Friday, October 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnVì sao Mỹ chưa muốn một tuyên bố về kết thúc Chiến...

Vì sao Mỹ chưa muốn một tuyên bố về kết thúc Chiến tranh Triều Tiên?

Vì sao dù cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều muốn một tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên nhưng Mỹ vẫn chưa sẵn sàng chấp thuận điều này?

Triều Tiên muốn một tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên kéo dài hàng thập kỷ kể từ sau Hiệp định Đình chiến năm 1953. Hàn Quốc cũng mong muốn điều này. Tuy nhiên, Mỹ – quốc gia lần đầu tiên cử lực lượng quân đội tới Bán đảo Triều Tiên năm 1950 và vẫn duy trì 28.500 binh lính ở đây cho tới nay, vẫn chưa sẵn sàng để chấp thuận một tuyên bố hòa bình.

Chắc chắn vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận khi hai nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 3 vào tháng 9 tới tại Bình Nhưỡng. Cả hai bên đều muốn một tuyên bố chấm dứt chiến tranh được đưa ra vào năm nay với Mỹ và có thể cả Trung Quốc. Phía Triều Tiên kiên quyết đảm bảo tuyên bố này phải được diễn ra trước khi tiếp tục tiến trình phi hạt nhân hóa.

Có một số lý do mà đến nay các quan chức Mỹ vẫn từ chối việc chấp nhận một tuyên bố hòa bình chính thức trên Bán đảo Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Trump muốn Triều Tiên trước tiên phải ngừng các chương trình hạt nhân trước khi diễn ra bất cứ điều gì khác. Điều này có thể sẽ tạo nên sự khác biệt giữa Mỹ và đồng minh Hàn Quốc trong mối quan hệ với Triều Tiên.

“Trong khi Hàn Quốc muốn nhanh chóng thúc đẩy quá trình hòa giải với Triều Tiên thì Washington lại muốn tiến trình phi hạt nhân hóa phải được thực hiện trước khi diễn ra bất cứ điều gì. Họ có những cách kết thúc cuộc chơi khác nhau và khung thời gian cũng rất khác nhau. Điều này rất phức tạp”, ông  Jean H. Lee – Giám đốc Trung tâm Lịch sử Hàn Quốc và Chính sách công nhận định.

Mỹ đòi bằng chứng phi hạt nhân hóa

Chính quyền Tổng thống Trump, cũng như các chính quyền của những người tiền nhiệm như Tổng thống Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton đều tập trung vào các chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hơn bất cứ điều gì khác. Đây là một vấn đề lớn với Mỹ bởi nếu Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Bình Nhưỡng có khả năng tấn công Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Singapore hồi tháng 6/2018, Mỹ và Triều Tiên đều khẳng định Bình Nhưỡng sẽ “cam kết tiếp tục tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên”.

Tuy nhiên, cách hiểu về phi hạt nhân hóa của hai bên dường như có nhiều khác biệt.

Các quan chức về chính sách ngoại giao hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John R.Bolton đều nhất trí rằng phi hạt nhân hóa tức là Triều Tiên phải dừng lại và dỡ bỏ các chương trình hạt nhân.

Ông Bolton đã tuyên bố vào tuần trước rằng Triều Tiên đã không thực hiện các biện pháp cần thiết để phi hạt nhân hóa, một quá trình mà các quan chức Mỹ cho rằng nên bao gồm việc công bố danh sách các kho chứa vũ khí nguyên từ, các cơ sở sản xuất hạt nhân và các tên lửa của Triều Tiên.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không đồng ý như vậy và theo ông Pompeo, quốc gia này vẫn sản xuất các nguyên liệu tách rời trong chương trình vũ khí hạt nhân tại các nhà máy. Các quan chức tình báo Mỹ cũng đưa ra kết luận rằng Triều Tiên đang tiếp tục sản xuất các tên lửa tầm xa tại một địa điểm ở phía bắc Bình Nhưỡng.

Các quan chức Hàn Quốc nhận định rằng Triều Tiên đang tập trung lần lượt vào các điểm được đưa trong tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh tại Singapore với Mỹ. Cam kết phi hạt nhân hóa là điểm thứ ba trong khi điểm đầu tiên và điểm thứ hai tập trung vào việc Mỹ và Triều Tiên sẽ thiết lập một mối quan hệ mới và xây dựng “một chế độ hòa bình ổn định và lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên”.

Điều này nghĩa là Bình Nhưỡng đang đặt ưu tiên về tuyên bố kết thúc chiến tranh và hiệp định hòa bình lên trên.

RELATED ARTICLES

Tin mới