Trong hoàn cảnh phải đối mặt với thảm họa về nhân đạo cũng như sức ép từ dư luận quốc tế, ASEAN cần xem xét bằng cách nào tổ chức này có thể giúp Myanmar.
Tháng 11/2017, Chính phủ Myanmar và Chính phủ Bangladesh đã ký một thỏa thuận song phương cho “Sự trở về của những người phải rời bỏ nhà cửa ở bang Rakhine”.
Quá trình hồi hương những người tị nạn Rohingya từ Bangladesh về Myanmar vẫn đang chậm trễ và chưa có gì đảm bảo.
Khi mà điều kiện trong các trại tị nạn đang ngày một xấu đi, câu hỏi lớn đặt ra là ASEAN cần phải làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng này?
Singapore hiện đã đi được nửa chặng đường trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN.
Khi các nhà lãnh đạo của các nước ASEAN gặp nhau vào tháng 4/2018, các nước đã thống nhất ra một bản tuyên bố có lời lẽ “rất cẩn thận” đối với vấn đề hồi hương của người Rohingya.
Chính phủ Myanmar được khuyến khích thực thi các khuyến nghị của Hội đồng tư vấn về tình hình Rakhine nhằm “đem lại hòa bình, ổn định, tuân thủ luật pháp, thúc đẩy hòa giải và hòa hợp các cộng đồng cũng như đảm bảo sự phát triển công bằng và bền vững ở bang Rakhine”.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh phải đối mặt với thảm họa về nhân đạo chưa được giải quyết triệt để cũng như sức ép từ dư luận quốc tế, ASEAN cần phải nghiêm túc xem xét bằng cách nào tổ chức này có thể giúp Myanmar.
Myanmar tiếp tục nhấn mạnh rằng vấn đề người Rohingya là một vấn đề nội bộ, và dường như muốn giải quyết trực tiếp với các bên đối thoại trong một khuôn khổ song phương hơn.
Mặc dù các kênh song phương chắc chắn là quan trọng đối với việc đàm phán chi tiết về việc hồi hương với láng giềng của họ là Bangladesh, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến cách thức các tổ chức khu vực làm việc với Myanmar.
ASEAN không thể dùng nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ” để che dấu sự thực là tổ chức này đang bị tổn thương bởi những chỉ trích của cộng đồng quốc tế khi chưa can dự đầy đủ vào vấn đề nói trên.
Cựu Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa mới đây đã nhận xét một vấn đề được cho là nội bộ không có nghĩa là không cần có sự hợp tác khu vực.
ASEAN cần phải phối hợp với chính phủ của thủ lĩnh Aung San Suu Kyi của Myanmar bởi lẽ hai bên cần hiểu rằng việc cùng nhau giải quyết vấn đề Rakhine sẽ làm cho cả hai tốt hơn.
Trong số các nước thành viên ASEAN, đã có một số nước đứng ra chủ trì giải quyết làn sóng người tị nạn Rohingya trước đây.
Không những thế, tất cả các nước thành viên ASEAN cần phải nhận thức được rằng họ sẽ bị ảnh hưởng nếu như Myanmar tiếp tục hứng chịu sự bài trừ của quốc tế. [2]
Rakhine là một trong những bang nghèo và kém phát triển nhất ở Myanmar. Bang này có tỷ lệ người nghèo lên đến 78%, nhiều hơn gấp đôi so với con số trung bình của cả Myanmar.
Sự nghèo đói, cơ sở hạ tầng kém phát triển, thiếu việc làm ở bang Rakhine sẽ là điều kiện châm ngòi cho sự chia rẽ giữa người theo đạo Phật ở Rakhine và người theo đạo Hồi Rohingya.
Tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn vì cũng như nước láng giềng Bangladesh, bang Rakhine thường có sự rủi ro cao khi phải đối mặt với các thiên tai.
Thực tế, nhiều trại đã bị lốc xoáy cuốn đi.
