Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiCùng đường trong trận chiến thuế quan, TQ chơi đòn "dưới thắt...

Cùng đường trong trận chiến thuế quan, TQ chơi đòn “dưới thắt lưng” với ông Trump?

Sau tuyên bố áp thuế lên 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ hôm 18/9, Trung Quốc đã gần như cạn vốn trong trận chiến thuế quan với chính quyền tổng thống Donald Trump.

(Ảnh minh họa: Vox)

Trung Quốc hết vốn trong cuộc chiến thuế quan

Thuế quan mới của Trung Quốc nhằm vào hàng nhập khẩu Mỹ ở hai mức 5% và 10%, có hiệu lực từ ngày hôm qua, 24/9.

Đây là phản ứng trả đũa nhằm vào hành động của Mỹ hôm 17/9, khi ông Trump tuyên bố áp 10% thuế lên 200 tỉ USD giá trị hàng Trung Quốc nhập khẩu từ ngày 24, và tăng lên 25% từ ngày 1/1/2019 nếu Bắc Kinh tiếp tục leo thang đối đầu thương mại.

Thêm vào thuế quan đã có hiệu lực mà Mỹ-Trung áp lên 50 tỉ USD giá trị hàng hóa của nhau, hiện đã có 110 tỉ USD hàng Mỹ trong số 150 tỉ USD kim ngạch nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc bị ảnh hưởng. Nếu áp thuế lên 40 tỉ USD hàng Mỹ còn lại – gồm những mặt hàng hết sức quan trọng như các chất bán dẫn – thì chính các nhà sản xuất ở Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại.

Trong khi đó, ngay cả khi đã áp thuế lên 250 tỉ USD hàng Trung Quốc, ông Trump vẫn còn “dư địa” để trừng phạt thêm tới 267 tỉ USD giá trị hàng hóa khác, căn cứ vào thặng dư thương mại mà Trung Quốc có được so với Mỹ.

Tranh luận về khả năng Trung Quốc cầm cự trong chiến tranh thương mại với Mỹ đã dấy lên nhanh chóng khi Bắc Kinh rơi vào thế “cạn vốn” và không thể trả đũa ngang ngửa với đòn thuế quan mới của ông Trump.

Chiến thuật mới của Bắc Kinh là gì?

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), giới chức Trung Quốc đang nhận thức rõ hơn bao giờ hết rằng cơ hội kết thúc chóng vánh chiến tranh thương mại thông qua đàm phán đã trở nên hết sức mong manh, và buộc nước này phải tìm ra những cách thức trả đũa mới.

Arthur Kroeber, đồng sáng lập công ty dịch vụ tài chính Gavekal, nhận xét chiến thuật trước đây của ban lãnh đạo Trung Quốc như trải thảm đỏ đón ông Trump ở Bắc Kinh, hay nỗ lực thỏa thuận với Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin, đều đã thất bại.

“Trung Quốc sẽ đáp trả bằng những hàng rào riêng của họ, mở đầu bằng ‘siết’ doanh nghiệp Mỹ ở những khu vực có thể, và tiến tới một cuộc chiến tiêu hao,” Kroeber nói.

Đề cập đến phương thức mới để làm Mỹ ngấm đòn, các quan chức chính phủ cùng truyền thông nhà nước Trung Quốc đề xuất cấm vận xuất khẩu một số linh, phụ kiện quan trọng sang Mỹ, và đánh thuế “bất đối xứng” lên hàng Mỹ bằng cách áp thuế suất khác nhau đối với sản phẩm khác nhau.

Một xã luận xuất bản trên tài khoản mạng xã hội của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo hôm 19/9, lập luận rằng Trung Quốc phải mạnh tay hơn chiến thuật “đô la đánh đô la” hiện nay, bởi nước này không còn là đối thủ của Mỹ trong trò chơi “ăn miếng trả miếng”.

Theo đó, Trung Quốc không thể “tìm cách trả đũa” về số lượng mà cần “chọn cuộc chiến của riêng mình” và hành động theo cách riêng.

Bài viết nêu ý tưởng Trung quốc có thể áp thuế quan tương đối thấp lên các nguyên liệu “khó tìm nguồn thay thế” từ Mỹ, và áp thuế cao hơn với các sản phẩm như “nguyên liệu thô dễ tìm phương án thay thế, xa xỉ phẩm và các mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với nhà sản xuất Trung Quốc”.

Ông Trump nổi giận vì người ủng hộ thành mục tiêu của Trung Quốc

Ông Lâu Kế Vĩ, cựu Bộ trưởng tài chính Trung Quốc, nay là chủ tịch Quỹ an sinh xã hội quốc gia Trung Quốc, phát biểu hôm 16/9 rằng nước này có thể tiến xa hơn phương án thuế quan và áp cấm vận xuất khẩu một số nguyên liệu, linh phụ kiện cho Mỹ.

Ông cho biết không khó để xác định những sản phẩm nào của Trung Quốc có giá trị nhất với Mỹ.

“Chúng tôi có thể chọn ra một số sản phẩm không nằm trong danh sách [mới bị áp thuế] hoặc những mặt hàng được loại ra do giới doanh nghiệp Mỹ phản đối,” ông Lâu nói.

Nhờ quá trình vận động hành lang của các công ty Mỹ, gần 300 sản phẩm Trung Quốc đã được dỡ bỏ toàn bộ hoặc một phần khỏi danh sách thuế quan ban đầu của chính quyền Trump. Một trong những mặt hàng này là đất hiếm – khoáng sản quan trọng trong các ngành sản xuất công nghệ cao, mà Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất toàn cầu.

Đồng hồ thông minh và thiết bị Bluetooth cũng “thoát nạn” nhờ sự vận động của hãng Apple, bên cạnh các sản phẩm sức khỏe và an toàn như mũ bảo hiểm xe đạp hay ghế cho trẻ em.

Ông Lâu khẳng định “không có kẻ thắng trong chiến tranh thương mại”, nhưng tổn thất của Mỹ sẽ lớn hơn so với Trung Quốc khi nhắm vào những chủng loại sản phẩm then chốt cho nền kinh tế.

Nhân dân Nhật báo chỉ ra rằng Trung Quốc có thể tranh thủ chiến tranh thương mại để thay thế sản phẩm nhập khẩu bằng mặt hàng tự sản xuất.

Phần lớn thuế quan trả đũa được Bắc Kinh đánh vào hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, và rất nhiều trong số đó được sản xuất tại các bang đã ủng hộ mạnh mẽ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Tổng thống Trump hôm 17/9 đã nổi giận chỉ trích chiến thuật này của Trung Quốc trên Twitter.

Ông viết, “Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng họ đang tích cực tác động và làm thay đổi cuộc bầu cử của chúng ta bằng cách tấn công vào người nông dân, chủ trang trại và công nhân của chúng ta bởi lòng trung thành của họ với tôi.

Nhưng điều Trung Quốc không hiểu được là những con người đó là những nhà yêu nước vĩ đại và hoàn toàn biết rằng Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ trong lĩnh vực thương mại đã nhiều năm nay. Họ cũng hiểu rằng tôi là người biết cách để chấm dứt điều đó.”

Ông Trump còn cảnh báo sẽ có “đòn trả đũa kinh tế nhanh và mạnh” nhằm vào Trung Quốc nếu Bắc Kinh cố ý nhắm vào tầng lớp nông dân, công nhân của Mỹ.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới