Friday, November 22, 2024
Trang chủĐiểm tinVì sao TQ sẽ "vỡ mộng" xây dựng "vũ đài của Tập...

Vì sao TQ sẽ “vỡ mộng” xây dựng “vũ đài của Tập Cận Bình”?

Anh, Pháp, Đức và phần lớn EU phản ứng tiêu cực đối với lễ duyệt binh “Ngày Chiến thắng” của Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Bắc Kinh.

EU hờ hững với lễ duyệt binh của Trung Quốc

Trang Đa Chiều cho hay, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trả lời phỏng vấn tại Malaysia hôm 5/8 nói về khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama tới lễ duyệt binh của Trung Quốc ngày 3/9 cho biết, hành trình của ông Obama “chưa được xác định”.

Hồi tuần trước, cả Quốc hội Mỹ lẫn Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đều tuyên bố chưa nhận được lời mời tham dự duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.

Theo Đa Chiều, thông qua các cuộc “du thuyết” và vận động hành lang, Trung Quốc đã “lôi kéo” được một số lãnh đạo phương Tây đã về hưu, các thành viên hoàng gia châu Âu hay những người phụ trách các tổ chức quốc tế tới dự duyệt binh.

Wall Street Journal (Mỹ) cho biết, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã nhận được lời mời của Bắc Kinh, nhưng đại diện của ông Blair không tiết lộ ông có chấp thuận tới Bắc Kinh hay không.

Thủ tướng Anh David Cameron chưa quyết định có tới dự duyệt binh hay không, nhưng Bộ quốc phòng nước này đã lớn tiếng tuyên bố, đại diện của Anh đến Bắc Kinh sẽ không phải là người của quân đội.

Trước đó, Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc đã tuyên bố Tổng thống Francois Hollande không thể tham gia lễ duyệt binh của Trung Quốc.

Trong khi đó, phía Đức nói rằng Thủ tướng Angela Merkel ‘chưa nhận được lời mời”. Tuy nhiên, theo WSJ, có thể xác định đại diện của nước này tại lễ duyệt binh sẽ là Đại sứ Đức tại Trung Quốc Michael Clauss.

Do thực tế lễ duyệt binh trên quảng trường Thiên An Môn là một phần trong hoạt động kỷ nhiệm thắng lợi ở Thế chiến II, nên sự xuất hiện của các lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Mỹ và các quốc gia trực tiếp tham chiến được Trung Quốc xem là rất quan trọng.

Tuy nhiên, do quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng vì vấn đề Biển Đông, đồng thời các nước phe Đồng minh trong Thế chiến II như Anh, Pháp phản ứng tiêu cực với lễ duyệt binh, thì khả năng ông Obama – người đứng đầu liên minh hiện đại (gồm có Đức) – xuất hiện ở Bắc Kinh sẽ càng thấp.

Thủ tướng Anh Cameron (trái) và Tổng thống Pháp Hollande (phải) đều không có phản ứng tích cực với lễ duyệt binh của Trung Quốc.

Thủ tướng Anh Cameron (trái) và Tổng thống Pháp Hollande (phải) đều không có phản ứng tích cực với lễ duyệt binh của Trung Quốc.

Nga-Triều Tiên-Nhật Bản: Các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định của Obama

Đa Chiều đánh giá, nhân tố căn bản ảnh hưởng tới việc ông Obama đến Bắc Kinh là “ý thức thù địch đối với Trung Quốc”.

Trong đó, nguyên nhân thực tế được cho là Mỹ muốn tránh tỏ ra mềm mỏng trước Trung Quốc và phải sát cánh với Nhật Bản – đồng minh thân cận của Washington và là quốc gia chịu nhiều áp lực nhất từ lễ duyệt binh của Trung Quốc.

Về lý thuyết, Tổng thống Obama cũng có thể không cần tới Trung Quốc trước bởi “chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp thực hiện chuyến thăm Mỹ”, Đa Chiều cho hay.