Các quốc gia lân cận, bao gồm Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia, đều nhận thấy tác động từ tình cảnh tuyệt vọng của người Rohingya.
Bà Aung San Suu Kyi dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Manila, Philipines năm 2017 (Nguồn ảnh: wsj.com). |
Tương lai của họ trở nên vô định khi phần lớn trong số họ không thể tiếp cận được với những dịch vụ an sinh xã hội cơ bản như chăm sóc y tế và giáo dục.
Do đó, cần phải thay đổi tình hình này ở ngay chính bang Rakhine, chứ không chỉ ở các trại tị nạn tại Bangladesh.
Cuộc khủng hoảng Rakhine là một cuộc khủng hoảng đa chiều trong đó có liên quan đến vấn đề về nhân đạo, an ninh, quản trị và phát triển kinh tế. [4]
Đây là vấn đề mà tất cả đều biết như lời cố Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan lúc sinh thời đã nói với Ban Tư vấn về tình hình Rakhine:
“Nếu như những thách thức đó không được giải quyết triệt để thì cả hai cộng đồng người này ở bang Rakhine sẽ tiếp tục phải chịu sự rủi ro”.
Bà Suu Kyi đã thiết lập Liên đoàn doanh nghiệp Hỗ trợ nhân đạo, Tái định cư và Phát triển ở bang Rakhine nhằm cung cấp các điều kiện và sự trợ giúp cần thiết cho người dân sinh sống ở đây.
Bà Suu Kyi hiểu rằng bất cứ giải pháp nào cũng phải có sự can dự của cộng đồng người dân Rakhine thì nó mới bền vững.
Với tư cách là Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp nói trên, bà Suu Kyi mới đây đã để “cửa mở” cho các tổ chức quốc tế và chính quyền các nước khác cung cấp sự hỗ trợ.
Mỹ quan ngại tình trạng bất ổn ở Myanmar giáp biên với Bangladesh |
Ngoại trưởng các nước ASEAN, những người đồng cấp với bà, hoàn toàn có thể giúp bà thực hiện các hỗ trợ cụ thể cho bang Rakhine.
Với việc quan hệ của Myanmar với Liên hợp quốc hiện đang ở thế bế tắc, ASEAN dường như là nền tảng duy nhất mà Myanmar cảm thấy đủ thoải mái để thảo luận về “tình hình ở Rakhine”. [5]
Trong ASEAN, hiện cũng đang có các cơ chế có hiệu lực để làm việc này. Ví dụ, Trung tâm điều phối Hỗ trợ nhân đạo về quản lý thảm họa (AHA) hiện đã cộng tác với chính phủ Myanmar.
Tuy nhiên, nguồn lực của tổ chức này vẫn còn hạn chế khiến cho hoạt động chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế.
Năm 2017, AHA đã phân phát bộ dụng cụ đồ bếp và thực phẩm đến những người vô gia cư tại bang Rakhine.
Ngoài ra, Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị ADMM mở rộng, nơi mà có sự tham gia của quân đội Myanmar, cũng có thể sẽ là diễn đàn hữu ích để các bên liên quan trao đổi về nhu cầu hỗ trợ đối với bang Rakhine. Bởi lẽ, hơn lúc nào hết, Rakhine đang cần sự ổn định.
Tương tự giai đoạn 2000-2001, ASEAN đã có sáng kiến hỗ trợ hàng triệu USD để thu hẹp khoảng cách phát triển cho các nước thành viên Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để hướng tới mục tiêu Hội nhập ASEAN.
Tình hình lúc này ở Rakhine đang cần vai trò lãnh đạo của ASEAN, thông qua việc hợp tác với chính phủ Myanmar để xây dựng một kế hoạch phát triển ổn định cho Rakhine.
Khi nào vấn đề người Rohingya và bang Rakhine chưa được giải quyết ổn thỏa, khi đó ASEAN vẫn phải tiếp tục chịu gánh nặng đối với việc hội nhập khu vực.