Ông là quan chức có trách nhiệm biến chủ nghĩa bảo hộ có phần mơ hồ và bốc đồng của tổng thống thành một kế hoạch chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer. Ảnh: Bloomberg.
Dành nhiều năm để chuẩn bị cho cuộc chiến kinh tế với Bắc Kinh
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin là 2 quan chức thường xuất hiện thân thiện trong các cuộc đàm phán khi chiến tranh thương mại với Trung Quốc leo thang.
Nhưng ông Lighthizer 70 tuổi, tên tuổi ít được biết đến bên ngoài phạm vi nhóm thương mại của Nhà Trắng mới chính là nhân vật có vai trò ngày càng quan trọng trong chính quyền Tổng thống Trump.
Ông là một nhân vật có quan điểm “diều hâu” đối với Trung Quốc từ lâu, người đã dành nhiều năm để chuẩn bị cho một cuộc chiến kinh tế với Bắc Kinh.
Ông Lighthizer chính là người đã đạt được một thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi với Mexico và đang tiến đến gần hơn một kết quả với Canada. Ông cũng là nhà đàm phán hàng đầu của Tổng thống Trump trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.
Quan trọng nhất, ông là kiến trúc sư của cuộc tấn công thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc. “Chúng ta rõ ràng có một vấn đề kéo dài chưa thể giải quyết với Trung Quốc”, ông nói trong một buổi điều trần tại Thượng viện hồi tháng 7.
Vào ngày 17/9, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và sẽ tăng thuế suất lên 25% vào năm sau nếu Bắc Kinh từ chối đưa ra các nhượng bộ thương mại.
Ông Lighthizer được xem là người đứng sau thúc đẩy chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc, đó là bởi vì cả ông Ross và ông Mnuchin đều thất bại trong việc đem về một thỏa thuận từ Bắc Kinh và vì thế đã bị công khai khiển trách.
Vị thế của Lighthizer được xây dựng một phần dựa trên kinh nghiệm sâu rộng của ông với tư cách là một nhà thương thuyết cao cấp. Ông từng phục vụ trong chính quyền Tổng thống Reagan với tư cách là phó đại diện thương mại Mỹ và dẫn đầu các cuộc đàm phán với Tokyo nhằm giảm thâm hụt thương mại lớn với Nhật Bản.
Một trong những chìa khóa cho sự thành công của Robert Lighthizer trong chính quyền Tổng thống Trump chính là sự cẩn thận tránh khỏi mọi sự chú ý.
Trong Nhà Trắng, nơi diễn ra những cuộc cãi vã nội bộ phe bảo thủ như cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, nhà kinh tế học và tác giả của cuốn sách Death by China (Chết dưới tay Trung Quốc, tạm dịch) và phe thân doanh nghiệp đã gây ra một loạt sự ra đi của nhiều thành viên như Gary Cohn, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế quốc gia đầu tiên.
Riêng ông Lighthizer nằm ngoài chiến trường lộn xộn đó. Ông Lighthizer đã chứng tỏ khả năng vượt qua sự phân chia đảng phái và nhận được những lời nhận xét tốt đẹp ngay cả từ các nhà phê bình.
Bill Rock, đại diện thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Reagan và là một tiếng nói phản đối chính sách thương mại của Tổng thống Trump, đã gọi ông Lighthizer là “vô cùng tài năng”.
Triết lý kinh tế dẫn dắt chính quyền Trump
Quinn Slobodian, Giáo sư lịch sử tại trường Wellesley College, đã xác định học thuyết mới nổi “Lighthizerism”- chủ nghĩa Lighthizer, gọi đây là “triết lý kinh tế dẫn dắt chính quyền Tổng thống Trump” và dự đoán điều này sẽ còn kéo dài.
Cơ sở triết lý của Lighthizer là quan điểm cho rằng chính sách thương mại của Mỹ kể từ những năm 1980 là một loạt các sai lầm.
Ông và những người thân cận cho rằng Washington đã đánh giá sai vòng đàm phán Uruguay dẫn đến việc thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 1994 và sự ra đời của một hệ thống giải quyết tranh chấp ràng buộc có thể vượt qua các động thái thương mại của Mỹ.
Điều này đồng nghĩa với việc phủ nhận các chế định giải quyết tranh chấp đa phương và coi trọng chủ nghĩa song phương.
Ông Lighthizer cũng cho rằng, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng trưởng đều đặn kể từ năm 1975, là minh chứng cho việc mọi chuyện đã trở nên sai trái.
Quan trọng, ông Lighthizer đổ lỗi chủ yếu cho Trung Quốc. Thâm hụt thương mại của Mỹ với quốc gia tăng vọt, “và hàng triệu công việc của Mỹ đã mất.” Hệ thống chính trị của Trung Quốc “về cơ bản mâu thuẫn với quan niệm của Mỹ về “luật pháp”, ông viết.
Hơn nữa, Trung Quốc là một cường quốc. “Trong phần lớn lịch sử, Trung Quốc có nền kinh tế lớn nhất thế giới – và nó hoàn toàn có khả năng lấy lại danh hiệu đó”, ông cảnh báo.
Comments are closed.