Bộ Tài chính Mỹ vừa tiếp tục tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào hai cá nhân, ba công ty và 6 tàu của Nga vì cáo buộc những đối tượng này có quan hệ giao dịch với Triều Tiên, vi phạm chính sách trừng phạt của quốc tế. Có thể nói, Nga đang phải đối mặt với cuộc chiến trừng phạt thực sự khốc liệt không chỉ từ Mỹ mà còn từ các nước Châu Âu. Mỹ liên tiếp tung ra các đòn trừng phạt Nga trong khi Anh cũng đang ra sức thúc giục Liên minh Châu Âu tăng cường trừng phạt Nga.
Chính phủ Mỹ cũng gắn các biện pháp trừng phạt mới nhất nói trên với cáo buộc Nga có các hoạt động trên không gian mạng toàn cầu, thông cáo báo chí được đưa ra ngày hôm qua (21/8) trên website của Bộ Tài chính Mỹ cho hay.
Các cá nhân được thêm vào danh sách trừng phạt của Mỹ là ông Anton Nagibin và bà Marina Tsareva. Ông Nagibin bị trừng phạt vì mối quan hệ với công ty sản xuất và thiết kế DiveTechnoService có trụ sở ở Saint-Petersburg. Bà Marina Tsareva bị trừng phạt vì có quan hệ với cùng công ty nói trên và tập đoàn Vela-Marine.
Danh sách trừng phạt mới còn bao gồm 3 công ty vận tải biển của Nga là Gudzon Shipping, Primorye Maritime Logistics và Vela-Marine cùng với một công ty của Slovakia – Lacno.
Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 6 tàu mang cờ Nga gồm Bella, Bogatyr, Neptun, Patriot, Partizan và Sevastopol vì cáo buộc các con tàu này có mối quan hệ giao dịch với công ty tàu biển bị trừng phạt – Gudzon.
Loạt biện pháp trừng phạt mới nói trên được tung ra có liên quan đến cáo buộc của phía Mỹ cho rằng các công ty và cá nhân Nga có liên quan đến hoạt động chuyển giao bất hợp pháp các sản phẩm xăng dầu cho những tàu thuyền mang cờ của Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế.
“Những hoạt động giao dịch hàng hóa tàu với tàu liên quan đến những tàu mang cờ Triều Tiên từ Nga hay bất kỳ nơi nào khác hay từ Triều Tiên đều bị cấm theo luật của Mỹ. Hậu quả cho những hành động vi phạm lệnh trừng phạt sẽ được duy trì cho đến khi chúng tôi đạt được mục đích toàn diện cuối cùng là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã giải thích như vậy trong tuyên bố được phát đi.
Trước đó, hôm 15/8, Mỹ cũng đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào một công ty liên quan đến dịch vụ cảng biển của Nga và các công ty của Trung Quốc vì cáo buộc những thực thể này có liên quan đến việc giúp đỡ tàu thuyền của Triều Tiên và bán rượu, thuốc lá cho Bình Nhưỡng, vi phạm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Mỹ.
Trong tuyên bố được phát đi, Bộ Tài chính Mỹ cho hay, Công ty Dalian Sun Moon Star International Logistics Trading Co. Ltd của Trung Quốc và chi nhánh của công ty này ở Singapore – SINSMS Pte đã thu về hơn 1 tỉ USD/1 năm bằng cách xuất khẩu các sản phẩm rượu và thuốc lá đến Triều Tiên.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt công ty Profinet Pte Ltd của Nga và Tổng Giám đốc của công ty này – ông Vasili Aleksandrovich Kolchanov về việc cung cấp các dịch vụ cảng biển ít nhất 6 lần cho các tàu mang cờ của Triều Tiên. Ông Kolchanov bị cáo buộc đích thân dính líu vào các thỏa thuận có liên quan đến Triều Tiên và trực tiếp có giao dịch với các đại diện của phía Triều Tiên ở Nga.
Mỹ lâu nay vẫn đau đầu về việc Triều Tiên tiếp tục “lách các kẽ hở” để có thể thoát các biện pháp trừng phạt. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn dùng các biện pháp trừng phạt hà khắc, có khả năng bóp nghẹt Bình Nhưỡng để khiến nước này phải khuất phục trong vấn đề Triều Tiên. Vì thế, Mỹ rất sợ các nước khác “qua mặt”, trợ giúp Triều Tiên để nước này lách được các biện pháp trừng phạt.
Trong thời gian qua, Mỹ không ít lần cáo buộc Nga và Trung Quốc âm thầm giúp đỡ cho Triều Tiên để nước này vẫn có thể chịu được sức ép từ phía Mỹ. Hồi tháng 12 năm ngoái, báo chí phương Tây dẫn hai nguồn tin an ninh cấp cao của Tây Âu cho biết, các tàu chở dầu của Nga đã cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên ít nhất 3 lần trong năm 2017. Động thái này được cho là chẳng khác nào giúp cung cấp “đường sống” cho Triều Tiên – nước đang bị bóp nghẹt bởi các biện pháp trừng phạt ngày càng được siết chặt.
Cùng thời điểm đó, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn nguồn tin từ trong nội bộ chính phủ ở Seoul cho biết, các vệ tinh do thám của Mỹ đã phát hiện các tàu của Trung Quốc đang thực hiện hoạt động chuyển dầu mỏ sang các tàu của Triều Tiên ở giữa biển. Ít nhất 30 hoạt động giao dịch như vậy được ghi nhận đã diễn ra kể từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái.
Nghị quyết 2375 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua hồi tháng 9/2017 đã áp đặt giới hạn xuất khẩu dầu mỏ cho Triều Tiên, theo đó nước này chỉ được nhập khẩu 500.000 thùng xăng dầu mỗi năm, bắt đầu từ tháng 10/2017, đồng thời hạn chế cả hoạt động giao dịch dầu thô với Triều Tiên. Hoạt động chuyển dầu mỏ trực tiếp giữa các tàu cũng bị cấm vì lý do không thống kê được số lượng dầu cung cấp cho Triều Tiên.