Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tích cực phát triển người máy quân sự và hệ thống tự hành. Hiện họ đã có không ít máy bay không người lái (UAV) trong lục quân, không quân, hải quân cũng như lực lượng tên lửa.
Lục quân Trung Quốc
Lục quân Trung Quốc sở hữu UAV dòng ASN có kích thước nhỏ, chủ yếu được dùng để trinh sát chiến trường với mục tiêu là pháo binh địch, giúp cải thiện khả năng tấn công chính xác. Phần lớn loại máy bay này là sản phẩm của Tập đoàn công nghệ Ái Sinh (Tây An).
ASN có thiết kế cổ điển, cánh nằm giữa thân (mid-wing). Máy bay có nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng pháo binh
Hải quân Trung Quốc
Binh chủng này thường sử dụng UAV chiến thuật cỡ nhỏ, nhưng cũng có một số loại máy bay tinh vi, đặc biệt là chiếc BZK-005.
Được so sánh với RQ-4 Global Hawk của Mỹ, tầm hoạt động tối đa của BZK-005 là 2.400km với thời gian hoạt động tối đa 40 tiếng. Máy bay này kể từ năm 2013 đã hoạt động gần biển Hoa Đông, năm 2016 có thông tin nó xuất hiện tại đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Một UAV khác là ASN-209, chuyên thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ liên lạc đường dài và đối đầu điện từ trường (electromagnetic confrontation) cho hải quân kể từ năm 2011.
Phạm vi hoạt động 200km và thời gian hoạt động tối đa 10 tiếng giúp máy bay này đủ sức thay thế vệ tinh (khi chúng bị kẻ địch vô hiệu hóa) cũng như đảm nhiệm vai trò dẫn đường cho tên lửa.
Không quân Trung Quốc
Đầu tiên phải kể đến Công Kích-1 (GJ-1). Tầm hoạt động của UAV này là 4.000 km, thời gian hoạt động tối đa 20 tiếng.
Tương tự như UAV Predator của Mỹ, GJ-1 mang được tối thiểu 10 loại vũ khí tấn công chính xác, bao gồm tên lửa không đối đất, tên lửa dẫn đường, bom dẫn đường.
GJ-1 sở hữu một ụ camera quang học, cảm biến hồng ngoại và quang điện, laser nhắm mục tiêu, có thể dẫn đường cho tên lửa diệt tăng hay các loại máy bay, vũ khí mặt đất khác. Khả năng tấn công lẫn trinh sát đều được tích hợp trong UAV này.
Không quân kể từ năm 2017 còn dùng đến UAV Vũ Trực-9 (WZ-9) một vài lần. Tầm hoạt động cùng thời gian hoạt động tối đa của máy bay lần lượt là 7.000km và 10 tiếng.
Từng có ba chiếc WZ-9 của Chiến khu miền tây xuất hiện tại Tây Tạng vào tháng 8.2017, thời điểm Trung Quốc với Ấn Độ có căng thẳng trên cao nguyên Doklam. UAV này cũng được triển khai đến Chiến khu miền bắc, tại một căn cứ thuộc tỉnh Cát Lâm gần CHDCND Triều Tiên.
Những địa điểm nêu trên cho thấy WZ-9 thường tiến hành nhiệm vụ trinh sát và thu thập tin tình báo.
UAV thứ ba là EA-03, tầm hoạt động 7.000km, thời gian hoạt động tối đa 36 tiếng, sở hữu hệ thống liên lạc chỉ huy cùng hệ thống can thiệp điện tử tiên tiến. Từng có thông tin hệ thống can thiệp định vị GPS của máy bay này có thể ảnh hưởng đến thiết bị đang ở cách xa 400km.
Nhiều khả năng EA-03 được sử dụng trong tác chiến điện tử lẫn trinh sát tầm xa, bao gồm cả nhiệm vụ theo dấu tàu sân bay Mỹ.
Lực lượng tên lửa
Như lục quân, lực lượng tên lửa cũng chủ yếu dùng UAV dòng ASN cho trinh sát chiến trường, xác định mục tiêu, đánh giá thiệt hại. Chúng có thể giúp các đội pháo binh cùng tên lửa nhắm mục tiêu chính xác hơn.
Lực lượng tên lửa còn một UAV khác là JWP-02. Chúng được bàn giao vào khoảng năm 2013, dùng để cải thiện độ chính xác của pháo binh và đánh giá thiệt hại.