Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngVấn đề Biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN

Vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN

Từ 1-4/8, đã diễn ra một số Hội nghị cấp cao ASEAN tại Singapore như: Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 (AMM 51), Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 8 (EAS), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ 5 (ADMM+)… Tại các Hội nghị trên, vấn đề Biển Đông tiếp tục là một trong những chủ đề nóng, được các bên liên quan đặc biệt quan tâm, thảo luận. Trong đó nổi lên một số nét chính sau:

Trung Quốc tiếp tục biện minh cho hành động quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông:

Phát biểu tại Hội nghị AMM 51, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (4/8) ngang nhiên lớn tiếng cho rằng hoạt động quân sự hoá (phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông là cách để nước này “tự vệ trước sức ép an ninh từ Mỹ và các nước khác ngoài khu vực”; chỉ trích một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ đã gửi một lượng lớn vũ khí chiến lược tới khu vực, đặc biệt là Biển Đông để “phô trương sức mạnh quân sự và gây sức ép lên các nước trong khu vực, bao gồm Trung Quốc”; đồng thời khẳng định “Trung Quốc cũng như các nước khác trong khu vực phải tự bảo vệ mình và thiết lập các cơ sở phòng thủ để tự vệ khi đối mặt với các mối đe dọa và sức ép quân sự từ các hạm đội tàu sân bay, máy bay ném bom hạng nặng chiến lược và nhiều khí tài tiên tiến khác”; cáo buộc một số nước ngoài khu vực cố gắng “gây rối”và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Các nước tiếp tục thể hiện sự quan tâm đối với vấn đề Biển Đông:

Ấn Độ:Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vijay Kumar Singh khẳng định Ấn Độ ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc.

Ngoại trưởng Nhật Bản, Nga và New Zealand chia sẻ quan ngại về diễn biến tình hình Biển Đông, với các hoạt động quân sự hóa làm xói mòn lòng tin và gây nguy hại nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định ở khu vực; khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullahcho rằng việc Bắc Kinh xây dựng trái phép và triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông khiến các nước ASEAN lo ngại; nhấn mạnh tất cả các bên cần tránh những bước đi khiêu khích, có thể gây căng thẳng trong lúc tự kiềm chế và tránh các hành động quân sự; đồng thời nhận định COC hiệu quả hơn DOC trong việc bảo đảm hòa bình tại vùng biển quan trọng với hoạt động thương mại toàn cầu này.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tuyên bố việc ASEAN và Trung Quốc thống nhất Văn bản dự thảo thương lượng duy nhất làm cơ sở đàm phán COC là cột mốc quan trọng; cho rằng đây sẽ là văn bản cơ sở cho các cuộc đàm phán COC trong tương lai và hai bên cũng đã thống nhất các phương thức chính cho các cuộc đàm phán COC trong thời gian tới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho biết cuộc đàm phán về COC có thể kết thúc trong năm 2018 hoặc năm 2019.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng chia sẻ quan ngại về những hoạt động gần đây trên thực địa, trong đó có các hoạt động quân sự hoá, ảnh hưởng tới hoà bình, an ninh ở khu vực cũng như tin cậy giữa các nước; đề nghị các bên cần kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp tình hình, tuân thủ các nguyên tắc và cam kết đã thoả thuận, trong đó có nghĩa vụ quy định trong DOC, duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình thương lượng COC. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng cũng cho biết, ASEAN kiên trì giữ vững lập trường nguyên tắc về các vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực như Biển Đông. Dù mức độ quan tâm khác nhau, các nước đều nhất trí những nguyên tắc cơ bản, cùng thảo thuận về quan điểm đối với các vấn đề trên thực địa cũng như về đàm phán COC.

Các nước liên quan cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải:

Tại Hội nghị EAS, các Bộ trưởng đã nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực hàng hải, bao gồm cả vấn đề xử lý rác thải trên biển; nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch Hành động Manila, đồng thời đưa ra các đề xuất hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực như biển, y tế, giáo dục, môi trường, ứng phó thiên tai, sáng tạo, năng lượng, thương mại điện tử.

Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 25, các bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiềm chế và không có các hành động làm phức tạp tình hình hay gia tăng căng thẳng; giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và không quân sự hoá; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được COC.

Dư luận liên quan

Trương Minh Lượng, chuyên gia Đông Nam Á, Đại học Tế Nam (Trung Quốc) cho rằng, căng thẳng với Mỹ có thể đã thúc đẩy Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước láng giềng; có khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra một số nhượng bộ trong đàm phán COC và về hợp tác kinh tế.

Trong khi đó, ông Greg Poling, chủ nhiệm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI, trụ sở ở Mỹ) nhận định việc đề cao dự thảo COC tại AMM 51 sẽ “mang tính sân khấu chính trị hơn là có thực chất vào thời điểm này”, vì nó thiếu sự thỏa thuận về những lĩnh vực thuộc COC; cho rằng nếu không có sự nhượng bộ lớn, nhất là sự nhượng bộ từ Bắc Kinh, cuộc đàm phán COC sẽ kéo dài.

RELATED ARTICLES

Tin mới