Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc đang tỏ ra lo lắng về việc bị nước ngoài sao chép những công nghệ quốc phòng đỉnh cao nước này đang sở hữu.
Theo nguồn tin này, từ ngày 15/8, các nhà sản xuất một số loại UAV và máy tính mạnh nhất định sẽ phải cung cấp thông tin kỹ thuật chi tiết cho chính quyền để xin giấy phép trước khi xuất khẩu, theo Tân Hoa Xã.
Các quy định mới của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quân đặc biệt nhằm vào các UAV có thể bay lâu hơn 1 giờ và ở độ cao hơn 15.420 m. Trong 5 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc đã xuất khẩu 160.000 UAV dân sự, tăng 70% so với năm ngoái, trị giá hơn 120 triệu USD, tờ China Daily đưa tin tháng trước.
Hiện nay, nhà sản xuất UAV dẫn đầu Trung Quốc DJI đang thống trị thị trường toàn cầu trấn an rằng, các sản phẩm của họ không liên quan đến các quy định kiểm soát xuất khẩu mới vì chính phủ chủ yếu muốn hạn chế xuất khẩu công nghệ quân sự.
Bình luận về quy định mới của Trung Quốc, tờ China Daily cho biết Bắc Kinh đang tỏ ra lo lắng về chuyện bí mật công nghệ quân sự của nước này bị sao chép thông qua những thương vụ với khách hàng nước ngoài – mối lo này cũng từng xảy ra với tiêm kích tàng hình J-20.
Hồi cuối năm 2014, chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu tiêm kích J-20 do sợ bị các thế lực thù địch sao chép công nghệ trên dòng máy bay này. Quyết định cấm xuất khẩu J-20 được Trung Quốc đưa ra khá bất ngờ.
Kể từ khi J-20 (do Tập đoàn Thành Đô sản xuất) ra mắt vào năm 2011, các nhà phân tích phương Tây cho rằng cũng giống như các hệ thống vũ khí khác của Trung Quốc, J-20 sẽ trở thành một mặt hàng xuất khẩu.
Có vẻ như Trung Quốc muốn giữ những mọi tính năng cao cấp của J-20 cho riêng mình. Tiền bạc không đáng để Bắc Kinh đánh đổi những bí mật của loại máy bay chiến đấu có khả năng “tàng hình” trước radar đối phương.
Song Zhongping, một cựu sĩ quan trong lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc, tiết lộ về lệnh cấm xuất khẩu này trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Phượng Hoàng vào tháng 12/2014.
“Việc xuất khẩu các công nghệ tiên tiến của quân đội Trung Quốc đã bị cấm”, ông Song nói, “Điều này nhằm đảm bảo công nghệ của J-20 không rơi vào tay các thế lực thù địch”.
Ông Song cho biết quyết định cấm xuất khẩu J-20 có liên quan tới lệnh cấm xuất khẩu F-22 của Mỹ, và điều kiện nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu J-20 của Trung Quốc khá khôi hài. Theo đó: “Nếu có một ngày, Mỹ quyết định xuất khẩu F-22, Trung Quốc cũng có thể cân nhắc nới lỏng lệnh cấm” – Ông Song nói.
Và nếu đồng minh của Mỹ sở hữu F-22, các đồng minh của Trung Quốc cũng cần J-20 để cân bằng lực lượng, China Daily dẫn lời ông Song Zhongping cho biết.