Bộc lộ khiếm khuyết từ cách đây vài năm, nhưng tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vẫn tiếp tục được sử dụng cho cái gọi là “biểu tượng của một cường quốc”.
Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc. Con tàu được đặt tên theo tên tỉnh Liêu Ninh nơi mà con tàu được tân trang.
Tàu Liêu Ninh ban đầu có tên gọi là Varyag do Liên Xô sản xuất. Năm 1998, Trung Quốc đã mua lại con tàu này từ xưởng đóng tàu của Ukraina. Khi đó, con tàu chỉ có một bộ khung mà không có động cơ, bánh lái và nhiều hệ thống vận hành khác.
Vào năm 2002, chiếc tàu Varyag được kéo về cảng Đại Liên, Trung Quốc sau một hành trình dài và khó khăn trên biển. Tiếp đó, Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều nguồn lực để tân trang và biến Varyag thành tàu sân bay Liêu Ninh, trước khi bắt đầu thử nghiệm trên biển.
Tháng 6 năm 2011, Trung Quốc công bố chiếc tàu khi nó được hoàn tất quá trình tân trang. Độ dài của con tàu khoảng 304,5 mét, rộng 37 mét và có thể di chuyển với tốc độ 32 knot (hay 37 hải lý/giờ). Tàu Liêu Ninh có thể chứa 26 máy bay và 24 trực thăng, được thiết kế hệ thống đường băng dốc kiểu “bệ phóng trượt tuyết” chứ không phải máy phóng như các tàu sân bay của Hoa Kỳ.
Năm 2014, tàu Liêu Ninh được chạy thử và trở thành niềm tự hào của hải quân và người dân Trung Quốc. Vào lúc đó, trên mạng xã hội của Trung Quốc tràn ngập những lời ca ngợi về sức manh của chiến hạm đầu tiên này, thậm chí con tàu được cho là vũ khí “bất khả chiến bại” của Bắc Kinh.
Ông Thích Kiến Quốc, trợ lý Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói “Tất cả các quốc gia lớn trên thế giới đều sở hữu các tàu sân bay – chúng là những biểu tượng của một cường quốc “.
Tuy nhiên, tháng 10/2014, Chuyên gia quân sự Robert Beckhusen cho biết Hệ thống điện trên tàu Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, bất ngờ gặp sự cố trong một lần thử nghiệm trên biển. Một vụ nổ nồi hơi khiến hệ thống điện của con tàu bị vô hiệu hóa, theo War Is Boring.
Sự cố bắt nguồn từ vết rò rỉ trên nồi hơi, ngay lập tức hơi nóng tràn ngập khoang động cơ của tàu sân bay. Sau đó, nước nóng và hơi nước phun ra gây chập và làm toàn bộ hệ thống điện trên tàu ngừng hoạt động, Kỹ sư cơ điện Lou Fuqiang trên tàu Liêu Ninh cho biết.
Lỗi nồi hơi không phải là sự cố hiếm thấy với các tàu sân bay do Liên Xô chế tạo, theo ông Beckhusen. Ông Beckhusen cũng liệt kê những sự cố với các tàu sân bay của Nga. Theo đó, Năm 2014, tàu sân bay INS Vikramaditya được Ấn Độ mua từ Nga, hàng không mẫu hạm đầu tiên thuộc lớp Kiev của Liên Xô, cũng bị mất điện và khiến con tàu ngừng hoạt động trên biển do nồi hơi bị quá nhiệt.
Bên cạnh đó, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov phục vụ cho Hải quân Nga luôn phải có tàu kéo đi kèm, do hệ thống nồi hơi có nhiều khuyết điểm.
Lỗi nồi hơi của tàu sân bay gây tốn rất nhiều chi phí sửa chữa. Điều này khiến tuổi thọ của tàu bị rút ngắn và giới hạn đáng kể tốc độ tối đa trên biển. Trong khi đó, Bắc Kinh thiếu các căn cứ hải quân lớn ở nước ngoài – một hỗ trợ cần thiết nếu rắc rối phát sinh trong khi tàu Liêu Ninh hoạt động xa bờ.
Nhà phân tích quân đội Liu Zhongmin viết trong Global Times năm 2010. “Việc thiếu các căn cứ ở nước ngoài đã nổi lên như một trở ngại chính cho hiệu quả bay của hải quân Trung Quốc.”
Tuy nhiên, dù Trung Quốc không bao giờ đưa tàu Liêu Ninh tham gia vào trận chiến, họ sẽ không loại bỏ nó, vì nó còn hữu ích cho việc huấn luyện và nghiên cứu cách vận hành tàu sân bay.
Sau đó, Trung Quốc đã dốc sức phát triển tàu sân bay nội địa mang tên Sơn Đông – hàng không mẫu hạm Type-001A, có công nghệ hiện đại hơn so với tàu sân bay Liêu Ninh. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự đánh giá chiếc tàu này đã bị lỗi thời từ trước khi đi vào sử dụng và chỉ mang tính hình thức.