Friday, October 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCân nhắc vốn ODA TQ: Gỡ chân khỏi bẫy

Cân nhắc vốn ODA TQ: Gỡ chân khỏi bẫy

Chúng ta chưa thể từ chối hoàn toàn nguồn vốn vay từ Trung Quốc, song phải từng bước “gỡ chân khỏi bẫy”, tránh bị lệ thuộc vào nguồn vốn này.

Cảnh báo ai?

TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương nhấn mạnh, lời cảnh báo của Bộ Kế hoạch và đầu tư (KHĐT) đối với  nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Trung Quốc là quá muộn.

Cụ thể, báo cáo Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho rằng, trong thời gian tới đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc.

Tại báo cáo, Bộ KHĐT cũng cho rằng, các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với nguồn vốn ODA của các nước khác.

TS Dương Đình Giám nhận định, những nội dung nhắc lại trong báo cáo chính là những lời cảnh báo nhãn tiền được đúc rút từ hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dự án có nguồn vốn đầu tư và do các nhà đầu tư từ Trung Quốc triển khai thực hiện tại Việt Nam.

Dẫn lại báo cáo từ năm 2011 của các cơ quan, viện nghiên cứu và ở ngay báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước, TS Dương Đình Giám cho biết, ở thời điểm đó, các thống kê đều cho thấy đã có đến hơn 90% các dự án trọng điểm của Việt Nam đều do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, với giá trị trúng thầu hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ USD mỗi dự án.

Đáng nói, những cảnh báo về nguồn vốn ODA Trung Quốc cũng như những tác động, hệ lụy của nó cũng liên tục được đề cập như: các khoản vay kém ưu đãi, lãi suất cao hơn so với các nhà tài trợ khác. Đặc biệt, đây là các khoản vay có điều kiện, thường là chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng, tăng tổng mức đầu tư… nhưng nguồn vốn vay từ nước này vẫn chảy vào Việt Nam và tăng nhanh chóng mặt.

Thời gian gần đây, bức xúc dư luận lại nổi lên với những vấn đề đội vốn, chậm tiến độ tại các dự án trọng điểm quốc gia như đường sát Cát Linh – Hà Đông, 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công thương… đều có sử dụng nguồn vốn vay từ Trung Quốc. Đi cùng với việc gia tăng nguồn vốn vay, thì mức nhập siêu từ Trung Quốc cũng liên tục tăng cao và ngày càng nặng nề.

Không ít sản phẩm trung gian và tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc vừa chèn ép các ngành hàng và doanh nghiệp trong nước (kể cả nông nghiệp), vừa gây hiểm họa cho người tiêu dùng và môi trường do không kiểm soát được chất lượng và các nhân tố độc hại chứa đựng trong đó. Vị TS cho biết, tất cả đều được nhìn thấy ở rất nhiều dự án nhưng vì sao tình trạng trên vẫn cứ kéo dài? Và vì sao cho tới giờ Bộ KHĐT mới đưa ra cảnh báo?

Tự lý giải cho câu hỏi trên, TS Dương Đình Giám cho rằng, có dấu hiệu trốn tránh, đá bóng trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ KHĐT. Ông nhấn mạnh, với cương vị là một cơ quan quản lý nước, có vai trò, ảnh hưởng trực tiếp tới các quyết sách vay vốn đầu tư từ nước ngoài thì bản thân Bộ KHĐT, Bộ Tài chính đã phải tự ý thức và phải tự đưa ra lời cảnh báo với chính mình là trước hết.

Ông nói rõ, trong quy trình thực hiện vay vốn ODA, doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn ODA chỉ là đơn vị thụ hưởng, địa phương có trách nhiệm đề xuất, Bộ KHĐT xem xét, tư vấn, tham mưu để Chính phủ quyết định.

“Nếu Bộ KHĐT cũng như Bộ Tài chính làm tốt vai trò “gác cổng”, thực hiện nghiêm chuẩn trách nhiệm của mình thì trước khi đưa ra tư vấn, tham mưu cho Chính phủ phải thực hiện đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng, thậm chí đề xuất từ chối, không tiếp nhận những nguồn vốn vay ODA nếu nhận thấy nguồn vốn đó có khả năng gây bất lợi cho dự án, cho địa phương cũng như cho nền kinh tế nói chung.

