Friday, October 18, 2024
Trang chủBiển nóngTQ đang thúc đẩy chạy đua vũ trang ở Biển Đông

TQ đang thúc đẩy chạy đua vũ trang ở Biển Đông

Để phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông và đưa Trung Quốc trở thành bá chủ trên biển, Bắc Kinh đã không tiếc tiền đầu tư, phát triển lực lượng hải quân. Trong những năm gần đây, từ việc tăng cường khả năng răn đe trên biển của Trung Quốc đã tạo ra cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, đặc biệt là giữa Trung Quốc và một số nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền, lợi ích trên Biển Đông.

Tăng trưởng chi tiêu quân sự trong điều kiện thực tế kể từ năm 2007

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) , hiện nay châu Á chiếm gần một nửa chi tiêu mua sắm vũ khí của thế giới, nhiều hơn hai lần tổng mua sắm của các nước ở Trung Đông và nhiều hơn 4 lần so với châu Âu. SIPRI cho biết, hiện nay Singapore là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 trên thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ và Pakixtan, Hàn Quốc. Cùng với Singapore, hầu hết các nước ở Đông Nam Á đã bắt đầu một quá trình tăng cường lực lượng vũ trang tương tự, khiến nó trở thành một trong những khu vực có chi tiêu quốc phòng gia tăng nhanh nhất trên thế giới. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một cơ quan tư vấn chính sách ở London, lần đầu tiên, ít nhất là trong lịch sử hiện đại, chi tiêu quân sự của châu Á sắp vượt qua châu Âu.

Trung Quốc đang âm thầm thúc đẩy chạy đua vũ trang trong khu vực

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường đầu tư tài chính để củng cố, phát triển lực lượng quân sự, nhằm tăng cường khả năng răn đe và tìm cách độc chiếm Biển Đông. Trong những năm qua, lực lượng hải quân Trung Quốc đã từng bước “lột xác”, trở thành một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất trên thế giới. Hiện nay Hải quân Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về số lượng tàu ngầm chạy diesel, tàu khu trục, tàu tên lửa và tuần tra, tàu đổ bộ (nhưng kém hơn so với Mỹ về trọng tải và công suất tàu đổ bộ); đứng thứ ba thế giới về số lượng các tàu ngầm hạt nhân và tàu khu trục(tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo đứng sau Mỹ và Nga, trong khi tàu khu trục xếp sau Mỹ và Nhật Bản); đứng đầu thế giới về số lượng tàu chiến cỡ nhỏ.Trung Quốc có khoảng 700 tàu chiến các loại, trong đó có 02 tàu sân bay, 29 tàu tuần dương, 49 tàu khu trục, 34 tàu hộ vệ, 68 tàu ngầm tấn công và hơn 100 tàu tên lửa; đáng chú ý các tàu mặt nước lớn của Trung Quốc đều có khả năng triển khai tên lửa tấn công và một số chiếc có còn khả năng chiến khai cả vũ khí hạt nhân chiến thuật. Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào năm 2017, từ năm 2002 đến nay, Trung Quốc đã chế tạo 10 tàu ngầm hạt nhân, gồm 6 tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân Type-093, lớp Shang I/II có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm và 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094, lớp Jin. Ngoài ra, hiện Trung Quốc đang có khoảng 54 tàu ngầm điện-diesel. Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, Trung Quốc có thể gia tăng hạm đội tàu ngầm lên khoảng 70 tàu vào năm 2020.

Trong khi đó,Không quân của Hải quân Trung Quốc có 346 máy bay (đứng thứ hai trên thế giới về số lượng, đứng sau Mỹ), trong đó có khoảng 30 máy bay ném bom chiến lược Tây An H-6; 8 máy bay cảnh báo sớm KJ-200, 5 máy bay Y-8 ELINT được trang bị các khí tài trinh sát điện tử, 3 máy bay bay tuần tra chống ngầm tầm xa Y-8MPA trang bị các hệ thống radar trinh sát mặt nước, hệ thống định vị thủy âm tìm kiếm tàu ngầm, 32 máy bay vận tải hạng trung Y-8 (có thể chở 96 lính thường hoặc 82 lính dù hoặc 20 tấn hàng hóa); 20 máy bay J-15, 20 máy bay chiến đấu J-10, 24 máy bay chiến đấu Su-30MK2, 24 máy bay chiến đấu J-11BH, 120 máy bay chiến đấu JH-7 và JH-7A; 48 máy bay J-8II, 35 máy bay J-7D/E (loại cũ, tính năng hạn chế, sản xuất từ những năm 1970); 26 trực thăng vận tải kiêm nhiệm vụ tuần tra biển Z-8.

