Khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lún sâu vào cuộc chiến, Đông Nam Á lại hưởng lợi nhờ đơn hàng mới và khả năng chuyển sản xuất của các công ty.
Theo kết quả khảo sát công bố mới đây của AmCham Trung Quốc và AmCham Thượng Hải, khoảng một phần ba trong số hơn 430 công ty tại Trung Quốc đang cân nhắc hoặc đã chuyển sản xuất ra nước ngoài do căng thẳng Mỹ – Trung. Trong đó, Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu.
Phú Tài là một trong các công ty đang hưởng lợi từ việc này. Nhà sản xuất đồ nội thất cho Wal-Mart Stores tại Mỹ này đang lên kế hoạch tăng 30% xuất khẩu năm nay và 2019, theo Phó tổng giám đốc – Nguyễn Sỹ Hòe. Họ sẽ đầu tư khoảng 10 triệu USD để mở rộng hai nhà máy tại Bình Định và nâng cấp dây chuyền sản xuất tại hai nhà máy khác ở Đồng Nai.
“Chúng tôi coi đây là cơ hội tuyệt vời để tăng xuất khẩu sang Mỹ, do đang nhận được ngày càng nhiều đơn hàng từ thị trường này”, ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng với Bloomberg, “Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung ngày càng tăng, nhiều hãng nhập khẩu Mỹ đang chuyển sang mua hàng Việt Nam”.
ASEAN đang là thỏi nam châm thu hút các nhà máy mới, nhờ chi phí sản xuất thấp, tốc độ phát triển vững chắc với 5 nền kinh tế lớn nhất có GDP tăng bình quân 5,3% mỗi năm. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tại khu vực này cũng ngày càng cải thiện, và ASEAN cũng khá gần với Trung Quốc.
Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong đã nhận ra tầm ảnh hưởng của Đông Nam Á. Trong một cuộc họp báo hôm qua, Giám đốc nghiên cứu của cơ quan này – Nicholas Kwan đã gọi Đông Nam Á là “khu vực quyền lực kinh tế” và cho rằng các doanh nghiệp tại Hong Kong nên coi đây là nơi trú ẩn an toàn trong chiến tranh thương mại.
Các khảo sát về niềm tin của nhà sản xuất trên khắp thế giới đều cho thấy họ lo ngại ảnh hưởng tiêu cực từ thuế nhập khẩu mà Mỹ và Trung Quốc đã áp lên nhau từ tháng 7. Hôm qua, Mỹ công bố áp thêm thuế lên số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD và nhận về đòn trả đũa lên 60 tỷ USD hàng nước mình.
Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào thương mại. Vì vậy, khu vực này cũng không thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, không như nhiều nước phát triển, việc sản xuất tại đây sẽ phất lên khi các công ty chuyển đơn hàng sang đây để né thuế.
Nguyễn Thành Phương – Tổng giám đốc hãng sản xuất đồ gia dụng Kangaroo dự báo doanh thu bán hàng sang Mỹ sẽ tăng 10% nửa cuối năm nay. Công ty của ông đã nhận được đơn hàng từ các khách hàng Mỹ thường mua từ nhà sản xuất Trung Quốc. “Thuế nhập khẩu mới của Mỹ đang giúp sản phẩm của chúng tôi cạnh tranh hơn hàng Trung Quốc”, ông cho biết trên Bloomberg.
Koratak Weeradaecha – Giám đốc Tài chính Star Microelectronics Thailand cũng nhận thấy sự thay đổi về đơn hàng, theo diễn biến của căng thẳng thương mại. Các đơn hàng đã tăng ít nhất 15% từ năm 2017 và “chúng tôi dự báo xu hướng này còn rõ rệt nữa cuối năm nay”.
“Các đơn hàng đến từ các công ty đã chuyển sản xuất sang đây, giúp thúc đẩy chuỗi cung ứng tại Thái Lan”, Kotarak cho biết, “Chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều công ty nghĩ đến việc chuyển nhà máy sang các nước xung quanh, do việc ở lại Trung Quốc có thể khá rủi ro”.
Ở Thái Lan, không chỉ các hãng sản xuất điện máy hưởng lợi. Malayan Banking cho rằng cả các hãng xe hơi, hải sản, cao su và du lịch cũng nằm trong nhóm này, khi hàng Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn.
Chính phủ Thái cho rằng ngành hải sản sẽ phất lên trong căng thẳng Mỹ – Trung, do nó nằm trong danh sách bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc. “Cá ngừ đóng hộp sẽ đặc biệt hưởng lợi”, Pimchanok Vonkorpon – Giám đốc văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết.
Nhờ khả năng cung cấp hàng thay thế, Thái Lan hiện là một trong những địa điểm tốt nhất thế giới để các công ty tìm kiếm cơ hội trong thời buổi hỗn loạn, theo một báo cáo hồi tháng 7 của Krungsri Securities. Dù các công ty vẫn lưỡng lự trong việc chuyển sản xuất sớm, một số đã tìm hiểu vài khu vực ở Thái Lan để làm nhà máy, Nattapol Rangsitpol – Giám đốc Văn phòng Kinh tế Công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp Thái Lan cho biết.
Tương tự, ở Malaysia, Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng tuần trước cho biết “đã nhận được nhiều câu hỏi đến nỗi vấn đề lớn nhất của chúng tôi hiện tại là mở rộng năng lực sản xuất”, trong cả mảng điện tử, sản xuất thép và tự động hóa. Malaysia có thể hưởng lợi khi vừa là điểm chuyển tiếp hàng hóa, vừa là nơi cả công ty Mỹ lẫn Trung Quốc đều muốn đầu tư.
Hãng chuyển phát Kerry Logistics Network cũng đang nhận thấy “các số liệu nhích lên” khi nhiều công ty chuyển hướng trung tâm phân phối từ Trung Quốc sang Hong Kong, Đài Loan và Đông Nam Á. “Họ đang tính đến nhà máy tiếp theo, và ít có khả năng đặt nó tại Trung Quốc”, George Yeo – chủ tịch công ty này cho biết. Ông tiết lộ một số công ty đã lên kế hoạch chuyển sang xuất sang các địa điểm có chi phí rẻ hơn ngoài Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn tuần trước với Bloomberg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Việt Nam “có nhiều cơ hội hơn là thách thức” từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Thủ tướng coi đây là cơ hội giúp Việt Nam củng cố các quan hệ thương mại khác và tập trung cải tổ trong nước để duy trì đà tăng trưởng trong thời kỳ biến động.