Thursday, November 28, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 08/10/2018

Bản tin Biển Đông ngày 08/10/2018

Bản tin Biển Đông ngày 08/10/2018.

Ngày 6/10, hãng Gulf News đưa tin, Ngoại trưởng Philippines Allan Peter Cayetano cho biết Philippines muốn Mỹ và Trung Quốc tổ chức đối thoại với nhau sau vụ tiếp cận đến mức gần như nguy hiểm giữa hai tàu chiến của hai nước này ở Biển Đông hôm 30/9 vừa qua. Ông Cayetano nhấn mạnh, như Tổng thống Philippines Rodrigo từng tuyên bố, Philippines là bạn với tất cả, không thù địch với ai, chính phủ Philippines kêu gọi Mỹ và Trung Quốc ngồi lại với nhau và có cuộc nói chuyện “từ trái tim đến trái tim” để tránh xảy ra những vụ tương tự có thể dẫn đến xung đột giữa hai nước, đồng thời ảnh hưởng đến các nước khác trong khu vực. Ngoại trưởng Cayetano cho rằng, “Trung Quốc có lập trường riêng về vấn đề Biển Đông, Mỹ có lập trường riêng, và Philippines có lập trường riêng. Mức độ năng động của các cường quốc khác với các nước tầm trung hay các nước chỉ có sức mạnh mềm. Chúng ta sẽ tiếp tục phải chứng kiến những tranh cãi như vậy cho đến khi nào Mỹ và Trung Quốc ngồi lại với nhau và các nước trong khu vực ngồi lại với nhau”.

Thông điệp của Mỹ: đã đến lúc phải lựa chọn một bên trong vấn đề Biển Đông

Ngày 6/10, tờ South China Morning Post đăng bài viết của tác giả Bhavan Jaipragas cho rằng sau nhiều năm cân bằng mối quan hệ với hai cường quốc, vụ tiếp cận nguy hiểm giữa hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc vừa qua đã khiến cho các nước láng giềng nhỏ bé của Trung Quốc phải đứng trước lựa chọn giữa ác quỷ hay biển xanh sâu thẳm. Đối tượng chính trong chuyến thăm tới Trung Quốc của Phó Tổng Mỹ Mike Pence trong tuần này có lẽ là các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng theo các nhà phân tích, có một thông điệp dành cho các nước ở khu vực: khi có một trận chiến giành bá chủ giữa hai siêu cường ở Biển Đông, hãy lựa chọn đứng về bên nào. Các nhà quan sát quan hệ Mỹ-Trung cho rằng, có thể sẽ có áp lực ngay lập tức dưới dạng Mỹ hy vọng các nước như Việt Nam, Malaysia, Singapore sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn chống lại các yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực rộng lớn ở Biển Đông – cách mà các đồng minh phương Tây như Pháp, Anh, Australia đã từng làm. Theo Ryan Hass, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Brookings của Washington, ít nhất có một phần đối tượng trong bài phát biểu của Phó Tổng thống Pence là nhằm tập hợp “sự ủng hộ quốc tế đằng sau những nỗ lực của Mỹ chống lại Trung Quốc”. Ian Storey, nhà nghiên cứu ngoại giao ở Singapore cho rằng, Biển Đông có thể đấu trường chính giữa các cường quốc nếu như căng thẳng không giảm bớt, “căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề thương mại, Đài Loan, lệnh trừng phạt quân đội, và thậm chí cả vấn đề Tân Cương đang có tác động đến vấn đề Biển Đông. Căng thẳng Mỹ – Trung càng tăng thì nguy cơ đối đầu trên biển cũng tăng theo”. Các nhà phân tích khác thì cho rằng khả năng vùng biển này trở thành đấu trường chính trong căng thẳng Mỹ – Trung tăng lên khi Washington hối thúc đồng minh và các nước bạn bè hành động nhiều hơn để thách thức Bắc Kinh trên biển, cụ thể là bằng cách tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOP). Theo Gregory Poling, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), đánh giá sự can dự của “các nước bên ngoài” – cụ thể là Anh – có thể là lý do đằng sau phản ứng “quá dữ dội”, “quá liều lĩnh” của Trung Quốc đối với hoạt động FONOP của tàu USS Decatur vừa qua. Vấn đề là trong thời gian tới, liệu các nước trong khu vực có bị kéo vào cuộc chơi địa chiến lược do các nước lớn định hình hay không và nếu có thì khi nào? Liệu Bắc Kinh có tạo sóng gió ở Biển Đông hay không?

Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông đe dọa nổ ra chiến tranh

Ngày 7/10, tờ South China Morning Post đăng bài viết của Wang Xiangwei, nguyên Tổng biên tập của tờ báo này, cho rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở Biển Đông đe dọa nguy cơ tạo ra các vụ đụng độ có thể dẫn đến chiến tranh. Bài viết nhắc lại sự việc cách đây 17 năm, một máy bay trinh thám của Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra thường xuyên tại Biển Đông đã va chạm với một máy bay chiến đấu của Trung Quốc, cho thấy bản chất mong manh của hoạt động quân sự giữa hai cường quốc này. Cuộc đụng độ giữa hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc trong tuần trước có vẻ như là những gì được báo trước. Sự đối đầu căng thẳng cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ chống lại Trung Quốc cũng như các căng thẳng song phương khác, đã làm dấy lên lo ngại rằng mối quan hệ giữa hai bên, đặc biệt là về quân sự, xấu đi, sẽ không chỉ dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mà có thể là một cuộc chiến tranh thực sự.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Washington đã tăng cường các hoạt động tuần tra hàng hải, hàng không ở Biển Đông, phần lớn tại khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, thậm chí còn khuyến khích các nước đồng minh như Anh, Australia, Pháp, Nhật làm điều tương tự. Tuy Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển này, nhưng các hoạt động quân sự của Mỹ tại đây rõ ràng là nhằm duy trì ảnh hưởng tại Châu Á – Thái Bình Dương, đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực. Về bản chất, những gì đang diễn ra ở Biển Đông là cuộc chơi quyền lực giữa cường quốc đang thống trị và cường quốc đang nổi lên. Các nhà phân tích cho rằng vụ suýt đụng độ tuần qua cũng như vụ va chạm máy bay cách đây 17 năm đều tạo ra những sự sợ hãi, nhưng bản chất của vấn đề là Mỹ sẽ không bao giờ ngừng các hoạt động tuần tra thường xuyên vùng biển ngoài khơi Trung Quốc mà chắc chắn sẽ vấp phải sự can thiệp quân sự từ Bắc Kinh. Mỹ đang cố gắng để kiểm tra độ kiên nhẫn của Trung Quốc bằng cách tăng cường tuần tra hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Câu hỏi đặt ra hiện nay là, liệu Mỹ có thực sự muốn đi đến chiến tranh với Trung Quốc về vài mẩu đá và đụn cát, như một số nhà phân tích phương Tây bình luận, hay không?

RELATED ARTICLES

Tin mới