Việc các nước đẩy mạnh đầu tư hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là lực lượng hải quân nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước Trung Quốc

Nhật Bản: Nhật Bản đã sửa đổi điều 9 Hiến pháp về quân sự, từ chỗ chỉ là lực lượng phòng vệ tập thể, giờ đây quân đội Nhật Bản có thể tham chiến để bảo vệ đồng minh. Tính đến nay, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản được trang bị nhiều tàu hiện đại. Mặc dù hiện không sở hữu tàu sân bay nào, nhưng Nhật Bản có 2 tàu khu trục lớp Hyūga trọng tải 18.000 tấn có thể chở 11 máy bay trực thăng cùng đơn vị đổ bộ và 1 tàu lớp Izumo có lượng giãn nước tới 27.000 tấn có thể chở 9 trực thăng trên boong và 14 trực thăng trong kho chứa. Tokyo còn có 1 tàu lớp Shirane trọng tải 7.500 tấn có thể mang 3 máy bay trực thăng. Nhóm tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển (DDG) gồm 2 tàu lớp Atago trọng tải 10.000 tấn (đầy tải), 4 tàu lớp Kongō trọng tải 9.500 tấn (chuẩn bị lắp hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3), 2 tàu lớp Hatakaze trọng tải 4.600 tấn. Nhóm tàu khu trục thông thường (DG) gồm 4 tàu lớp Akizuki trọng tải 6.800 tấn, 5 tàu lớp Takanami trọng tải 6.500 tấn, 9 tàu lớp Murasame trọng tải 6.100 tấn, 8 tàu lớp Asagiri trọng tải 4.900 tấn, 8 tàu lớp Hatsuyuki trọng tải 3.000 tấn,6 tàu lớp Abukuma trọng tải 2.500 tấn. Về tàu ngầm, dù không có tàu ngầm hạt nhân, nhưng Nhật Bản là một trong số các quốc gia có nhiều tàu ngầm diesel-điện ở châu Á cũng như trên thế giới với những đặc điểm kỹ – chiến thuật tương đối cao và sở hữu vũ khí điện tử, ngư lôi và tên lửa hiện đại. Hiện tại, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đang sở hữu 9 tàu ngầm tấn công lớp Sōryū, 10 tàu lớp Oyashio và 2 tàu lớp Harushio (dùng cho nhiệm vụ huấn luyện thủy thủ). Dự kiến tàu ngầm lớp Soryu sẽ có 11 chiếc đến năm 2020. Chính phủ Nhật Bản hiện có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm số lượng từ 17 lên 22 chiếc và nâng số tàu khu trục lên 48-50 chiếc. Ngoài ra, Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản cũng đang có kế hoạch mua khoảng 100 máy bay chiến đấu mới để thay thế đội máy bay F-2 sẽ ngừng hoạt động vào khoảng năm 2030. Không những vậy, Nhật Bản hiện cũng có một thỏa thuận với Lockheed Martin mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Lockheed Martin, để thay thế cho đội máy bay F-4.

Ấn Độ: Ngân sách quốc phòng chính thức của Ấn Độ giai đoạn 2012-2017 chiếm khoảng 2,5% GDP. Năm 2012, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới; từ năm 2007 đến năm 2011, tiền mua vũ khí của Ấn Độ chiếm 10% tổng phí tổn dành cho mua sắm vũ khí quốc tế. Phần lớn chi tiêu quân sự tập trung vào phòng thủ chống Pakistan và chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Ấn Độ đang có khoảng 15 tàu ngầm trong biên chế. Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên INS Arihant được đưa vào sử dụng cuối năm 2016. Tàu ngầm hạt nhân tiếp theo INS Aridaman được hạ thủy vào cuối năm 2017. INS Kalvari, tàu ngầm điện-diesel đầu tiên chế tạo trong nước theo giấy phép từ Pháp đã được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2017.

Australia: Trong Sách trắng quốc phòng vừa công bố, Australia cho biết ngân sách dành cho quân đội trong năm 2016-2017 sẽ lên đến 32,4 tỷ đô la Australia, tương đương khoảng 23 tỷ đô la Mỹ và đến năm 2025-2026, con số này sẽ tăng tới 58,7 tỷ đô la Australia, chiếm hơn 2% tổng thu nhập của nước này. Với ngân sách 50 tỷ đô la, từ nay đến năm 2030, hải quân Australia có kế hoạch đặt đóng 12 tàu ngầm, trang bị thêm ba khu trục hạm, 9 hộ tống hạm và 12 tuần dương hạm; mua thêm 72 máy bay chiến đấu F-35.

