Cuộc tập trận chung trên biển và trên không giữa 27 quốc gia đang diễn ra tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Kakadu 2018 (KA-18) là cuộc tập trận chung lớn nhất được tổ chức tại Úc trong những năm gần đây, với sự tham dự của 23 tàu thuyền, một tàu ngầm, 21 phi cơ và hơn 3.000 quân nhân.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham dự vào cuộc tập trận đa quốc gia do Úc tổ chức hai năm một lần này.
Chỉ huy tàu khu trục HMAS Newcastle của Úc, Anita Sellic, nói rằng hai lính hải quân Úc đã được nhận lên tàu khu trục Hoàng Sơn của hải quân Trung Quốc trong khi diễn tập.
KA-18 diễn ra ở khu vực ngoài khơi thành phố cảng chiến lược phía bắc, Darwin, với mục tiêu giúp quân đội các nước làm quen với việc ngăn chặn xung đột ở vùng biển quốc tế và phối hợp hoạt động cứu trợ khi xảy ra thảm họa.
Hồi tháng Tư, ba tàu chiến Úc đã có cuộc chạm trán với phía Trung Quốc khi họ đi qua Biển Đông.
Trong tháng Năm, Hoa Kỳ rút lại lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận chung trên biển tai Hawaii nhằm phản ứng với việc mà Mỹ cho là Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông, điều mà Trung Quốc bác bỏ.
Tuy nhiên, cuối tháng Tám, Nga tuyên bố mời Trung Quốc và Mông Cổ tham gia tập trận chung quy mô lớn nhất kể từ 1981 tới nay do Nga tổ chức trong tháng Chín tại miền Trung và Viễn Đông của Nga, Vostok-2018, từ 11 đến 15/09.
KA-18 theo kế hoạch diễn ra từ 31/08 đến 15/09 giữa lúc các đồng minh phương Tây như Mỹ, Úc, Pháp và Anh đang tìm cách đối phó với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.
Trung Quốc từ 2011 tới nay đã chi 1,3 tỷ đô la cho các khoản vay ưu đã và các món quà, trở thành nhà cấp viện lớn thứ hai ở Thái Bình Dương, chỉ sau Úc, khiến các nước phương Tây quan ngại rằng những quốc gia tí hon có thể sẽ bị mắc nợ Bắc Kinh.
Các quốc gia tham dự Ka-18 có Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Canada, Chile, Cook Islands, Fiji, Pháp, Ấn Độ, Malaysia, New Zealand, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Đông Timor, Tonga, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Hoa Kỳ, Úc và Việt Nam.