Thursday, October 24, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 03/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 03/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 03/08/2018.

Thông cáo chung Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 51 nêu đậm vấn đề Biển Đông

Trang Channel News Asia đưa tin, ngày 2/8, tại Singapore đã diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 51 (AMM). Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng ra Thông cáo chung của Hội nghị, khẳng định sẽ tiếp tục duy trì những nỗ lực nhằm xây dựng một ASEAN tự cường và sáng tạo, xây dựng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, thông qua các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt, vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN trong bối cảnh có những thay đổi nhanh chóng ở trong và ngoài khu vực Đông Nam Á. Trong Thông cáo chung, các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, cũng như việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, trong đó có việc tuân thủ đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được ghi nhận rộng rãi, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã hoan nghênh cuộc diễn tập trên biển chung giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2018 nhằm thúc đẩy lòng tin giữa hải quân hai bên. Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, ghi nhận lợi ích của việc đảm bảo Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Các Bộ trưởng cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); đồng thời hoan nghênh những nỗ lực hợp tác ngày càng tích cực giữa ASEAN và Trung Quốc, bày tỏ hài lòng trước những tiến triển đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả theo một lịch trình thống nhất. Các Bộ trưởng cũng lưu ý rằng các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc dã nhất trí thông qua Dự thảo duy nhất về văn kiện đàm phán COC tại Hội nghị Các quan chức cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15 về việc triển khai DOC tại Changsha (Trường Sa), Trung Quốc ngày 27/6/2018. Liên quan đến vấn đề này, các Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc duy trì môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán về COC; hoan nghênh các biện pháp thiết thực giúp hạ nhiệt căng thẳng và hạn chế rủi ro xảy ra các sự cố, hiểu lầm và tính toán sai lầm, chẳng hạn như việc thử nghiệm thành công đường dây nóng theo kênh ngoại giao giữa các nước ASEAN và Trung Quốc nhằm giải quyết các trường hợp khẩn cấp trên biển ở Biển Đông và việc triển khai Tuyên bố chung về việc Áp dụng Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) ở Biển Đông được thông qua ngày 7/9/2016. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa nhằm thúc đẩy sự tin cậy giữa các bên. Các Bộ trưởng cũng bày tỏ sự lo ngại về hành động xây dựng đảo, đá và một số hoạt động ở khu vực gây xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể gây tổn hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Bên cạnh đó, Bộ trưởng các nước ASEAN tái khẳng định sự cần thiết của việc thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện tự kiềm chế khi tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp tình hình, đồng thời giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý về tầm quan trọng của việc thực hiện tự kiềm chế và phi quân sự hóa khi các bên tranh chấp và các nước khác tiến hành các hoạt động, bao gồm các hoạt động được nêu trong DOC có thể khiến tình hình trở nên phức tạp và căng thẳng leo thang ở Biển Đông.

Thông cáo chung cũng ghi nhận những kết quả tích cực trong hợp tác biển giữa các nước thành viên ASEAN, trong đó bao gồm các cuộc đối thoại mang tính xây dựng về các vấn đề cùng quan tâm và cùng chung lợi ích, các lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, an ninh, an toàn hàng hải, nhận thức biển, bảo vệ môi trường biển trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ADMM và ADMM+…, các nghiên cứu chung về bảo tồn và sử dụng bền vững biển cũng như tài nguyên biển phù hợp với Mục tiêu Phát triển thứ 2, thứ 13 và thứ 14 của Liên Hợp Quốc. Các Bộ trưởng kêu gọi những nỗ lực hợp tác lớn hơn nữa giữa các cơ quan liên ngành của ASEAN và các cơ chế liên quan khác của ASEAN như ARF, ADMM+… nhằm thúc đẩy hợp tác biển ở khu vực. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng lưu ý tới những thách thức trong hoạt động đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được quy định (IUU Fishing) ở khu vực đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Các Bộ trưởng cam kết sẽ mở rộng hợp tác khu vực nhằm giải quyết vấn đề này, thông qua việc ủng hộ việc triển khai hiệu quả các quy định và các công cụ của luật pháp quốc tế có liên quan. Thông cáo chung cho biết các cơ chế do ASEAN dẫn dắt đã có những sáng kiến nhằm trao đổi và giải quyết những thách thức liên quan đến IUU Fishing.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore: Dự thảo duy nhất về nội dung đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) “sẽ là một văn kiện sống và tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán COC”

