Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross gọi đây là thời điểm tốt để “chiến đấu” với Trung Quốc.
Nikkei Asian Review ngày 3/8 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh mối đe dọa thuế quan với hàng hóa Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ và đã đạt được thỏa thuận thuế quan với châu Âu.
Thứ Tư ngày 1/8, ông Donald Trump đã yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer xem xét tăng thuế suất từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nếu cộng thêm 50 tỷ hàng hóa Trung Quốc đã chịu thuế suất 25% trước đó, giá trị số hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ chịu thuế suất 25% sẽ tương đương một nửa tổng giá trị hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ năm 2017, vượt qua mức 130 tỷ USD là tổng giá trị hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc.
Mức thuế suất mới này có thể có hiệu lực vào tháng Chín hoặc muộn hơn.
Do đó, Bắc Kinh sẽ khó có thể chống lại đòn thuế quan mới này bằng công cụ thuế quan tương ứng. Hiện tại Bắc Kinh chưa tiết lộ biện pháp đối phó nào, ngoài tuyên bố sẽ không lùi bước trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.
Thứ Ba ngày 31/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định tại cuộc họp Bộ chính trị rằng, chính phủ sẽ củng cố nền kinh tế nửa cuối năm nay bằng chính sách kích thích chi tiêu, chính sách tiền tệ linh động.
Bởi Trung Quốc duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ thấp (so với giá trị thực) làm cho hàng Trung Quốc xuất khẩu sang các nước rẻ hơn, đồng thời làm cho hàng nhập khẩu từ Mỹ đắt hơn, đã khiến Nhà Trắng kết luận rằng mức thuế suất 10% sẽ không hiệu quả.
Washington không chùn tay vì lo ngại cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ sẽ làm chậm kinh tế trong nước, bởi tốc độ tăng trưởng thực tế quý 4 năm 2018 đã đạt 4% và dự kiến mức độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục duy trì.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross gọi đây là thời điểm tốt để “chiến đấu”. Việc “ngừng bắn” trong cuộc chiến thương mại với Liên minh châu Âu cũng có tác động đáng kể.
Mỹ và Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận bỏ áp thuế tự động vào ngày 25/7, đồng ý hợp tác cùng nhau chống lại Trung Quốc trong vấn đề ăn cắp sở hữu trí tuệ và nguồn cung thép dư thừa.
Mặc dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã tổ chức các cuộc đàm phán nhiều lần để giải quyết tranh chấp, nhưng họ đã không gặp nhau kể từ cuối tháng Sáu vừa qua. Đàm phán bí mật cũng không đi đến đâu.
CNBC ngày 2/8 cho biết, Trung Quốc làm rất ít để ngăn chặn sự suy giảm của đồng nhân dân tệ;
Một số quan điểm cho rằng Bắc Kinh có chủ đích chiến lược trong việc làm suy yếu đồng tiền của mình, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ đòn thuế quan thương mại của Donald Trump với nền kinh tế Trung Quốc.
Đồng nhân dân tệ yếu hơn sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn ở thị trường nước ngoài, đồng USD mạnh hơn và mức thuế suất cao của Mỹ làm cho hàng hóa Mỹ ít hấp dẫn hơn với người tiêu dùng Trung Quốc.
Chính phủ Tổng thống Donald Trump có thể xem sự mất giá của đồng nhân dân tệ, hiện đang ở mức thấp nhất trong 14 tháng, như một sự phá giá có chủ đích, dùng tỷ giá làm vũ khí kinh tế trong lĩnh vực giao thương.