc Washington do thám các chính khách cũng như những công ty lớn của họ là “điều đặc biệt đáng tiếc”. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của Nhật Bản trước tiết lộ chấn động từ WikiLeaks.
“Tôi sẽ kiềm chế không bình luận. Nhưng nếu thực sự điều đó là đúng, với tư cách là một đồng minh, đây sẽ là điều vô cùng đáng tiếc”, phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản – ông Yoshihide Suga đã cho biết như vậy tại một cuộc họp báo định kỳ.
Theo lời ông Suga, Tokyo đang xác minh thông tin mà WikiLeaks tiết lộ từ phía Mỹ.
Nhật Bản là một trong những đồng minh then chốt của Washington ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và hai nước thường xuyên tham vấn với nhau về các vấn đề kinh tế, thương mại và quốc phòng.
“Chúng tôi đang yêu cầu giám đốc cơ quan tình báo Mỹ Clapper xác nhận thông tin”, ông Suga nói, ám chỉ đến Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper.
Những cáo buộc về việc Washington do thám các quan chức thương mại của Nhật Bản trong số nhiều giới chức khác được đưa ra đúng thời điểm các phái đoàn đàm phán về một hiệp định thương mại tự do rộng lớn mang tên Đối tác Xuyên Thái Bình Dương không đạt được thỏa thuận cuối cùng sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng ở Hawaii.
Mỹ và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn nhất trong các cuộc đàm phán giữa 12 quốc gia, nhưng họ lại đang cãi nhau về một loạt vấn đề quan trọng, trong đó có việc tiếp cận ngành công nghiệp ô tô cũng như việc mở cửa các thị trường nông nghiệp được bảo hộ của Nhật Bản.
WikiLeaks cho hay, Mỹ đã chặn được những “thông tin mật trong những cuộc họp nội bộ của Nhật Bản” về các vấn đề thương mại, chính sách hạt nhân và mối quan hệ ngoại giao giữa Tokyo với Washington.
“Những thông tin nói trên cho thấy được mức độ do thám rất sâu của Mỹ vào chính phủ Nhật Bản. Mỹ đã thu thập và xử lý hàng loạt thông tin mật từ các bộ ngành và văn phòng của chính phủ Nhật Bản”, WikiLeaks cho hay.
Thủ tướng Shinzo Abe dường như không phải là mục tiêu trực tiếp bị Mỹ nghe lén điện thoại nhưng các chính khác cấp cao khác như Bộ trưởng Thương mại Yoichi Miyazawa, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda, đều là nạn nhân của hoạt động tình báo của Mỹ.
Nhật Bản chắc chắn sẽ nổi giận với Mỹ về scandal liên quan đến hoạt động do thám nói trên. Tuy nhiên, vụ việc này “không thể gây ảnh hưởng lớn đến “cốt lõi” của liên minh Mỹ-Nhật Bản”, ông Yoshinobu Yamamoto – một giáo sư chuyên nghiên cứu về chính trị quốc tế ở trường Đại học Niigata đã đưa ra nhận định như vậy.
Thông tin về việc Mỹ do thám Nhật Bản đã làm trầm trọng thêm scandal do thám đồng minh của siêu cường số 1 thế giới. Nhà Trắng năm 2013 đã phải đối mặt với cơn thịnh nộ của các nhà lãnh đạo Châu Âu khi tờ The Guardian của Anh đưa tin, tờ báo này đã có trong tay một tài liệu mật trong đó tiết lộ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã giám sát, theo dõi các cuộc liên lạc của 35 nhà lãnh đạo trên thế giới năm 2006.