Ngày 2/8, trang Channel News Asia đưa tin, phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 51, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định Dự thảo duy nhất về nội dung đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) được đạt được nhất trí bởi Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc “sẽ là một văn kiện sống và tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán COC”. Xác nhận rằng các bên cũng đã nhất trí về “các phương thức then chốt” cho các cuộc đàm phán trong tương lai, ông cho rằng việc các bên nhất trí về Dự thảo duy nhất này không có nghĩa rằng các cuộc đàm phán đã kết thúc, hay các yêu sách lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông đã được giải quyết vì COC “không nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ”. Ông Balakrishnan cũng lưu ý rằng, sẽ là quá sớm để đặt ra thời hạn cho các cuộc đàm phán về COC bởi còn liên quan tới tình hình đang diễn biến nhanh chóng; và sẽ là tốt hơn nếu các bên “đảm bảo tính linh hoạt để các cuộc đàm phán không đi vào bế tắc”. Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng đồng thuận sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán COC nhưng các nhà quan sát khu vực và quốc tế vẫn tỏ ra hoài nghi về thực chất tiến triển của các cuộc đàm phán này. Giới quan sát nhận định, sự nhất trí vừa qua cho thấy Trung Quốc và ASEAN có thể đạt được tiến triển thông qua đàm phán dù căng thẳng khu vực đang gia tăng, song cũng quan ngại rằng có thể sẽ phải mất một thời gian dài để có thể đi đến văn kiện cuối cùng. Collin Koh, một chuyên gia về an ninh biển thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cảnh báo rằng những tiến triển về COC cũng có thể có lợi cho Trung Quốc, giúp nước này khẳng định mong muốn duy trì hòa bình và ổn định của mình nhưng đồng thời cũng nhằm loại bỏ sự can thiệp của các nước ngoài khu vực vào Biển Đông.

Trung Quốc và ASEAN khởi động diễn tập chung trên biển

Ngày 3/8, Nikkei đưa tin, ngày 2/8, Hải quân Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đã bắt đầu các cuộc tập trận trên biển tại căn cứ hải quân Changi, Singapore, chủ yếu tập trung vào các cuộc phối hợp trong các trường hợp xảy ra sự cố trên biển và dự kiến sẽ được thực hiện với các cuộc tập trận thực tế ở vùng biển gần Trung Quốc vào tháng 10. Đại tá Lim Yu Chuan, Hải quân Singapore khẳng định “Cuộc diễn tập này đem lại những cơ hội rất tốt để hải quân ASEAN và Trung Quốc làm việc cùng nhau dựa trên Bộ Quy tắc Tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES)”. Ông nói thêm: “Thông qua các hoạt động này, chúng tôi đã tăng cường sự hiểu biết giữa những người tham gia hải quân và tăng cường khả năng làm việc cùng nhau trên biển trong các hoạt động”. Đại úy Liang Zhijia của Hải quân Trung Quốc cho biết hoạt động này là một “biện pháp thực tế nhằm thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình về các nguyên tắc chân thành, cùng có lợi trong ngoại giao láng giềng cũng như xây dựng với ASEAN một cộng đồng cùng chung lợi ích”. Ông cũng cho rằng: “Cuộc diễn tập này có lợi cho việc thúc đẩy giao lưu quân sự và hợp tác giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN, nghiên cứu và tìm kiếm các cơ chế ứng phó cũng như thúc đẩy hoạt động tìm kiếm và cứu nạn chung của Trung Quốc và hải quân ASEAN”.

Cuộc diễn tập chung giữa ASEAN và Trung Quốc có sự tham gia của hơn 40 sĩ quan hải quân và quân đội khác từ 11 quốc gia.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, ông Arsenio Andolong đã khẳng định với hãng tin Kyodo News rằng “sẽ không có cuộc diễn tập nào được thực hiện trong các khu vực tranh chấp”.

Khi được hỏi liệu cuộc diễn tập này có thể được áp dụng trong các sự cố thực tế diễn ra tại Biển Đông hay không, ông Lim cho rằng có thể hỗ trợ tất cả các tàu gặp sự cố tại “bất kỳ địa điểm nào”, khẳng định các bên có thể hợp tác cùng nhau để đối phó với các sự cố trên biển.