Philippines: Chính phủ Philippines đã mua 12 máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc với kinh phí lên tới 18,9 tỉ peso (400 triệu USD) hồi năm 2014 và đang từng bước triển khai tại Căn cứ Không quân Clark, phía bắc thủ đô Manila. Ngoài ra, Chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte đang tiếp tục duy trì chương trình trình 75 tỉ pesos để hiện đại hóa quân đội do cựu Tổng thống Benigno Aquino đưa ra.

Thái Lan. Hiện Thái Lan đang có khoảng 93 máy bay chiến đấu (50 F-16, 49 F-5, 25 Alfajet…), 32 máy bay huấn luyện L-39, 68 máy bay vận tải, 233 trực thăng, khoảng 100 tàu chiến các loại và có 1 tàu sân bay. Theo kế hoạch, Thái Lan có thể mua 4 tàu ngầm từ Trung Quốc trong thời gian tợi.

Indonesia: Chi phí quốc phòng của Indonesia trong ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 3% GDP nhưng được bổ sung bởi các hoạt động kinh doanh của quân đội và các quỹ tài trợ. Hiện nước này đang vận hành 17 tàu Frigate, 16 tàu hộ vệ, 4 tàu tên lửa, 16 tàu chiến nhỏ, 2 tàu ngầm Type-209,9 trực thăng săn ngầm Wasp HAS-1 và đang tìm kiếm các tàu ngầm mới có thể hoạt động ở vùng nước nông; không quân có 90 máy bay chiến đấu, bao gồm một số máy bay: 10 F-16, 15 F-5, 35 Hawk109/209, 4 Su-27.

Malaysia:Lực lượng quân đội Malaysia chủ yếu được trang bị một số loại vũ khí hiện đại như máy bay Su-30 MKM cho không quân, các máy bay trực thăng Augusta Westland A109 cho lục quân, các xe tăng PT-91 và 2 tàu ngầm Scorpene, 6 tàu tuần tiễu thế hệ mới.

Đài Loan: Đài Loan duy trì lực lượng quân sự quy mô lớn và tiên tiến, Từ năm 2002 đến năm 2011, ngân sách quốc phòng là khoảng 250 tỷ đến 330 tỷ Đài tệ, chiếm 15,52% đến 19,51% tổng ngân sách trung ương. Tính đến nay, Đài Loan đã mua từ Mỹ nhiều loại thiết bị quân sự, nhằm duy trì năng lực phòng ngự đầy đủ.

Việc chạy đua vũ trang trong khu vực do âm mưu của Trung Quốc và nó có ảnh hưởng lớn đến hòa bình, ổn định trong khu vực

Cuộc chạy đua vũ trang ở trong khu vực xuất phát từ tham vọng giành ưu thế quân sự tuyệt đối để răn đe, ngăn chặn nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông và từng bước đưa Bắc Kinh trở thành cường quốc quân sự trên thế giới. Nó là nguyên nhân thúc đẩy chạy đua vũ trang trong khu vực và trên thế giới ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, ổn định của khu vực cũng như trên thế giới. Ngoài ra, việc Trung Quốc thúc đẩy chạy đua vũ trang cũng nhằm mục đích thu lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động buôn bán vũ khí cho các nước khác. Ngày nay, không có một ngành sản xuất nào thu được lợi nhuận tối đa và nhanh chóng như ngành sản xuất quân sự, đặc biệt là sản xuất vũ khí.

Chuyên gia Linda Jakobson, Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney nhận định thái độ ‘khó lường’ của chính quyền Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á. Theo bà Jakobson, các tác nhân khác nhau ở Trung Quốc như các nhóm lợi ích, quân đội giải phóng nhân dân, các chính quyền địa phương, các cơ quan thực thi pháp luật, các công ty khai thác tài nguyên cũng như các ngư dân đều tìm cách đẩy mạnh các quyền lợi của mình thông qua việc thúc đẩy chính phủ có các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền lãnh hải. “Họ nắm mọi cơ hội để thuyết phục chính phủ thông qua các dự án lấn biển, trang bị các tàu tuần tra lớn, cũng như các công cụ pháp lý để củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, bà Jakobson viết trong bản nghiên cứu của mình.

Việc chạy đua vũ trang trong khu vực sẽ đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới. Ngoài ra, quá trình chạy đua vũ trang sẽ dẫn đến ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế của mỗi nước, cũng như nguy cơ xảy ra va chạm trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới