Saturday, May 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHòa bình Triều Tiên không cần cường quốc xếp đặt?

Hòa bình Triều Tiên không cần cường quốc xếp đặt?

Hàn Quốc nỗ lực thuyết phục Triều Tiên bằng hợp tác kinh tế, quân sự, hiện thực hóa tuyên bố Panmunjom.

Ngày 18/9, Tổng thống Hàn Quốc đã cùng phái đoàn 110 đại biểu, gồm cả các lãnh đạo công ty, Tập đoàn lớn của Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng với Triều Tiên.

Truyền thông Triều Tiên gọi cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in là “cơ hội tốt” để cải thiện quan hệ giữa hai miền.

Hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên KCNA viết: “Hội nghị Bình Nhưỡng nhằm hiện thực hóa tuyên bố Panmunjom vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất bán đảo Triều Tiên sẽ tạo cơ hội quan trọng thúc đẩy hơn nữa bước tiến mới trong quan hệ liên Triều và tạo ra chương sử mới”.

Truyền thông quốc tế cũng chú ý tới dàn lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc tham gia tại hội nghị thượng đỉnh lần này.

Nhà Xanh trước đó đã cho biết dụng ý của việc đưa các lãnh đạo Tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc tới Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba.

Cuộc gặp thượng đỉnh rõ ràng không chỉ tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa, mà còn chia sẻ tầm nhìn về việc thành lập một “bản đồ kinh tế mới” cho Bán đảo Triền Tiên.

Tuy nhiên, mục đích các lãnh đạo doanh nghiệp đến Bình Nhưỡng lần này chủ yếu để chuẩn bị cho tương lai, hơn là thiết lập quan hệ kinh doanh với Triều Tiên ngay lập tức.

Song đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng cho thấy quan điểm của Hàn Quốc về cam kết phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên phải đi từ việc xây dựng lòng tin giữa liên Triều.

“Chúng tôi đang hợp tác với cộng đồng quốc tế (về vấn đề) trừng phạt Triều Tiên, và một số sự thay đổi có thể được thực hiện nếu điều kiện mới được đưa ra, gồm thúc đẩy đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ” – ông Yoon Young Chan, thư ký cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh.

Đây là dấu hiệu trước hết cho thấy việc Hàn Quốc và Triều Tiên đang nỗ lực tiến tới một cuộc thảo luận hướng tới lợi ích chung giữa hai nước trước khi ra điều kiện đòi hỏi Bình Nhưỡng thực hiện đúng các nguyên tắc. 

Người Triều Tiên cũng thấy nhưng cơ hội hợp tác kinh tế này. Cùng ngày diễn ra cuộc họp Thượng đỉnh liên Triều, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng lao động Triều Tiên đã quay sang chỉ trích Mỹ hành động đi ngược với các tuyên bố của mình.

Trong bài xã luận với tiêu đề “Ai hủy hoại tiến trình đàm phán”, tờ báo khẳng định việc Mỹ đơn phương yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa nhưng không tuyên bố kết thúc chiến tranh là nguyên nhân chính dẫn tới đàm phán bế tắc.

“Mỹ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình trạng các cuộc đàm phán Mỹ – Triều không có tiến triển.

Bởi Mỹ không cho thấy tinh thần sẵn sàng xây dựng niềm tin thông qua việc thực hiện những điều đã hứa, bao gồm tuyên bố kết thúc chiến tranh, mà chỉ khăng khăng đặt mục tiêu ‘giải giáp vũ khí hạt nhân lên hàng đầu'” – tờ báo viết.

Tờ báo nhấn mạnh, Triều Tiên cam kết thực hiện bổ sung các biện pháp “thiện chí” nếu Mỹ có những bước đi nhằm xây dựng niềm tin.

Rodong Sinmun cho rằng, Mỹ chưa làm được gì đáng kể trong khi Triều Tiên đã làm rất nhiều việc, chẳng hạn như ngừng thử hạt nhân và tên lửa, phá hủy bãi thử hạt nhân Pyonggye-ri hay trao trả tự do cho các công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt.

RELATED ARTICLES

Tin mới