Chỉ cần Bộ KHĐT làm tốt việc này, chắc chắn không một địa phương hay doanh nghiệp nào với được tới nguồn vốn vay ODA kém chất lượng.

Nói vậy để thấy, việc vay quá nhiều vốn ODA Trung Quốc cũng như việc sử dụng nguồn vốn trên chưa hiệu quả, còn nhiều vấn đề bất cập kéo dài là có trách nhiệm của Bộ KHĐT. Vì thế, lời cảnh báo của Bộ KHĐT có vẻ như đang muốn đá quả bóng trách nhiệm cho địa phương và các doanh nghiệp thụ hưởng thay vì thừa nhận rằng, mình làm chưa tốt”, TS Dương Đình Giám thẳng thắn.

Gỡ chân khỏi bẫy

Liên quan tới nguồn vốn ODA Trung Quốc được ưu ái vay nhiều hơn các dòng vốn ODA của các nước khác, TS Dương Đình Giám còn nghi ngại có tiêu cực.

“Có hai vấn đề: Thứ nhất, đây là chiến lược nhằm đẩy mạnh các sáng kiến kinh tế đối ngoại của Trung Quốc. Việc Trung Quốc đẩy mạnh “xuất khẩu sáng kiến” đi kèm với đó là các khoản chào mời vay vốn và sử dụng công nghệ Trung Quốc, các dự án tại Việt Nam là ví dụ.

Khi Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vốn, điều này có ý nghĩa trong việc bổ sung nguồn vay để đầu tư phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này có thể phá vỡ trần nợ công của Việt Nam. Tiếp đó, các vấn đề lao động Trung Quốc bất hợp pháp cũng có thể gây ra các tác động tiêu cực về an ninh xã hội. Cuối cùng là những tác động về môi trường.

Nghiêm trọng hơn, từ việc gia tăng ảnh hưởng về kinh tế, Trung Quốc cũng muốn gia tăng ảnh hưởng về mặt chính trị tại các quốc gia cho vay vốn, khiến các nước vay vốn bị lệ thuộc vào Trung Quốc.

Thứ hai, để phục vụ chiến lược trên, Trong Quốc đã không “tiếc tiền” bỏ ra, thậm chí còn tuyên bố cho vay không lãi. Để thực hiện chủ trương trên, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẵn sàng chi lại quả, phong bì lót tay để mua chuộc một số cán bộ quản lý nhà nước trục lợi từ nguồn vốn ODA.

Việc dư luận nghi ngờ là có cơ sở, chúng ta phải đặt ra những giả thiết có sự móc nối, bắt tay, thỏa thuận ngầm giữa chủ đầu tư dự án, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý cũng như nhà cung cấp vốn. Việc này phải được ngăn chặn và xử lý kịp thời, tránh tình trạng gánh nặng nhà nước mang, trong khi lợi ích thì một số cá nhân hưởng”, TS Dương Đình Giảm cảnh báo.

Trong bối cảnh hiện nay, vị TS thừa nhận chúng ta chưa thể từ chối hoàn toàn nguồn vốn vay từ Trung Quốc, song phải từng bước “gỡ chân khỏi bẫy”, để tránh những hệ lụy, tránh bị lệ thuộc vào nguồn vốn này.

Các giải pháp cụ thể được vị TS đề cập như: xem xét, đánh giá kỹ lưỡng chất lượng, hiệu quả dự án được sử dụng nguồn vốn ODA; Tránh tình trạng lựa chọn những dự án không đúng, không phù hợp, sử dụng nguồn vốn không hiệu quả, gây lãng phí, tạo gánh nặng nợ công.

Tiếp theo là thay đổi các chế tài quản lý, giám sát việc sử dụng dòng vốn ODA cho hiệu quả, chặt chẽ. Đặc biệt lưu ý các điều khoản ký kết trong hợp đồng, bảo đảm tính chặt chẽ, chi tiết, không để thụ động, bị gây khó.

Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ, nghiêm khắc đối với các nhà thầu Trung Quốc có vi phạm, thậm chí loại bỏ những nhà thầu không đủ điều kiện tham gia.

Cuối cùng là truy trách nhiệm tới cùng những cơ quan, đơn vị đã để lọt, sử dụng nguồn vốn vay ODA không hiệu quả, không đúng mục đích, gây thất thoát, lãng phí để làm gương.

RELATED ARTICLES

Tin mới