Ông Collin Koh, một chuyên gia về an ninh hàng hải của Singapore, cho rằng trong cuộc diễn tập này không có gì nhạy cảm về mặt chính trị mà chỉ đơn thuần mang tính biểu tượng, thể hiện cách tiếp cận theo hướng nhân đạo, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng lòng tin và bắt đầu một thông lệ về hợp tác đa phương ở Biển Đông”. Bên cạnh đó, ông nhận định, sẽ phải mất một thời gian để đi tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vì vậy, trong ngắn hạn và dài hạn, các biện pháp thực tiễn như tiến hành diễn tập chung sẽ giúp giải quyết các trường hợp khẩn cấp trên biển và giảm thiểu các sự cố hàng hải”

Tàu tấn công đổ bộ của Anh tới Nhật Bản

Tờ Asahi Shimbun đưa tin, ngày 3/8, tàu sân bay tấn công đổ bộ của Hải quân Anh HMS Albion đã đến Tokyo, Nhật Bản để mở rộng sự hiện diện hải quân của Anh trong vùng biển gần Nhật Bản (lên đến 4 tháng) trong những nỗ lực của Anh nhằm tăng cường quan hệ quân sự với các nước trong một khu vực và làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh sâu với Nhật Bản. Trong khi đó, đồng minh của Hoa Kỳ, Nhật Bản đại diện cho sự đối trọng mạnh nhất về ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực cũng như tham vọng kiểm soát ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Biển Đông. Nhật Bản về phần mình cũng muốn hợp tác nhiều hơn với các đồng minh tiềm năng khác ngoài Mỹ nhằm nâng cao vai trò của mình trong an ninh khu vực.

Asahi Shimbun cho biết, tàu này sẽ có hành trình đi về phía Tây, cắt qua Biển Đông.

          Dự luật Chi tiêu Quốc phòng Mỹ 2019 kêu gọi công khai các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 3/8, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Dự luật Chi tiêu Quốc phòng Mỹ 2019 sẽ kêu gọi công khai các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông” của nhà báo Ankit Panda. Ông Panda cho biết Dự luật chi tiêu quốc phòng hàng năm sắp tới của Mỹ năm 2019 (NDAA) đã được Thượng viện thông qua và bây giờ cần sự chấp thuận của Hạ viện trước khi được Tổng thống Donald Trump ký. Dự luật cho phép chi 717 tỷ đô-la phân bổ cho Bộ Quốc phòng.Tác giả bài viết nhận định, dự luật đã nêu một số điều khoản “thú vị” về vấn đề Biển Đông. Ông Greg Poling, Trưởng Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) đã nêu bật hai nội dung quan trọng được đưa vào văn bản NDAA: (i) NDAA 2019 đòi hỏi sự minh bạch công khai hơn từ Bộ Quốc phòng Mỹ về các hoạt động quân sự hóa và khả năng cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này phù hợp với các khuyến nghị lâu dài của giới quan sát, nghiên cứu về tình hình Biển Đông tại Mỹ; (ii) NDAA 2019 yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận rằng Trung Quốc đã “ngừng tất cả các hoạt động cải tạo”, “loại bỏ tất cả vũ khí” và “có một báo cáo theo dõi trong 4 năm liên tục về các biện pháp ổn định khu vực” trước khi Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể được mời trở lại các cuộc diễn tập hải quân đa phương Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu.

Cách hành xử hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông đang thúc đẩy các nước Đông Nam Á tăng cường lực lượng cảnh sát biển ở khu vực

Ngày 3/8, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, theo các chuyên gia nghiên cứu nhận định, những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã thúc đẩy nhiều quốc gia ở Đông Á tăng cường lực lượng cảnh sát biển của họ như một cách để duy trì sự hiện diện trong khu vực mà phải sử dụng quân đội, một yếu tố có thể dẫn đến căng thẳng. Ngoài các mối đe dọa từ khủng bố, tội phạm có tổ chức và đánh bắt cá trái phép, lý do chính cho các quốc gia tăng cường lực lượng ven biển của họ là “chiến lược hàng hải hung hăng của Trung Quốc”, bao gồm xây dựng các tiền đồn quân sự và hoạt động đánh bắt xa bờ ở vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Việc sử dụng hình thức thực thi pháp luật dân sự cho phép các quốc gia duy trì sự hiện diện và bảo vệ các yêu cầu chủ quyền của họ trên biển mà không có sự căng thẳng của việc triển khai quân sự, nghĩa là ít gây khả năng khiến Trung Quốc. Theo một báo cáo của Úc, Philippines đã bổ sung 14 tàu và 2 máy bay vận tải vào hạm đội bảo vệ bờ biển vào năm 2013, và thêm 14 tàu nữa sau 3 năm. Tương tự, Malaysia đã củng cố lực lượng tuần tra ven biển của mình với việc bổ sung 105 tàu thuyền mới trong giai đoạn 2013- 201414. Từ năm 2005 đến năm 2016, Indonesia tăng đội tàu cảnh sát biển từ 9 tàu lên 34, trong khi Việt Nam tăng lực lượng ven biển của mình ​​lên 40 chiếc và gần gấp đôi đội tàu tuần tra hải quân từ 37 lên 71.

RELATED ARTICLES

Tin mới