Tuy nhiên, nếu phân tích danh sách các nguyên thủ có khả năng xuất hiện tại Bắc Kinh, không khó nhận thấy sự có mặt/vắng mặt tại lễ duyệt binh của lãnh đạo Triều Tiên, Nga, Nhật Bản, liên minh châu Âu (EU)… cũng có ảnh hưởng nhất định tới quyết định của Obama.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận sẽ tới lễ duyệt binh ngày 3/9. Vì vậy, nếu có thêm sự hiện diện của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thì khả năng Tổng thống Mỹ đến Bắc Kinh sẽ càng thấp hơn.

Có ý kiến cho rằng, ông Obama luôn yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, và ông không nên từ chối lời mời của Bắc Kinh (nếu có) để tận dụng cơ hội hiếm hoi tiếp xúc với Kim Jong Un.

Mặc dù các học giả Mỹ và Hàn Quốc không ít lần kiến nghị Obama thay đổi chiến lược về vấn đề Triều Tiên và tiến hành tiếp xúc song phương, song tình hình hiện tại cho thấy chính quyền của ông Obama khó có thể từ bỏ sách lược cũ.

Khả năng Tổng thống Mỹ “chịu” triển khai đối thoại với Bình Nhưỡng là rất nhỏ.

Obama vốn đã bị một bộ phận thành viên đảng Dân chủ “cô lập” khi ông thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân Iran. Nếu “liều mình” tiếp xúc với Triều Tiên, rất có thể ông sẽ “rước họa vào thân” với các chính trị gia trong nước.

Trái ngược với Putin và Kim Jong Un, nếu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng tới Bắc Kinh, khả năng ông Obama cùng có mặt sẽ cao hơn đôi chút, xét trên chiến lược “xoay trục châu Á-Thái Bình Dương” của ông, mà Nhật Bản là một mắt xích trọng yếu.

Tuy vậy, sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói hôm 5/8 rằng “không nghe nói đến chuyện ông Abe tới lễ duyệt binh”, “chuyện này không có trong lịch trình” thì khả năng Thủ tướng Nhật tới dự duyệt binh dường như đã thấp hơn.

Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Obama sẽ tránh gặp mặt Tổng thống Nga Putin tại Bắc Kinh, khi quan hệ Nga-Mỹ/phương Tây đã trở nên căng thẳng hơn trong thời gian qua bởi đôi bên tăng cường các biện pháp trừng phạt lên nhau.

Đa Chiều bình luận, Washington đánh giá cuộc duyệt binh ở Quảng trưởng Đỏ, Moscow hồi tháng 5 “là vũ đài của Putin, đồng thời của Tập Cận Bình”, do đó lễ duyệt binh ở Thiên An Môn cũng được xem như tình huống tương tự.

Nếu đến Bắc Kinh, rất có thể ông Obama sẽ phải chứng kiến cảnh Putin và Tập Cận Bình “chen vai sát cánh, tay bắt mặt mừng” và thể hiện lập trường “Nga-Trung đối trọng với Mỹ”. Washington đương nhiên sẽ ở vào thế yếu.

Thêm vào đó, dù là đối thoại với Nga hay Triều Tiên, nếu Tổng thống Obama phải chấp nhận “mượn sân Trung Quốc” để làm điều đó, ông sẽ hứng những chỉ trích từ trong nước là “mềm yếu trước thế lực thù địch”.

Vì vậy, dù Trung Quốc cũng rất muốn trở thành môi trường ngoại giao cho các bên, nhưng điều này khó trở thành hiện thực với Mỹ.

Đa Chiều cho rằng, trong tình huống quan hệ Mỹ-Trung ít căng thẳng nhất vào thời gian tới thì Tổng thống Mỹ Obama nhiều nhất cũng chỉ cử một quan chức thân cận của mình tới dự lễ duyệt binh của Trung Quốc.

Một “vũ đài quốc tế của Tập Cận Bình” mà Bắc Kinh mong muốn kiến tạo, với sự chứng kiến và ghi nhận của cả phe chiến thắng, thất bại trong Thế chiến II và cộng đồng quốc tế, do đó khó có hy vọng trở thành hiện thực.

RELATED ARTICLES

Tin mới